Các trường đại học cứ tự chủ đi, rồi tự khắc sẽ có tiền

05/11/2019 08:17
Tùng Dương
(GDVN) - Ngoài chuyện sợ mất quyền lực và quyền lợi, ông Hiệu trưởng và bộ đều sợ mất, ở đây còn có tư tưởng ỷ lại, bao cấp và sức ỳ rất lớn. Tự chủ cần người bản lĩnh.

Ngày 28/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Tọa đàm: “Rào cản tự chủ đại học trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học”.

Tới dự Tọa đàm có Giáo sư Lâm Quang Thiệp - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Giáo sư Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng; Giáo sư Trần Đức Viên - Chủ tịch Hội đồng học viện Học viện Nông nghiệp Việt Nam cùng nhiều phóng viên của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, tham dự và đưa tin.

Mời quý vị độc giả theo dõi video Giáo sư Trần Đức Viên chia sẻ quan điểm về vấn đề này.

Giáo sư Trần Đức Viên, cho biết:

"Tự chủ đại học là giao cho các trường tự quyết định số phận của mình trên những nguồn lực mà họ có, nhà nước chỉ quản lý các trường đại học qua chỉ số đầu ra KPI và đầu tư theo theo KPI để tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch, làm sao để tất cả các trường phấn đấu tạo ra một nguồn lực mới, động lực mới, để giáo dục của Việt Nam có thể cất cánh.

Vậy giáo dục Việt Nam cần cái gì để tự chủ? Thứ nhất là cần người cầm đầu dũng cảm, không dũng cảm không thể làm được. Hiện nay có một số trường vướng đủ thứ, động đến là sai Luật và vì sao lại như vậy?

Hệ thống Luật pháp của chúng ta không đồng bộ, luật nọ vênh luật kia, nếu người ta vận dụng thì bảo làm tốt, nếu bảo phạm luật là phạm luật.

Vậy nên rất cần những con người năng động, dấn thân và dũng cảm. Điều này giải thích tại sao chúng ta có tới hàng trăm trường đại học mà loay hoay mãi đến nay mới có 2 - 3 trường dám làm, đây là những người dũng cảm.

Hội đồng trường bầu “theo quy hoạch” của cơ quan chủ quản, còn gì quyền tự chủ?

Hai đối tượng mất đặc quyền, không muốn trường đại học tự chủ

Xóa cơ chế chủ quản phải đấu tranh lâu dài, vì dịch chuyển quyền lực không dễ

Một phần điều này còn phụ thuộc và sức ỳ, chúng ta được bao cấp khá lâu rồi nên sức ỳ rất lớn. Ngoài chuyện sợ mất quyền lực vì quyền lực đi liền với quyền lợi, ông Hiệu trưởng và bộ đều sợ mất, ngoài chuyện sợ mất quyền ra thì còn có tư tưởng ỷ lại rất lớn.

Vậy tôi nhấn mạnh: Chỉ có các ông Hiệu trưởng và các ông Chủ tịch Hội đồng trường là những con người có dũng khí, năng động dũng cảm thì mới làm được.

Thứ 3 là cần sự đồng hành của nhà nước, và ở đây chính là bộ chủ quản. Trong rất nhiều cuộc họp tôi thường lấy gương của trường tôi từ thời kỳ đồng chí Cao Đức Phát làm Bộ trưởng.

Trong Quy định 214 họ yêu cầu xóa bỏ cơ chế bộ chủ quản, chứ không phải là xóa bỏ bộ chủ quản. Tôi vẫn là bộ chủ quản nhưng Bộ trưởng lại rất thoáng, không áp dụng cơ chế cầm tay chỉ việc, không áp dụng cơ chế xin cho, lại còn tạo động lực cho trường phát huy nội lực, vậy thì quá tốt chứ làm gì phải bỏ bộ.

Khi trường tôi bắt đầu chuyển về Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn năm 2014, việc đầu tiên là Bộ trưởng nói: Trường tự chủ đi. Lúc này tôi cũng rất lo vì hiện bây giờ hàng năm trường hưởng hàng trăm tỷ, giờ bị cắt thì sống bằng cái gì?

Bộ trưởng nói: Các anh cứ tự chủ đi rồi tự khắc sẽ có tiền, và lập tức Bộ trưởng giao cho trường tự thành lập Hội đồng trường trước, rồi Hội đồng trường chọn trong số hội đồng bầu ra 1 người làm Hiệu trưởng.

Bộ trưởng nói: Bộ chỉ phê chuẩn kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng trường và kết quả bầu Hiệu trưởng của Hội đồng trường, chứ Bộ không bổ nhiệm. Chúng tôi đệ trình tuần trước thì tuần sau Bộ phê chuẩn.

Các trường đại học cứ tự chủ đi, rồi tự khắc sẽ có tiền ảnh 1

Dự thảo Nghị định về Luật Giáo dục đại học có vùng xám, vận dụng sẽ tùy tiện

Vậy là trường có Chủ tịch, có Hội đồng trường và có Hiệu trưởng. Bộ cũng ra quyết định thứ 3 là từ Hiệu phó trở xuống thì trường tự làm và tự quyết định.

Khi đó, anh Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ không đồng ý và cho rằng công tác cán bộ là công tác của Đảng, Đảng lãnh đạo tuyệt đối toàn diện.

Bộ trưởng Cao Đức Phát lúc đó có nói rằng: Đã gọi là thí điểm tự chủ thì hãy cứ để cho trường làm thí điểm đã.

Đến hôm lấy phiếu giới thiệu và bầu Phó hiệu trưởng thì cũng có Vụ trưởng đến dự. Kết quả là trường tự bầu Phó hiệu trưởng chứ không phải là Bộ cử.

Theo tôi đấy là quan điểm nên rất cần sự hiểu biết, sự đồng hành và thiện chí của người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước, nếu như họ không thiện chí và đồng hành cùng thì nhà trường sẽ rất khó khăn.

Nếu bộ vẫn muốn duy trì cơ chế xin cho, ông Hiệu trưởng cũng không muốn san sẻ quyền lực, đây có thể nói là sự chuyển dịch quyền lực nên có nguyên tắc là không ai tự lấy đá ghè chân mình.

Nên muốn được thì phải đấu tranh, thứ nhất là phải tạo ra được dư luận chung và Báo chí rất quan trọng, làm sao để nhận thức xã hội được nâng cao hơn nữa.

Tùng Dương