Truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” đã được các thế hệ người Việt Nam chúng ta gìn giữ, phát triển theo suốt chiều dài lịch sử đất nước.
Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chăm sóc, động viên các đối tượng là thương binh, thân nhân các gia đình liệt sỹ.
Nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa, các phong trào xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, Quỹ đền ơn đáp nghĩa, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm sóc con liệt sỹ mồ côi, đi tìm hài cốt đồng đội, tu sửa, nâng cấp các nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sỹ... ngày càng thu hút sự tham gia của toàn xã hội trong phạm vi cả nước.
Bác Hồ luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới những người có công với đất nước
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến thương binh, liệt sỹ - những người đã cống hiến xương máu, hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân.
Tháng 6/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm “Ngày thương binh” để nhân dân ta có dịp bày tỏ lòng hiếu kính đối với thương binh, gia đình liệt sỹ và những người có công với đất nước.
Thực hiện chỉ thị của Người, tại Hội nghị trù bị gồm đại biểu các cơ quan, ban, ngành ở trung ương và địa phương đã họp ở xã Phú Minh (huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) bàn bạc, đề nghị lấy ngày 27/7/1947 làm “Ngày thương binh, liệt sỹ”.
Từ đó tới nay, ngày 27/7 hàng năm trở thành “Ngày thương binh, liệt sỹ” trong cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, chiến sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc (28/2/1969). Ảnh tư liệu: hochiminh.vn |
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Máu đào của các liệt sỹ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của liệt sỹ đã làm cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sỹ…”[1].
Dù Người bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn luôn dành thời gian để quan tâm, thăm hỏi, động viên các đồng chí thương binh, liệt sỹ cùng gia đình họ.
Trong lá thư đầu tiên Hồ Chí Minh viết nhân dịp 27/7, Người nhấn mạnh đến mục đích cao cả này với những lời thống thiết:
“Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sỹ mà nay một số thành ra thương binh.
Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. [2]
Lòng thương người của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở sự đồng cảm với những người thân trong gia đình bị mất con, người thân vì hy sinh cho Tổ quốc, song rất đỗi tự hào vì được “Tổ quốc ghi công”.
Xuất phát từ lòng thương người đã hình thành quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh rằng giúp đỡ thương binh không mang ý nghĩa nhất thời mà phải lâu dài, cơ bản.
Tạo mọi điều kiện cho họ có khả năng hòa nhập tự nhiên, thích nghi với đời sống cộng đồng, có công cụ để hoạt động phù hợp với khả năng từng đối tượng, bảo đảm cuộc sống cho họ và gia đình.
Tư tưởng của Hồ Chí Minh về “tìm người tài đức” |
Ngoài những việc làm nghĩa cử của bản thân, đối với thương binh, liệt sỹ, Người cũng nhấn mạnh:
Để phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trở thành một phong trào có sức lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, có hiệu quả và thiết thực, toàn Đảng, toàn dân phải vinh danh, ghi nhận công lao to lớn của thương binh, liệt sỹ và làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng của Người, Bác của chúng ta cũng đã có biết bao điều căn dặn:
“Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sỹ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào ta phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sỹ, thì mỗi địa phương (thành phố, làng, xã) cần xây dựng vườn hoa và bia tưởng niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sỹ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta.
Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sỹ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”.
Bản thân Bác cũng là tấm gương sáng về đền ơn, đáp nghĩa
Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người tích cực đi đầu thực hiện công tác đền ơn, đáp nghĩa thương binh, liệt sỹ.
Ngay từ tháng 11/1946, Người đã ra thông báo về việc nhận con các liệt sỹ làm con nuôi, hàng năm đều có thư thăm hỏi động viên, khuyến khích thương binh, gia đình liệt sỹ.
Trong vòng 22 năm (1947-1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 14 lần gửi quà, tiền nhân ngày thương binh, liệt sỹ.
Quà tặng thường là những đồ dùng thiết yếu (quần áo, khăn mặt, vải, thuốc men, chăn...) và tiết kiệm tiền lương gửi vào quỹ thương binh toàn quốc.
Việc làm của Người vừa thiết thực, vừa tạo thành một phong trào xã hội rộng lớn với nhiều hình thức phong phú và vô cùng cảm động đã thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Tài liệu tham khảo
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 12.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011, tập 5