Giá sách giáo khoa tăng hơn gấp 3 lần là quá vô lý

27/03/2020 06:34
Trinh Phúc
(GDVN) - Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không thể tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con em người nghèo không đủ tiền mua sách".

Công tác lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 1 năm học tới hiện vẫn chưa xong, trong đó giá sách giáo khoa là thông tin được nhiều bậc phụ huynh có con vào lớp 1 rất quan tâm.

Năm nay có 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt để đưa vào trường học. Các bộ sách được phát hành bằng hình thức xã hội hóa. Trong đó, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ; Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh có 1 bộ.

Giá sách giáo khoa tăng phi mã là một vấn đề cần thiết phải được tính toán kỹ (ảnh Thùy Linh).
Giá sách giáo khoa tăng phi mã là một vấn đề cần thiết phải được tính toán kỹ (ảnh Thùy Linh).

Sách giáo khoa thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải kê khai giá theo quy định tại Luật Giá và văn bản hướng dẫn liên quan. Cơ quan tiếp nhận kê khai giá có quyền rà soát nội dung văn bản kê khai giá do tổ chức, cá nhân thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các Nhà xuất bản kê khai, hoàn thành công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước ngày 15/2.

Trong văn bản số 115/BGDĐT –KHTC ngày 14/1/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị: "Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật Giá 2012.

Sách giáo khoa lớp 1 có điểm mới, song có quá nhiều kiến thức
Sách giáo khoa lớp 1 có điểm mới, song có quá nhiều kiến thức

Trong đó, để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trình Chính phủ về mức giá kê khai sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020."

Với những quy định như vậy, nhiều người yên tâm về giá các bộ sách giáo khoa mới sẽ không tăng đột biến.

Tuy nhiên, ngày 25/3 Báo Nhân Dân có bài viết cho biết, giá sách giáo khoa mới lớp 1 sẽ tăng đột biến, điều này khiến không ít người giật mình.

Theo đó, Nhà xuất bản giáo dục đã kê khai giá bốn bộ sách giáo khoa lớp 1: Kết nối tri thức với cuộc sống (188 nghìn đồng); Chân trời sáng tạo (197 nghìn đồng); Cùng học để phát triển năng lực (200 nghìn đồng); Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học (189 nghìn đồng).

Nhà xuất bản Đại học Sư phạm và Nhà xuất bản đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh kê khai sách giáo khoa lớp 1 (bộ sách Cánh diều) giá 215 nghìn đồng [1].

Nếu các mức giá kê khai này trở thành giá chính thức thì đây là mức tăng phi mã so với giá sách giáo khoa hiện hành. Cụ thể, bộ sách lớp 1 đang được sử dụng trong năm học 2019-2020 có giá là 54 nghìn đồng.

Nếu đem so sánh với Bộ sách tăng thấp nhất là bộ Vì sự bình đẳng và dân chủ trong trường học thì cũng gấp gần 3 lần so với bộ sách giáo khoa cũ.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho biết, sách giáo khoa in ra là để phục vụ cho việc học tập của thế hệ trẻ.

Giáo dục là quốc sách thì giá sách giáo khoa phải có cả sự hỗ trợ của nhà nước để con em và các gia đình khó khăn, hộ nghèo có thể mua được.

Theo ông Lê Như Tiến, đối với những người nghèo, gia đình khó khăn mà sách giáo khoa giá cao thế thì con em họ sẽ thất học.

Sách giáo khoa là mặt hàng đặc biệt, quốc sách hàng đầu, vì thế bất kỳ một việc tăng giá sách nào phải có ý kiến của cơ quan quản lý giá và nếu vượt quá thẩm quyền thì phải báo cáo Chính phủ hoặc Quốc hội.

Ông Lê Như Tiến nhấn mạnh: “Không thể tự tiện nâng giá sách giáo khoa. Nâng tới mức mà bất hợp lý, con em người nghèo, hoàn cảnh khó khăn không đủ tiền mua sách giáo khoa họ thất học thì ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tôi đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cơ quan quản lý về vấn đề này phải có cân nhắc kỹ, kiểm soát chặt chẽ đối với các nhà xuất bản, xuất bản sách giáo khoa”.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội khóa 13 bà Bùi Thị An cho rằng, vừa rồi làm sách giáo khoa theo cơ chế xã hội hóa. Giá sách có thể tăng theo chất lượng sách giáo khoa, tuy nhiên trong điều kiện kinh tế hiện nay thì tăng cho thế nào cho thích hợp là vấn đề cần được nghiên cứu kỹ.

“Giáo dục là vấn đề quốc sách hàng đầu và không thể xem bình thường như các mặt hàng khác. Chúng ta xây dựng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nên phải có sự điều chỉnh. Chính vì thế, cần xem xét, cân nhắc chứ không thể nào tăng giá lên cao như vậy”.

Tài liệu tham khảo:

https://nhandan.com.vn/giaoduc/dien-dan/item/43761102-minh-bach-khi-dua-sach-giao-khoa-moi-vao-day-hoc.html

Trinh Phúc