Điểm b), Khoản 2, Điều 11, Chương II, Quy chế tổ chức và hoạt động của trường trung học phổ thông chuyên ban hành kèm theo Thông tư số 06/2012/TT-BGDĐT ngày 15/2/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định rõ:
"Lớp không chuyên: Không quá 45 học sinh/lớp; đảm bảo số học sinh các lớp không chuyên không quá 20% tổng số học sinh của trường."
Tuy nhiên, trong các năm gần đây Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cho phép Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội tuyển sinh các lớp cận chuyên vượt quy định.
Việc tuyển sinh hệ cận chuyên vượt quy định có phải trường Đại học sư phạm Hà Nội đang xem thường chính quy chế do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ban hành? - (ảnh Trinh Phúc). |
Cụ thể, trong thông báo tuyển sinh của năm 2017 – 2018; 2018 – 2019 và năm 2019 – 2020 thì mỗi năm trường này tuyển sinh 350 học sinh hệ chuyên và 180 học sinh hệ cận chuyên vào lớp 10.
Với mức tuyển sinh như trên, thì tỉ lệ học sinh học hệ cận chuyên đã đạt ngưỡng hơn 50% nghĩa là vượt qua quy định tới 30%.
Mục tiêu phát triển hệ thống trường phổ thông chuyên là phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Chính vì vậy các trường phổ thông chuyên được Nhà nước ưu tiên các nguồn lực về cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên giỏi, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tốt cũng như đảm bảo tài chính chi thường xuyên hơn hẳn các trường phổ thông đại trà.
Diện tích mặt bằng tối thiểu đối với trường phổ thông chuyên Nhà nước quy định là 15 m2/học sinh. Nay với việc tăng sĩ số các lớp cận chuyên, liệu chất lượng đào tạo hệ phổ thông chuyên có bị ảnh hưởng?
Phải chăng Trường Đại học sư phạm Hà Nội đang để Trường phổ thông chuyên trực thuộc "tăng gia" thêm trên cơ sở nguồn lực đầu tư của Nhà nước cũng như giá trị thương hiệu sẵn có thuộc về Nhà nước?
Trong nhiều năm, chỉ tiêu chuyển sinh vào các lớp cận chuyên của Trường chuyên đại học sư phạm Hà Nội đã vượt tỉ lệ cho phép của Bộ Giáo dục và Đào tạo (ảnh Trinh Phúc). |
Theo các tài liệu phóng viên thu thập được, con số học sinh theo học các lớp cận chuyên có thể còn vượt qua số chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm mà Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội công bố.
Ngày 11/6, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã liên hệ làm việc với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xung quanh vấn đề này và được nhà trướng hứa sẽ trả lời lý do.
Tuy nhiên đến thời điểm ngày 8/8, phía Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vẫn chưa có trả lời, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần liên hệ.
Liệu quý thầy lãnh đạo Trường Đại học sư phạm Hà Nội có còn nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm Trường năm 1964, rằng: “Làm thế nào để Nhà trường này chẳng những là trường sư phạm mà còn là trường mô phạm của cả nước”?
Muốn trở nên một nhà trường mô phạm, thiết nghĩ việc đầu tiên Trường Đại học sư phạm Hà Nội cần làm là giữ vững kỷ cương, đảm bảo chất lượng, trong đó việc thực hiện đúng quy định về tuyển sinh cận chuyên để tập trung nguồn lực phát triển năng khiếu, đào tạo nhân tài có vai trò quan trọng.
Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc kiểm tra, chấn chỉnh, để chẳng những chính Thông tư của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được tôn trọng và thực thi, mà còn giúp Trường Đại học sư phạm Hà Nội không làm sai các quy định của pháp luật.