Chị H. phụ huynh có con vào học lớp 6 tại một trường trung học cơ sở ở tỉnh Bình Thuận bức xúc kể cho chúng tôi nghe câu chuyện phải nộp tiền ủng hộ hội phí một cách thụ động mà không thể nói được gì.
Kiểu đóng góp mang tên tự nguyện thế này cũng khổ cho không ít phụ huynh (Ảnh minh họa. I.T) |
Trong câu chuyện chị kể, người đáng trách nhất là vị phụ huynh có con học chung với con gái chị.
Chị H. nói rằng: “Còn những phụ huynh như thế thì chúng tôi còn phải đóng nhiều khoản tiền dài dài”.
Nói rồi chị kể, trong buổi họp phụ huynh đầu năm học 2019-2020 của cô bé con chị, cô chủ nhiệm còn khá trẻ chắc là mới ra trường.
Vào cuộc họp, cô rụt rè thông báo tổng số tiền dự chi trong năm học của lớp khoảng 11 triệu đồng.
Số tiền ấy bao gồm tiền phần thưởng cho học sinh cuối năm, tiền quà lễ Trung thu, mua một số đồ dùng phục vụ cho việc học, phô tô đề kiểm tra, chi phí cho các hoạt động phong trào của lớp…
Cô giáo vừa dứt lời, một vị phụ huynh đứng lên có ý kiến.
Chị ấy nói rằng mình có kinh nghiệm làm hội phụ huynh hàng chục năm cho các con, nay lại có cháu học lớp này nên xin ứng cử vào hội phụ huynh của lớp.
|
Chưa kịp nghe sự đồng ý của đại đa số phụ huynh, chị nói tiếp:
“Lớp học cần rất nhiều khoản phải chi, tôi thấy những khoản cô giáo nói ra khá hợp lý.
Vì thế, muốn giúp các con học tốt chúng ta cần chung tay với nhà trường”.
Rồi chị tính luôn: “Tổng cộng tiền dự chi là 11 triệu, lớp có 45 em, thôi thống nhất mỗi em nộp 300 ngàn đồng là được 13 triệu 500 ngàn đồng, dư ra chút đỉnh để cho thoải mái”.
Vài ba phụ huynh lên tiếng đồng ý, rồi ít phút sau cả lớp cũng đồng ý luôn vì chẳng lẽ ai lại đứng lên phản đối?
Chị H. nói mình nhìn quanh có vài phụ huynh buồn bã, có người lầm bầm: “Nhà 3 con đi học mà nộp thế này, biết lấy đâu ra?”
Thế là, cũng chị phụ huynh ấy nhanh tay lấy bút, viết đến từng bàn ghi tên phụ huynh nộp tiền. Và chỉ một loáng, số tiền phụ huynh đóng góp đã vượt chỉ tiêu.
Cô giáo nhận tiền từ tay vị phụ huynh bàn giao lại nở một nụ cười sung sướng vì cô chẳng mất công thuyết phục, cũng chẳng phải thu lai rai hằng ngày mà số tiền thu vẫn ngoài dự kiến.
Người phụ huynh như chị H. kể có mặt ở các lớp không ít. Họ vì nhiệt tình, đôi khi vì cả sự muốn lấy lòng thầy cô nhưng cũng có thể vì gia đình họ khá giả, số tiền 300 ngàn đồng chẳng là gì.
Thế nên họ cứ vô tư kêu gọi các phụ huynh khác đóng góp mà vô tình đẩy không ít phụ huynh có gia cảnh nghèo khổ, khó khăn vào thế khó.
Không nộp đúng số tiền cho lớp lại ngại, lại sợ con bị để ý, bị trù úm.
Mà cố nộp cho con lại đẩy một số gia đình vào cảnh phải chạy vạy, vay mượn khắp nơi.
Trong khi trước đó, gia đình họ đang phải bỏ ra số tiền không nhỏ để lo tiền sách vở, quần áo, học phí...cho các con nhập trường.
Vậy nên, đừng nhìn vào hầu bao nhà mình mà hãy đặt mình vào vai những gia đình đông con, thu nhập thấp.
Lúc đó, bạn mới thấy được có nên kêu gọi đóng góp khoản tiền tự nguyện theo hình thức cào bằng những khoản thu một cách hào phóng như thế nữa hay không?