Sau thất bại của kỳ thi học sinh giỏi, Ban giám hiệu mời giáo viên bồi dưỡng đội tuyển cùng một số phụ huynh tâm huyết tọa đàm, tìm ra nguyên nhân, giải pháp cho “chiến lược mũi nhọn” năm học tới.
Mở đầu, hiệu trưởng trang trọng giới thiệu: “Trường mình quan trên biết tên, dân dưới biết tiếng là nhờ thành tích “mũi nhọn học sinh giỏi” qua các kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Mấy năm qua, xét tuyển đầu vào luôn đạt và vượt kế hoạch cũng là nhờ phụ huynh tin vào “thương hiệu học sinh giỏi” của trường.
Năm nay, không nói chúng ta đều biết, kết quả chỉ nằm mức … trung bình yếu; điều đó đã ảnh hưởng đến hình ảnh của trường.
Cũng may, có em A. con gái anh K. còn đạt được giải Ba; so với năm ngoái A. đã tụt hai bậc, nhưng chính nhờ A. mà trường mới xếp hạng trung bình.
Ngay đồng chí H. cũng đã hỏi trực tiếp tôi, sao kết quả năm nay thấp vậy, có phải không dành ngân sách cho bồi dưỡng, chỉ để …tăng thu nhập không?.
Vì vậy hôm nay, tôi mong tất cả mọi người chỉ ra nguyên nhân, biện pháp khắc phục, để năm sau chúng ta có kết quả thi học sinh giỏi tốt hơn”.
Một buổi thi học sinh giỏi. (Ảnh chỉ mang tính chất minh hoạ, nguồn: Baobinhduong.vn) |
Thầy M. dạy Toán phát biểu: “Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất chính là do thầy N., cô L. xin rút khỏi hội đồng bộ môn; năm nay không được phân công ra đề thi học sinh giỏi như những năm trước, nên chúng ta trắng tay hai môn chủ lực này.
Vì thế, chúng ta cần có mối “quan hệ” tốt với đồng chí T. chuyên viên, để phân công thầy N., cô L. tiếp tục ra đề cho kỳ thi năm sau.
Căn cơ hơn, chúng ta có kế hoạch “bồi dưỡng” để cô H., cô A. vào được hội đồng bộ môn; hai người này đã đủ điều kiện, chỉ thiếu “gió đông” thôi.
Gió đông phải nhờ vào tài quan hệ của thầy hiệu trưởng; hiện hai vị trí thầy N., cô L. xin rút khỏi hội đồng bộ môn này vẫn còn khuyết”.
Sau chia sẻ “trung thực” của M., các ý kiến đóng góp, tham luận đều thật thà tuyệt đối, không có gì giữ kẽ.
Có một người ngồi im từ đầu đến giờ, đó là anh K., phụ huynh của em A., thầy hiệu trưởng đành mời K. phát biểu đóng góp.
Đỗ học sinh giỏi coi như… mất Tết |
Không chối được, K. đành đứng lên ấp úng trình bày: “Thưa quý thầy cô cùng phụ huynh, tôi không muốn nói, …nhưng đã nói thì nói thật lòng như quý thầy cô đã trình bày.
Từ ngày con tôi vào trường, trường ta đã học thêm tại trường, gần 100% học sinh tham gia, chỉ trừ con tôi. Năm nay lên lớp 9, cháu không muốn nhưng cô giáo chủ nhiệm “mời” quá dữ nên cháu phải đi.
Học chính, học thêm suốt ngày nên cháu không còn thời gian tự học; cháu phải làm bài theo ý thầy cô; khi đi thi, không trúng tủ là bó tay.
Cũng may, phần đề thi năm nay có kiến thức của những năm trước, nên cháu làm được, nếu không là rớt rồi.
Đi học thêm nhiều, học tủ theo thầy cô nên không trúng tủ là bó gối. Chính học thêm đã giết chết sáng tạo của cháu.
Giải pháp của tôi đề xuất, năm sau nhà trường nên bỏ dạy thêm, để các cháu có thời gian nghỉ ngơi, tự học; được tự do sáng tạo khi làm bài.
Nếu học trò yếu kém, cần phụ đạo, nhà trường không nên thu tiền; nếu học sinh khá giỏi, có tư chất thật sự, gia đình đồng ý, bản thân học sinh hứng thú thì dạy bồi dưỡng; nên khuyến khích học sinh tự học và sáng tạo”.
Sau chia sẻ của anh K., cuộc tọa đàm trầm lắng hẳn; thầy hiệu trưởng cảm ơn mọi người và tuyên bố kết thúc.
Thầy cô chắp cánh diều mơ ước, sáng tạo cho học trò
Không ít giáo viên hiện nay, chỉ muốn học sinh làm bài theo kiểu tư duy của mình, “lối cũ ta về” cho an toàn; thấy bài làm phá cách là không chấm điểm tối đa, lại còn phê bình học sinh sáng tạo.
Chính sự khuôn mẫu trong dạy học, đặc biệt nạn nhồi nhét kiến thức trong dạy thêm đã làm thui chột tài năng và sáng tạo học trò; càng dạy học càng cản trở phát triển năng lực của học trò; càng phản giáo dục.
Sống là sáng tạo, chỉ có kích thích sự sáng tạo của mỗi người, xã hội mới phát triển; chỉ có làm cho học trò sáng tạo mới thể hiện thành công của giáo dục, của người thầy.
Vì thế, bỏ dạy thêm học thêm chính khóa, dành thời gian cho học trò có tuổi thơ, có trải nghiệm để sáng tạo là mệnh lệnh của cuộc sống.
Việc thi học sinh giỏi còn nhiều góc khuất, giáo viên nào ra đề, học trò của họ đậu cao; dạy bồi dưỡng học sinh giỏi theo kiểu học tủ, "luyện gà chọi" đã vô tình cướp mất tuổi học trò, triệt tiêu sự sáng tạo.
Vì vậy, phụ huynh học sinh nên cân nhắc khi quyết định có nên cho con mình làm “gà chọi” hay không, đừng vì “thành tích” mà làm thui chột tư duy sáng tạo của con mình.
Điều quan trọng nhất của giáo dục không phải là kết quả thi học sinh giỏi cao; chính là phát huy được năng lực của học trò, kích thích hứng thú học tập và sáng tạo cho học sinh; học sinh khi ra đời, có sáng tạo mới thành công.