Cuối năm 2015 liên bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính đã ký ban hành Thông tư 27 quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Quan tâm tới sản phẩm cuối cùng của nhà khoa học
Thông tư 27 có hiệu lực từ ngày 15/2 được áp dụng vào cuộc sống khiến các nhà khoa học không còn sức ép về hóa đơn, chứng từ khi nhận các công trình nghiên cứu khoa học của mình. Rút ngắn thời gian để đảm bảo ngân sách chủ động hơn cho các nhà khoa học trong việc thực hiện đề tài, công trình.
Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính và Kho bạc Nhà nước sẽ không quan tâm đến chứng từ mà chỉ quan tâm tới sản phẩm cuối cùng của nhà khoa học. Xem nhà khoa học có bàn giao đúng tiến độ, đúng chất lượng, đúng tầm của công trình hay không.
Thông tư 27 đã quy định chế độ khoán chi theo tinh thần đổi mới cơ chế tài chính cho Khoa học và Công nghệ.
Cụ thể, các nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ được thực hiện theo hai hình thức khoán: khoán chi từng phần, hoặc khoán chi đến sản phẩm cuối cùng (thực hiện khoán chi toàn bộ kinh phí thực hiện nhiệm vụ).
Theo Thông tư 27, tùy thuộc vào từng nhiệm vụ, trên cơ sở đánh giá, tư vấn của hội đồng khoa học, cơ quan quản lý sẽ xem xét, xác định hình thức thực hiện khoán chi.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân. Ảnh Chính phủ.vn |
Để được khoán chi đến sản phẩm cuối cùng, nhiệm vụ cần thỏa mãn đồng thời 5 điều kiện:
- Nhiệm vụ được tổ chức chủ trì, chủ nhiệm nhiệm vụ thuyết minh và đề xuất thực hiện phương thức khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;
- Sản phẩm Khoa học và Công nghệ của nhiệm vụ đã được xác định rõ tên sản phẩm cụ thể; chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm, đơn vị đo, mức chất lượng hoặc yêu cầu khoa học cần đạt được; số lượng hoặc quy mô sản phẩm tạo ra; địa chỉ ứng dụng;
Nội dung Tâm tư nhà khoa học 40 năm chưa ăn cơm tối cùng vợ (GDVN) - Làm khoa học là một chặng đường dài. Tâm sự của họ nhân ngày Chủ tịch nước thăm và làm việc tại Đại học Quốc gia Hà Nộ khiến chúng ta suy nghĩ. |
- Nhiệm vụ có tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước đối với các nội dung mua sắm, sửa chữa, đoàn ra chiếm không quá 15% tổng dự toán nguồn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ và không quá một tỷ đồng;
- Được Hội đồng tư vấn tuyển chọn, giao trực tiếp tổ chức và cá nhân thực hiện nhiệm vụ xem xét và đề xuất khoán chi đến sản phẩm cuối cùng;
- Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thuyết minh và dự toán kinh phí.
Các nhiệm vụ không đủ điều kiện khoán chi đến sản phẩm cuối cùng thì thực hiện theo phương thức khoán chi từng phần.
Kinh phí tiền công lao động trực tiếp cho các cá nhân thực hiện nhiệm vụ thuộc tổ chức chủ trì được chuyển vào quỹ tiền lương, tiền công của tổ chức chủ trì và được chi theo phương án đã được thủ trưởng tổ chức chủ trì phê duyệt.
Theo quy định tại Thông tư 27, nhiệm vụ Khoa học và Công nghệ được quyết toán một lần sau khi được hoàn thành và các bên đã tiến hành thanh lý hợp đồng theo phương thức quyết toán tổng hợp các nội dung được khoán chi và các nội dung không được khoán chi.
Việt Nam vượt Thái Lan về năng lực sáng tạo
Trong khi đó, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cho rằng, quy mô của đề tài hiện nay đã không còn hạn chế ở mức 2,5 tỷ đồng, vấn đề tầm quan trọng của đề tài đến đâu, quy mô đến đâu thì ngân sách nhà nước đáp ứng đến đó.
“Vấn đề này đã được lãnh đạo Bộ Tài chính rất ủng hộ, làm sao để có được những đề tài chất lượng, không cần nhiều, để có được sản phẩm cuối cùng” Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.
Chia sẻ thêm, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, mặc dù đất nước còn nghèo, còn khó khăn nhưng những người làm khoa học trong nước không hề yếu kém như nhiều người vẫn nói.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Nguyễn Quân, năm 2015 khoa học công nghệ Việt Nam xếp thứ 52 thế giới về năng lực đổi mới sáng tạo, đứng thứ 3 trong Asean, chỉ sau Singapore và Malaysia, lần đầu tiên chúng ta vượt qua Thái Lan về năng lực đổi mới sáng tạo.
Trong 31 quốc gia có thu nhập thấp như Việt Nam (từ 2.000 USD-4.000USD/người), Việt Nam đứng thứ 30 về GDP và đứng thứ 2 về năng lực đổi mới sáng tạo.
“Đây là tín hiệu để thấy được những người làm khoa học Việt Nam đã nỗ lực rất lớn, vượt qua chính mình, mặc dù đầu tư còn ít, trình độ phát triển còn thấp nhưng khoa học công nghệ đã có thứ hạng” Bộ trưởng Nguyễn Quân nói.
Theo đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Quân, muốn phát triển hơn nữa trong vòng 5 năm tới chúng ta cần có các Viện nghiên cứu, các trường đại học hàng đầu, có những doanh nghiệp, tập đoàn hàng đầu. Muốn làm được thì cơ chế chính sách phải tháo gỡ được.
“Rõ ràng kinh tế yếu kém thì không thể ưu đã với những người làm khoa học được, nhưng phải tập trung một nhóm những nhà khoa học hàng đầu. Những người nào được nhà nước giao việc, người nào có sản phẩm đóng góp cho xã hội thì phải được hưởng ưu đãi” Bộ trưởng Quân nêu quan điểm.
Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BKHCN-BTC quy định khoán chi thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước (gọi tắt là Thông tư 27) có hiệu lực thi hành từ ngày 15/2/2016, thay thế Thông tư liên tịch số 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN ngày 4/10/2006 của liên Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án Khoa học và Công nghệ (Thông tư 93).