Trường mà cô giáo Lý Hòa Ly công tác được thành lập năm 2003 với tên gọi trường phổ thông dân tộc Danh Thị Tươi nằm ở trung tâm xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; cách trường Trung học cơ sở Khánh Bình Tây khoảng 200m.
Đây là một xã vùng sâu vùng xa có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, số hộ nghèo và cận nghèo rất đông (11,9%).
Các cấp, các ngành đã thấy được điều cần thiết để thành lập trường này nên tiến hành xây dựng nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực cho các trường nội trú tuyến trên (cấp trung học phổ thông, cao đẳng và đại học). Nhưng khi xây dựng xong thì trường chưa thể tiến hành hoạt động nội trú được vì còn nhiều hạng mục chưa được đầu tư.
Trường đi vào hoạt động cũng quy tụ con em dân tộc thiểu số vào trường nhưng các em không được hưởng chế độ chính sách mà chỉ thực hiện hoàn toàn giống như các trường phổ thông lân cận, vẫn phải đóng học phí, vẫn phải học một buổi, nhà xa vẫn phải đi về nhà.
Cô Ly kể: “Khi nhìn lại chặng đường hoạt động đã qua, có đồng nghiệp đánh giá vui về tôi và phong tặng “nữ 3 giỏi” – việc nhà, việc trường, việc nội trú". (Ảnh: Thùy Linh) |
Đến năm 2014 trường được đổi tên thành Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học cơ sở Danh Thị Tươi. Và đến tháng 01 năm 2015 thì trường chính thức đi vào hoạt động nội trú.
Là một giáo viên trẻ, lại là người dân tộc Khmer nên cô Ly luôn có nguyện vọng được về trường công tác nhằm đem kiến thức mà mình tiếp thu được về truyền dạy lại cho con em đồng bào dân tộc của mình.
Vậy là sau khi tốt nghiệp trường Đại học Cần Thơ, theo nguyện vọng, cô Ly được phân công về nhận nhiệm vụ giảng dạy tại trường từ ngày 01/9/2010.
Được biết, cô Ly vừa là giáo viên giảng dạy môn Toán vừa kiêm nhiệm việc quản lý học sinh nội trú.
Cô kể, quá trình quản lý học sinh nội trú, giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc vận động các em đến trường để ở vì cơ sở vật chất còn thiếu, phòng chỉ có 13 nên 104 em được ở nội trú, còn hơn 100 em phải đi về nhà. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh không đưa con em vào ở nội trú, họ bảo bao giờ trường có đủ số chỗ ở thì họ mới cho con em ở lại.
Ngoài ra, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, vì gia đình ở xa trường, chưa có nhà ở nên cô Ly chỉ ở tạm nhà sấy lúa của cha mẹ chồng, chồng thì công tác xa nhà sáng đi chiều về, một mình vừa lo cho công việc giảng dạy vừa chăm hai đứa con nhỏ rồi phải quản lý thêm các em ở nội trú.
Lúc đó, nhà trường thấy hoàn cảnh khó khăn nên cho cô mượn một căn phòng ở tạm trong trường để thuận tiện việc mình đang phụ trách.
“Khi trực tiếp ở, tiếp xúc và quản lý các em trong nội trú thì tôi thấy hoàn cảnh các em còn khó khăn hơn mình rất nhiều.
Học sinh đạp xe 7km đến tặng tôi ống cơm lam nhân ngày 20/11 |
Mới 11, 12 tuổi phải sống xa cha mẹ để được học tập, đa số cha mẹ các em đều đi làm ở Bình Dương, thành phố, hay đã ly hôn bỏ nhau, các em phải sống với ông bà, hơn 2/3 các em ở nội trú đều cơ nhỡ, rất đáng thương.
Một năm các em chỉ gặp cha mẹ được một hoặc hai lần, thiếu tình thương của cha mẹ, các em luôn e dè thiếu mạnh dạn, rất ngại khi nói chuyện trước đám đông, thiếu tự tin trong giao tiếp, thiếu kỹ năng sống,… các em ở tại trường chủ yếu chỉ nhờ vào tiền học bổng nhà nước cấp hàng tháng, có em cả năm cha mẹ chẳng gửi cho đồng nào.
Tiền học bổng nhận ra các em phải bỏ vào tiền ăn, tiền vật phẩm sinh hoạt hằng ngày nên chỉ còn dư lại khoảng hai ba trăm ngàn cho các em tiêu vặt trong tháng.
Nhìn những em đó tôi cảm thấy xót vô cùng, bản thân tôi cũng đã học và ở nội trú nên tôi rất đồng cảm với các em”, cô Ly chia sẻ.
Thấm thoắt đã 9 năm công tác trong ngành giáo dục và nhiều năm trực tiếp quản lý học sinh nội trú, cô Ly luôn nỗ lực hết sức và trăn trở làm sao để nâng chất lượng bữa ăn, chế độ chính sách của học sinh; làm sao để học sinh có cảm giác an toàn khi ở và học tập tại trường; làm sao để các em được vui chơi thoải mái; làm sao để tăng số lượng học sinh vào ở nội trú….
Bằng sự yêu nghề, yêu đồng bào dân tộc của mình nên cô Ly luôn cố gắng vượt qua mọi khó khăn, tìm tòi sáng tạo trong hoạt động quản lý nội trú và giảng dạy của mình để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô Ly kể với tôi: “Khi nhìn lại chặng đường hoạt động đã qua, có đồng nghiệp đánh giá vui về tôi và phong tặng “nữ 3 giỏi” – việc nhà, việc trường, việc nội trú”. Tôi ngẫm cũng thấy đúng".
Khen thưởng của cô Lý Hòa Ly trong những năm qua: - Năm 2011: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến - Năm 2012: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến - Năm 2013: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến - Năm 2014: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến - Năm 2016: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến - Năm 2017: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn năm 2016 - 2017. - Năm 2018: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến - Năm 2019: Đạt danh hiệu Lao động tiên tiến và Bằng khen của Liên đoàn Lao động tỉnh đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và hoạt động công đoàn năm 2018 - 2019. Và vừa qua cô Ly trở thành một trong 63 thầy cô được vinh danh tại Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2019. |