Gặp mặt hiệu trưởng “không mất dạy”

23/07/2019 07:26
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Hiện nay, hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ, được tính kiêm nhiệm 3 tiết/ tuần; việc đứng lớp càng đem lại “thu nhập chính đáng” cho hiệu trưởng.

Thỉnh thoảng, ta thấy báo chí viết ông (bà) hiệu trưởng nọ phải trả lại tiền phụ cấp đứng lớp, vì không đứng lớp, vẫn nhận tiền phụ cấp đứng lớp. 

Thế có phải hiệu trưởng sợ dạy không?

Việc dạy lớp, kéo theo nhiều quyền lợi, như dạy thêm chính khóa, dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, dạy phụ đạo thi tốt nghiệp v.v...; không ai, hay rất ít bỏ qua nguồn thu nhập chính đáng này. 

Nếu các môn Văn, Toán, Anh do phân phối chương trình 3 hay 4 tiết/tuần/lớp; buộc hiệu trưởng phải dạy trọn một lớp, như vậy tất yếu có tăng giờ; mà tiết tăng giờ của hiệu trưởng thường dạng “khủng”, chỉ cần tăng tuần 1 tiết, đảm bảo hiệu trưởng đủ trả tiền “xăng xe” trong tuần. 

Hiện nay, hiệu trưởng kiêm Bí thư chi bộ, được tính kiêm nhiệm 3 tiết/ tuần; việc đứng lớp càng đem lại “thu nhập chính đáng” cho hiệu trưởng. 

Nhiều hiệu trưởng vẫn không ngại đứng lớp. (Ảnh minh hoạ: Baoquangngai.vn)
Nhiều hiệu trưởng vẫn không ngại đứng lớp. (Ảnh minh hoạ: Baoquangngai.vn)

Khách quan mà nói, công việc của hiệu trưởng là …họp, học; liên miên họp; hết hội nghị này đến giao ban nọ, nó là “bệnh họp” của xã hội chúng ta.

Cứ đi họp liên miên, không chủ động được, vì vậy nếu dạy, buộc học sinh nghỉ tiết (do hiệu trưởng dạy). 

Nếu mới bổ nhiệm, ngoài họp, hiệu trưởng còn phải đi học, đủ loại bằng cấp, chứng chỉ đang chờ họ;

Có thể xếp loại, hiệu trưởng là những người học giỏi nhất, vừa công tác, vừa học đạt đủ loại bằng! 

Lương tâm không cho phép, nên hiệu trưởng “sợ dạy”. 

Nếu nhìn tích cực, đó là người có trách nhiệm, nếu nhìn cách khác, đó là bệnh “sợ dạy”.

Thế hiệu trưởng nào “sợ dạy”? 

Mỗi tuần chỉ vài tiết lên lớp sao Ban Giám hiệu sợ dạy đến thế?
Mỗi tuần chỉ vài tiết lên lớp sao Ban Giám hiệu sợ dạy đến thế?

Gặp Q., học sinh cũ, là học sinh đạt giải Quốc gia, tuyển thẳng vào Sư phạm, nay là hiệu trưởng trường trung học phổ thông, Q. tâm sự:

“Em làm hiệu trưởng nhưng “không mất dạy” đâu thầy; có dạy mới bám sát chương trình, thực tế, mới chỉ đạo đúng thầy ạ. 

Thật ra, cũng vì kinh tế nữa thầy, nhờ dạy tiết tiêu chuẩn, em mới giữ phong độ thời chưa làm quản lý, mới dạy thêm được, chủ yếu sống nhờ dạy thêm, chỉ riêng lương đâu đủ nuôi con”. 

Thế tại sao có hiệu trưởng không dạy, vẫn nhận tiền đứng lớp em nhỉ?

“Hihi, thầy trò mình nói nhỏ nha, do chuyên môn yếu kém, nên ngại dạy.

Học sinh có thể lười học, nhưng chuyện đánh giá thầy cô dạy giỏi hay dở là chính xác, vài tiết là nó biết ngay, không giấu được, thế là họ sợ dạy. 

Ngoài ra, cũng có trách nhiệm của cấp trên, lơ là quản lý, bỏ qua khâu kiểm tra.

Cứ như giám đốc sở mình tuyên bố “Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nào không dạy đủ tiết tiêu chuẩn, sợ dạy, thì viết đơn từ chức để người khác làm”, có ai không dạy đủ tiết đâu thầy.

Đã sợ dạy vậy, lại tham, tư tưởng vua con, không sợ ai, nên vẫn nhận phụ cấp đứng lớp”. 

Hiệu trưởng sợ dạy, lách luật như thế nào? 

Kỷ luật Hiệu trưởng 7 năm gian dối tiền đứng lớp hàng trăm triệu đồng
Kỷ luật Hiệu trưởng 7 năm gian dối tiền đứng lớp hàng trăm triệu đồng

Từ khi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT ra đời, mở ra một “cửa” thoát cho hiệu trưởng sợ dạy.

Dù không dạy, ít khi hiệu trưởng để vi phạm, không dạy nên bị cắt phụ cấp đứng lớp.

Chỉ cần lên lịch dạy “hướng nghiệp”, “kĩ năng sống”, tổ trưởng “Tổ tư vấn tâm lý học đường”…

Dạy hay không, dạy như thế nào chẳng ai kiểm tra được; hồ sơ đầy đủ là lách luật vô tư. 

Làm sao để hiệu trưởng không sợ dạy?

Cấp trên, cần có cách quản lý, bố trí họp và học cho hiệu trưởng thật khoa học. 

Giảm họp hành vô bổ, chỉ đạo qua mail, họp trực tuyến, thống kê, báo cáo qua Vnedu, dành thời gian cho hiệu trưởng chỉ đạo, quản lý nhà trường. 

Tuyệt đối không bố trí hiệu trưởng đi học trong năm học; nếu trường có hai hiệu phó trở lên, mới bố trí hiệu trưởng đi học trong năm học. 

Có phân phối chương trình, giáo trình hướng nghiệp, kỹ năng sống v.v...; số tiết quy định cho từng lớp học rõ ràng, cụ thể; có vậy mới tránh được việc lách luật của hiệu trưởng trong việc “sợ dạy”. 

Làm giáo dục, quản lý, chỉ đạo giáo dục mà sợ dạy thì không thể là hiệu trưởng tốt được.

Chỉ có “ba cùng” với giáo viên và học sinh (dạy cùng, học cùng, sinh hoạt cùng) trong trường, mới nắm bắt được các vấn đề phát sinh, kịp thời có hướng chỉ đạo phù hợp. 

Xa rời thực tế, không nắm bắt thực tại, dù có lý luận đầy mình, không thể quản lý, chỉ đạo tốt được; là hiệu trưởng, không thể mắc bệnh sợ dạy; nếu mắc bệnh này, chữa ngay; không chữa được, nên từ chức có văn hóa; cách chức ngay để chữa bệnh.

Tài liệu tham khảo:

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Bo-may-hanh-chinh/Thong-tu-15-2017-TT-BGDDT-sua-doi-Quy-dinh-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-341252.aspx

Sơn Quang Huyến