Dự thảo Nghị định đang khuyến khích “lò ấp” Tiến sĩ ​

11/11/2019 11:11
Tùng Dương
(GDVN) - Đã gọi là trường đại học nghiên cứu thì phải dựa vào kết quả nghiên cứu, chứ không phải dựa vào số lượng Tiến sĩ đào tạo, đó là những con số không có khoa học.

Tiếp theo bài trước: Nhân sự Hội đồng trường giao hết cho Hiệu trưởng sẽ tạo “cánh hẩu”.

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, góp ý:

"Ở mục 1 điều 8: Cơ sở Giáo dục đại học được nghiên cứu, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động đổi mới sáng tạo nghiên cứu khoa học cơ bản. Tôi yêu cầu ở đây phải rõ ràng thế nào là cơ bản?

Tôi ví dụ bên ngành sinh học của tôi: Tôi tìm được một gen quyết định khả năng cố định protein, tôi bắn vào một cái gen để tạo ra một giống cây, hoặc một con vật nào đó để tạo ra khả năng tăng protein chẳng hạn, thì việc đó là nghiên cứu cơ bản hay ứng dụng? Thực ra đó là nghiên cứu cơ bản rất sâu và không hề đơn giản, vậy chúng ta phải rõ ràng việc định nghĩa này."

Video: Dự thảo Nghị định đang khuyến khích “lò ấp” Tiến sĩ.

Một việc nữa là đào tạo một năm phải cấp 2 bằng tiến sĩ, tôi xin lỗi là đào tạo tiến sĩ trong nước cũng có nhiều loại và tôi không tin lắm vào việc đào tạo tiến sĩ trong nước.

Vậy mà lại đi khuyến khích đào tạo 2 bằng tiến sĩ trở lên, tức là khuyến khích hình thành các “lò ấp” tiến sĩ mới ngoài Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, mỗi ngày tiến hành bảo vệ 1 tiến sĩ như năm kia báo chí vừa mới phanh phui ra đấy thôi.

Tôi thấy phải dựa vào công bố quốc tế trên các tạp chí có uy tín của nước ngoài.

Ngoài ra phải dựa vào bằng phát minh sáng chế, thứ 3 là bản quyền công nghệ, ta phải dựa vào những cái đó, chứ lại dựa vào 2 ông tiến sĩ 1 năm? Việc này tôi thấy không chuẩn.

Đã gọi là trường đại học nghiên cứu thì phải dựa vào kết quả nghiên cứu, chứ không phải dựa vào số lượng tiến sĩ do đào tạo. Tất cả những con số đó đưa ra tôi thấy không hề có sơ sở khoa học.

Ban soạn thảo phải chú ý hơn nữa vì bây giờ là thời đại 4.0, vậy dựa vào cơ sở vật chất làm gì? Ngày xưa quy định bao nhiêu mét vuông trên một đầu người, nhưng bây giờ đâu cần nữa.

Thời 4.0 rồi, tôi bấm vào Internet là truy cập thư viện trên khắp thế giới, cần gì hỏi ra ngay, tôi ngồi nhà tôi cũng vẫn học được với các thầy nên cần gì phải đến tận nơi…vậy tại sao lại đưa ra những con số quy định cứng từ xa xưa vào đây? Rất là lạc hậu.

Dự thảo Nghị định đang khuyến khích “lò ấp” Tiến sĩ  ​ ảnh 1

Hội đồng trường bầu “theo quy hoạch” của cơ quan chủ quản, còn gì quyền tự chủ?

Khái niệm về cán bộ cơ hữu là một khái niệm hết sức bảo thủ, bây giờ không ai còn dùng từ đó nữa, Nghị quyết 77 kí, ở trường tôi, họ còn cho phép kí hợp đồng với người ngoài tuổi lao động, trong và ngoài nước và chỉ dựa vào hiệu lực quản lý hoặc năng suất lao động.

Trong điều 11: Phân hiệu, có câu hỏi đặt ra là các trường đại học Việt Nam có được đặt phân hiệu ở nước ngoài hay không? Tôi thấy chúng ta thừa sức đặt phân hiệu ở nước ngoài nhưng ở đây lại không thấy có quy định đó.

Giá trị đầu tư 250 tỷ đồng ở khoảng B và 500 tỷ đồng…tôi không hiểu là tại sao lại có số liệu này, và cái này là tài sản trên đất có đúng không? Trong này dùng từ giá trị đầu tư thực hiện được trên 250 tỷ đồng thì có phải tài tài sản trên đất? Là nhà cửa, phòng thí nghiệm thì yêu cầu phải nói rõ.

Nhưng lưu ý việc này là không bao gồm giá trị đất, nếu 250 tỷ đồng lại xin 4 héc ta ở trong nội thành thì giá trị phải là hàng nghìn tỷ (đồng).

Việc yêu cầu các cơ sở đào tạo phải công khai trên mạng thông tin điện tử về các chế độ tài chính…Tôi đề nghị nhà nước và bộ cũng nên công khai, tại sao các trường công khai mà nhà nước và bộ lại không công khai?

Bộ thì phải biết là ở trường này hay trường kia được đầu tư bao nhiêu tiền 1 người, tôi xin báo cáo là có trường đầu tư tới 13.8 triệu đồng cho 1 sinh viên, nhưng có trường chỉ cho 3,7 triệu đồng cho 1 sinh viên.

Vì không có công khai rõ ràng nên không ai cãi được, tôi thấy rất là vô lý. Vậy yêu cầu nhà nước và bộ cũng phải công khai minh bạch chuyện này."

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng Học viện, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

Cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Tùng Dương