Kể từ tháng 10/2019, Giáo dục Việt Nam đã có loạt bài phản ánh về việc nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang bị cắt, chặn chế độ bằng những quyết định kỳ lạ khiến nhà giáo phải “nước mắt chan cơm”.
Sau khi được báo chí phản ánh, chính quyền huyện Vĩnh Thuận đã có một vài động thái nhất định nhằm xoa dịu sự bức xúc của xã hội nhưng sau đó sự việc lại chìm nghỉm trong sự vô cảm của người có thẩm quyền, mặc kệ cho nhà giáo không được hưởng lương hưu vì lý do “hồ sơ chưa đầy đủ”.
Như tin đã đưa, ngày 27/9/2019, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên Trường Tiểu học và Trung học cơ sở thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, Kiên Giang đã gửi hồ sơ đến Giáo dục Việt Nam để nhờ phản ánh về việc chế độ của cô không được đảm bảo.
Quyết định nghỉ hưu đối với cô giáo Nguyễn Thị Cảnh. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Cô Nguyễn Thị Cảnh có 31 năm cống hiến cho ngành giáo dục huyện Vĩnh Thuận.
Cô Cảnh đã được phân công công tác ở nhiều cơ sở giáo dục trong huyện và bản thân cô luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao trong vị trí giáo viên và cả trong vai trò là Chủ tịch Công đoàn cơ sở của các đơn vị trường mà cô công tác.
Ngày 01/10/2019, cô Nguyễn Thị Cảnh được nhận quyết định nghỉ hưu trước tuổi, và mặc dù bản thân cô Cảnh là giáo viên trung học cơ sở nhưng quyết định hưu lại ấn định cho cô chức vụ “nhân viên thư viện”.
Chính từ việc Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận đã tùy tiện chuyển đổi cô giáo Cảnh từ vị trí “giáo viên” sang vị trí “nhân viên” trong quyết định nghỉ hưu, cùng với việc trong nhiều năm dài cô giáo Cảnh đã không được hưởng chế độ đúng, đủ theo vị trí việc làm nên đã gây cho cô Cảnh không được hưởng chế độ như công sức mình đã bỏ ra, đúng quy định.
Sở Nội vụ Kiên Giang yêu cầu huyện Vĩnh Thuận giải quyết chế độ của giáo viên |
Tới nay, mặc dù đã nhận quyết định hưu hơn 6 tháng nhưng cô giáo Cảnh vẫn chưa được giải quyết chế độ chính đáng bao gồm chế độ lương hưu và các chế độ liên quan như bảo hiểm y tế.
Sự chờ đợi, nín nhịn của cô giáo Nguyễn Thị Cảnh đã vượt ngưỡng chịu đựng nên mặc dù trong những ngày cả nước đang cùng nhau gồng mình chống lại đại dịch cô Cảnh lại tiếp tục kêu cứu.
Và, không chỉ riêng cô Nguyễn Thị Cảnh có hơn nửa năm trời cam chịu cảnh không lương, không bảo hiểm y tế dù đã nhận quyết định nghỉ hưu mà thực tế hiện nay tại huyện Vĩnh Thuận còn có nhiều nhà giáo khác đồng cảnh ngộ với cô Cảnh cũng đang “ngậm đắng, nuốt cay” chờ đợi chế độ lương được giải quyết.
Trong số họ, có người đang phải mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo vẫn phải nhẫn nhục chịu đựng.
Có người thì đang quắt quay chịu đựng sự giày vò của bệnh tật nhưng cũng chỉ biết âm thầm chờ đợi sự giúp đỡ của truyền thông trong tuyệt vọng vì họ biết việc này đã từng “ầm ĩ” nhưng sau đó lại “chìm nghỉm” trong sự vô cảm kỳ lạ của những người có thẩm quyền.
Những “bí ẩn” trong việc rất nhiều nhà giáo chưa được huyện Vĩnh Thuận giải quyết chế độ hưu dù quyết định ban hành và triển khai hàng nửa năm trời sẽ được Giáo dục Việt Nam đăng tải tiếp tục ở kỳ sau.