Đến bao giờ Việt Nam cấp bằng phổ thông cho học sinh học trực tuyến?

20/02/2020 06:35
Trinh Phúc
(GDVN) - Thực tế học sinh Việt Nam theo học các chương trình online của Mỹ sẽ được cấp bằng Tú tài Mỹ nhưng trong nước thì chưa thể làm được.

Trong thời kỳ cho học sinh nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, nhiều trường học đã nhanh chóng áp dụng dạy học trực tuyến cho học sinh.

Việc dạy học này nhanh chóng được học sinh, phụ huynh và giáo viên hưởng ứng đã phát huy được nhiều ưu điểm nổi trội.

Trong đó, học sinh ở nhà vẫn theo học được các bài học cơ bản, ôn tập lại kiến thức.

Thầy cô giáo có thể dạy một lúc nhiều học sinh.

Các bài dạy học có thể được phát đi, phát lại nhiều lần.

Học sinh có thể nghe bài giảng nhiều lần để củng cố kiến thức…

Nhiều người cho rằng, với nền tảng công nghệ mới thì cần thiết phải mở rộng hình thức dạy học này.

Thậm chí, cần có hành lang pháp lý để khuyến khích mở rộng hơn nữa.

Việc học trực tuyến ngày càng phổ biến, nhưng hiện chưa được tính như học chính khóa (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).
Việc học trực tuyến ngày càng phổ biến, nhưng hiện chưa được tính như học chính khóa (ảnh nguồn giaoduc.net.vn).

Thực tế hiện nay, ở Việt Nam hình thức dạy học trực tuyến đang phát triển nhanh.

Trong đó, học sinh khi tham gia chương trình phổ thông của Mỹ các em đa phần học trực tuyến nhưng kết quả các em được cấp bằng tú tài Mỹ miễn là các em vượt qua các bài kiểm tra sát hạch.

Các bằng cấp này đã mở ra cơ hội cho các em học tập tại các trường đại học của Mỹ và các nước châu Âu, Úc.

Câu hỏi đặt ra, tại sao học sinh ở Việt Nam có thể học trực tuyến để lấy bằng Tú tài Mỹ, nhưng lại không thể học trực tuyến để lấy bằng tú tài Việt Nam.

Bà Bùi Thị An cho rằng cần có hành lang pháp lý khuyến khích hình thức học tập online (ảnh nguồn quochoi.vn).
Bà Bùi Thị An cho rằng cần có hành lang pháp lý khuyến khích hình thức học tập online (ảnh nguồn quochoi.vn).

Trao đổi câu chuyện này với đại biểu Quốc hội khóa 13, bà Bùi Thị An, theo đó, nếu học online đáng ra phải áp dụng lâu rồi để tận dụng tất cả điều kiện có thể.

Bởi cách học này là tiết kiệm thời gian mà vẫn cung cấp được kiến thức cho mọi người.

Bà An cho rằng: “Cái quan trọng nhất là đánh giá kiến thức học sinh, thu lượm từ nhiều nguồn không chỉ trên ghế nhà trường.

Không kể học bằng hình thức nào, cái quan trọng nhất là đánh giá kiến thức nên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu để đưa ra phương pháp đánh giá.

Bộ Giáo dục cần nghiên cứu để kiến nghị với Chính phủ có thể có điều chỉnh, thay đổi để cấp bằng được cho những người học online.

“Trong trình độ công nghệ thông tin đã phát triển thì có thể áp dụng cách dạy học này do đó cần có giải pháp để khuyến khích phát triển. Đáng lẽ chúng ta đã tạo điều kiện hành lang pháp lý cho học sinh có điều kiện học online từ lâu”.

Cuối cùng bà Bùi Thị An đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có giải pháp để đánh giá được thực chất kiến thức học qua online và đề nghị Chính phủ cấp bằng cho những học sinh đạt chuẩn khi theo học chương trình này.

Trinh Phúc