Câu chuyện về sĩ số quá tải ở nhiều trường công lập tại Hà Nội đang khiến các em học sinh vất vả, phụ huynh đau đầu, ngành giáo dục loay hoay.
Đặc biệt là ở trường Tiểu học Chu Văn An (quận Hoàng Mai – Hà Nội), nơi có số học sinh lớp 1 đông nhất Thủ đô.
Dù đã bắt đầu năm học nhưng nhà trường vẫn đang phải tìm phương án sắp xếp, tổ chức thời gian học để thuận tiện nhất cho trẻ và gia đình.
Trao đổi với phóng viên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam nhấn mạnh, đây là sai lầm trong quy hoạch của Thành phố.
Giáo sư, tiến sĩ Phạm Tất Dong. (Ảnh: vov.vn) |
Học sinh, giáo viên đang phải lãnh hậu quả do việc quy hoạch yếu kém.
Theo thống kê sơ bộ, quận Hoàng Mai hiện có trên 85.000 dân (tăng 10.000 dân so với cùng kỳ năm 2017).
Toàn phường có 82 chung cư, trong đó có 76 tòa chung cư đã đi vào sử dụng, nhưng chỉ có 2 trường tiểu học công lập.
Giáo sư Phạm Tất Dong nêu quan điểm: “Tính chuyện xây thêm tầng hay sắp xếp, tổ chức thời gian học kiểu gì đi nữa cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Ai dám đảm bảo rằng sang năm, lứa học sinh này và lứa học sinh tiểu học mới ở khu vực này sẽ không chịu cảnh quá tải”.
Ông phân tích, khi định xây một khu mới, cơ quan chức năng cần tính toán có bao nhiêu dân, ước đoán tỷ lệ trẻ học từng lớp, từng cấp ra sao, lấy xác suất để tính.
Trong khu vực đó cũng phải tính toán bao nhiêu cửa hàng, nhà trẻ..., họ phải tính toán có quy hoạch cụ thể mới cho xây.
“Chứ không phải như hiện nay là nhà đầu tư cứ xây, xây xong mới vỡ nhẽ ra là không đáp ứng được yêu cầu của người dân”, Giáo sư Phạm Tất Dong nói.
Phụ huynh sốc nặng vì việc học của con ở trường đông học sinh lớp 1 nhất Thủ đô |
Ông nhấn mạnh: “Đây là sai lầm. Giờ sửa sai bằng cách nào? Theo tôi là rất khó để sửa sai.
Vì chỉ chăm chăm xây nhà chứ có quan tâm xây trường đâu.
Thành ra, thiếu trường thiếu lớp. Chưa kể, trường không ra mẫu trường. Nhất là trường mầm non.
Chính xác nhiều trường chỉ là nơi giữ trẻ.
Trong khi đó, ở lứa tuổi này, trẻ có nhu cầu tìm hiểu, vui chơi vận động lớn, cần một không gian rộng. Như hiện nay, không thể đảm bảo được chất lượng giáo dục”.
Vì thế, các cơ quan chức năng khi duyệt cấp phép đầu tư xây dựng chung cư nếu không đảm bảo trường lớp, các dịch vụ đi kèm thì không được phép xây.
Chứ không thể xây cứ xây, giáo dục phải đi giải quyết hậu quả như hiện nay.
"Tôi tới một vài khu vực thấy nhà cửa rất đẹp nhưng chỉ có siêu thị thậm chí cửa hàng cắt tóc cũng không có chứ đừng nói đến trường học.
Vậy làm sao có thể tiến tới chung cư văn minh được.
Một khu vực được xây dựng mới, 4 - 5 siêu thị quây vào đấy là xong. Trường học, nhà trẻ thiếu, đường đi tắc, kệ. Đó là một thực tế buồn của Hà Nội", Giáo sư Dong dẫn chứng.
Các vị đừng ngồi máy lạnh, đứng từ xa, hãy nghĩ cách cứu học trò đi, khổ lắm |
Quay trở lại câu chuyện chất lượng giáo dục, Giáo sư Dong đặt câu hỏi: "Một lớp 60 trẻ em thì sao có thể dạy dỗ được.
Trên thế giới, lớp ở cấp tiểu học quy định sĩ số chỉ dưới 30 em/lớp. Lứa tuổi này các con cần sự quan tâm, kèm cặp.
Lớp quá đông như nhiều trường ở Hà Nội thì giáo viên giữ được trật tự cũng khó chứ nói gì đến dạy kiến thức cho trẻ".
Theo ông, đây là một sai sót mà Hà Nội lẽ ra phải rút kinh nghiệm từ rất lâu.
Nhưng Hà Nội dường như không rút ra kinh nghiệm gì cả thành ra giờ có dồn, ghép kiểu gì thì cũng vẫn quá tải.