LTS: Đưa ra giải pháp nhằm hạn chế vấn nạn lạm thu trong trường học, cô giáo Thuận Phương đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Câu chuyện lạm thu đã trở thành đề tài nóng hổi trên các diễn đàn trong suốt năm học qua.
Đã không ít trường bị phạt trả lại tiền cho phụ huynh, đã có những hiệu trưởng bị kỉ luật, bị cách chức, nặng hơn là dính vào vòng lao lý.
Liệu bấy nhiêu tấm gương đã đủ sức mạnh làm cho những nhà quản lý giáo dục (mang lòng tham vô đáy) phải biết chùn tay?
Vấn nạn lạm thu trong trường học (Ảnh minh họa: baoquangninh.com.vn). |
Sự hiện hữu của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT
Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quy định rất rõ việc Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện hoặc không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được thu các khoản như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh, vệ sinh lớp học, vệ sinh trường;
Ken thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Một quy định khác cũng rất rõ ràng Thông tư 55 không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Dù thế thì nạn lạm thu vẫn ngày một gia tăng, những vụ vi phạm sau còn nhiều và tinh vi hơn những vụ vi phạm trước.
Cần sửa Thông tư 55, cấm hẳn thu hội phí phụ huynh học sinh dưới mọi hình thức |
Thông tư thì mặc Thông tư
Trong cuộc họp phụ huynh cho con khối lớp 12, mọi người chuyền tay nhau tờ danh sách “ủng hộ trường học mắc màn hình, đèn chiếu” trong các phòng học.
Các cha mẹ im lặng nhìn nhau như dò hỏi. Vị hội trưởng phụ huynh luôn miệng nói về ích lợi của việc học bằng công nghệ cao, chúng ta phải vì lợi ích của con cháu mình mà nên đóng góp, về mức đóng góp tùy lòng hảo tâm...
Có người mạnh dạn lên tiếng về những điều cấm trong Thông tư 55. Tiếng xì xào nổi lên, giáo viên nhẹ nhàng từ tốn giãi bày về sự đồng cảm, về nỗi khổ của thầy cô:
“Lớp người ta thu được tiền phụ huynh đóng góp nhưng lớp mình lại chẳng ai ủng hộ, giáo viên sẽ vướng vào tội làm chủ nhiệm không tốt”…
Phụ huynh nhìn nhau đầy chia sẻ, “thương thầy chủ nhiệm khó ăn nói với nhà trường nên chúng tôi ủng hộ.
Nếu cứ theo quy định trong Thông tư 55 thì phụ huynh chúng tôi sẽ nhất quyết chẳng đóng đồng nào”, thế là mọi người ghi vội vào tờ giấy một vài con số.
Có trường dùng “tâm kế” nhưng không ít trường cứ công khai định mức thu đồng loạt toàn trường từ 200-300 ngàn đồng/học sinh.
Số tiền này, được quyết định trong cuộc họp tay đôi giữa hiệu trưởng nhà trường và hội trưởng phụ huynh toàn trường.
Thế là ngày họp phụ huynh đại trà, mức thu sẽ được tuyên bố công khai theo kiểu bắt buộc chứ không cho “ý kiến ý cò” gì cả.
Một trường học với gần ngàn học sinh, có trường lên đến 2 ngàn em nếu thu 300 ngàn đồng/học sinh số tiền thu được của hội là vô cùng lớn.
Thu được rồi, muốn chi cái gì chỉ cần hiệu trưởng họp với hội trưởng phụ huynh là xong.
Dù Thông tư 55 cấm chi tiền hội phụ huynh cho các khoản như mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường;
Hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức day học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường… thì họ vẫn chi.
Nhưng, khi viết hóa đơn thanh toán họ lại đẻ ra một “căn bệnh” khác như chi phần thưởng, chi bồi dưỡng học sinh giỏi, chi phụ đạo học sinh yếu, hỗ trợ gia đình học sinh khó khăn, học bổng tiếp sức đến trường…
Sau một năm học, trong buổi họp phụ huynh cuối năm, nhà trường phát xuống một tập những khoản đã thu và chi trong năm cho phụ huynh xem gọi là đã “công khai tài chính”, đã “minh bạch trong cách thu chi”.
Còn minh bạch thế nào lại chẳng ai biết được trừ hiệu trưởng và hội trưởng hội phụ huynh.
Thế đấy, dù thông tư quy định rất rõ, dù công văn cấp trên có nhắc nhở nhưng nhiều trường học, hiệu trưởng vẫn cứ phớt lờ thì sao?
Cách nào hạn chế chuyện lạm thu?
Tác giả chỉ dùng từ hạn chế mà không dám dùng từ chấm dứt lạm thu. Bởi, còn Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT là còn khá nhiều khe hở để nhiều trường lách luật nếu họ muốn.
Chẳng thế mà, có giáo viên chua chát nói rằng “chính Thông tư 55 đã tiếp tay cho nạn lạm thu” là gì.
Góp phần ngăn chặn tình trạng lạm thu tái diễn trong năm học này, mới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành hướng dẫn tăng cường công tác quản lý thu chi năm học 2018-2019 nhằm thực hiện chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân Thành phố về tăng cường công tác quản lý thu chi, chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học.
Nên chọn ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp, trường như thế nào? |
Công văn chấn chỉnh kiểu này tỉnh thành nào mà chẳng có nhưng không vì thế mà lạm thu được hạn chế. Không ít trường hiệu trưởng “cao tay ấn” đã gọi được cấp trên đồng ý cho việc thu.
Điển hình như một số trường học ở Đắc Nông đã được báo chí phanh phui trong thời gian vừa qua.
Thế là ngoài hội phụ huynh còn có chính quyền giúp sức, bảo sao không nở rộ các khoản thu chi vô tội vạ như thế.
Đừng trông mong vào lương tâm của những hiệu trưởng có lòng tham, đừng trông chờ vào hội phụ huynh sẽ đại diện cho tiếng nói của mình, đừng tin tưởng vào các công văn đã ban hành… chính phụ huynh chứ không ai khác hãy đồng tâm hiệp lực thì nạn lạm thu chắc chắn sẽ không còn đất sống.