Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội khóa 12, 13, đã đến dự và chia sẻ:
“Tôi rất hoan nghênh Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên tục tổ chức các buổi tọa đàm, rất thiết thực và ý nghĩa”.
Video: Cần sửa quy định giới hạn số tầng trường học ở đô thị để lo chỗ học cho con em
Ông Tiến cho biết: “Cũng như những buổi trước, buổi hôm nay tôi cũng đề nghị chúng ta nên có kiến nghị bằng văn bản chính thức, thể hiện ý chí quyết tâm và là sự đồng thuận của các chuyên gia, các nhà giáo, những người tâm huyết đau đáu với giáo dục.
Kiến nghị này sẽ gửi lên Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng…và ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố mang tính chất đô thị, rung tiếng chuông cảnh báo rằng các vị chuyên gia về kinh tế, giáo dục và các nhà giáo tâm huyết với ngành giáo dục đã có những kiến nghị như thế.
Có một nguyên nhân mà chúng ta vừa phân tích là đã có quy định ra cách đây hàng chục năm mà vẫn không sửa. Trong khi cuộc sống cứ cuốn đi, vẫn đặt ra tình huống mới, nhưng chúng ta lại mang cái cũ ra để soi vào cái mới. Như vậy thì xã hội khó phát triển được.
Dễ dãi với độ cao chung cư, khắt khe với số tầng trường học, sĩ số thêm quá tải |
Tất nhiên là chúng ta tôn trọng các quy định của pháp luật, nhưng quy định sai và chưa phù hợp thì phải sửa. Đó là những quy định cứng nhắc, trói buộc.
Điều nữa là quỹ đất của đô thị gặp rất nhiều khó khăn, khó hơn rất nhiều so với các khu vực nông thôn và miền núi. Điều hiển nhiên đó ai cũng biết.
Bình luận về vấn đề xây cao tầng mà mọi người vừa phát biểu, tôi thấy trường học có thể giảm áp lực về cả diện tích và áp lực về số lượng học sinh khi được nâng cấp tầng lên.
Chúng ta cứ nói không lên tầng 5, tầng 6 mà có thể xây ngầm, phát triển cả tầng ngầm và tầng nổi. Không thể nói là học sinh lên tầng 5 thì dễ ngã.
Chúng ta hoàn toàn có giải pháp như đưa tất cả các phòng thí nghiệm, ban giám hiệu, phòng chức năng, bộ môn lên tầng 5 tầng 6, để nhường cho học sinh từ tầng 1 đến tầng 4.
Nhưng khi thực tế quỹ đất đã hạn hẹp như vậy, nhưng phần lớn các quỹ đất khi quy hoạch thì lại được giao cho các tập đoàn lớn xây dựng nhà thương mại, khách sạn, nhà hàng…
Vì có thể hiểu là những hạng mục này nhanh sinh lời và lợi nhuận rất cao, rất hấp dẫn với những nhóm lợi ích. Chỉ có doanh nghiệp họ mới chịu bỏ tiền ra để “đi đêm”, còn nhà trường thì chắc không có.
Nguyên nhân nữa là nhà ở thương mại mọc lên như nấm, cao mấy chục tầng mà sao họ sao xây dễ dàng như thế? Trong khi trường học nâng vài tầng cũng khó khăn.
Chúng ta cứ lấy cớ an toàn cho học sinh, trong khi có bao nhiêu giải pháp. Hiện nay công nghệ về xây dựng rất tiên tiến, các lan can rất vững chắc, cũng như vật liệu xây dựng đã tốt hơn.
Tôi thấy chúng ta lấy lý do, chứ nhà cao 40 tầng của khu đô thị thì trên đó cũng có người già, trẻ em mà người ta vẫn cho xây đấy thôi”.
Tới dự tọa đàm có các đại biểu: Ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Bà Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13. Ông Nguyễn Đại Minh - Viện trưởng Viện khoa học công nghệ xây dựng. Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội). Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế. Tiến sĩ Hoàng Anh Giang - Trưởng phòng nghiên cứu phòng chống cháy, Viện Khoa học công nghệ xây dựng. |