LTS: Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Thang Văn Phúc – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ xung quanh chủ đề tinh giảm 100.000 công chức theo đề xuất mới đây của Bộ Nội vụ.
PV: Thưa ông Thang Văn Phúc, từ năm 2006 Bộ Nội vụ đã khảo sát và đưa ra con số đánh giá là thừa 30% công chức, nhưng vì sao từ đó tới nay việc tinh giản chậm?
Ông Thang Văn Phúc: Tinh giản chưa triệt để là vì cải cách chưa được triệt để nên sau này bộ máy tiếp tục phình to; hai là không thực hiện nghiêm các cơ chế chính sách, quy định về tinh giản biên chế; kiểm soát chưa nghiêm cho nên dẫn tới chuyện “đầu voi đuôi chuột”.
PV: Có ý kiến cho rằng chúng ta đang làm ngược, thay vì đặt ra tiêu chí rõ ràng trước khi tuyển dụng thì lại tuyển ồ dạt rồi lại tinh giản, dẫn tới gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Ông nghĩ sao trước nhận định này?
Ông Thang Văn Phúc: Ở những nước phát triển thì đã đi vào một nền hành chính chuyên nghiệp và hiện đại, khi tuyển dụng người ta rất rõ ràng từng vị trí kể từ nhân sự cao cấp cho tới chuyên viên đầu vào, còn ở mình thì chỉ tuyển đầu vào chung cho nên thiếu tính khoa học.
Dù sao thì đất nước ta cũng mới đang trong thời kỳ quá độ cho nên chuyện tùy tiện chỗ này chỗ khác thì cũng dễ hiểu và nhìn ở một góc độ nào đó thì chúng ta cũng phải chấp nhận để mà rút ra kinh nghiệm và làm cho tốt hơn. Cải cách hành chính là câu chuyện dài, và phải làm đi làm lại rồi mới tốt được, chứ làm một lần mà tốt ngay được thì khó.
Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ. Ảnh: Ngọc Quang. |
PV: Vậy bây giờ để đánh giá quy trách nhiệm có lẽ rất khó, thưa ông?
Tôi nghĩ thể chế phải đổi mới để phù hợp với tiến trình phát triển, bên cạnh đó là phải tuyển dụng được cán bộ hành chính công đủ trình độ năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc. Ở ta hiện nay chưa đạt tới trình độ đó, và nếu không làm quyết liệt thì gánh nặng với ngân sách nhà nước sẽ ngày càng lớn.
PV: Nhưng thưa ông, trong trường hợp cụ thể này thì con số cụ thể mà Bộ Nội vụ đưa ra là cần khoảng 8000 tỷ đồng để tinh giản biên chế, cho thấy đầu vào của ta đã có một thời gian dễ dãi. Chẳng lẽ không có ai phải chịu trách nhiệm?
Ông Thang Văn Phúc: Người ta sẽ lại nói là tại cơ chế, mà điều ấy suy cho cùng thì liên quan tới cả một hệ thống chứ chẳng riêng cá nhân nào, trì trệ và không nghiêm túc nên mới phải xử lý như chuyện giảm biên chế lần này.
Trước việc này tôi cho rằng phải có phương pháp thực hiện và thực hiện quyết liệt, đồng thời phải có kiểm tra, kiểm soát thật chặt chẽ; người đứng đầu mà không thực hiện được thì phải có giải pháp xử lý, tức gắn với trách nhiệm của người đứng đầu thật rõ ràng.
Trước đây, chúng ta đã có gần 200 tiêu chuẩn chức danh rồi, nhưng bây giờ điều quan trọng hơn là phải xác định tiêu chuẩn chức danh cho từng vị trí. Bây giờ phải xác định vị trí công chức ở từng cơ quan, phải làm rõ là cần bao nhiêu vị trí làm việc, và yêu cầu ở từng vị trí ấy là trình độ năng lực ra sao… dựa trên những yêu cầu cụ thể ấy rồi mới tuyển dụng, đào tạo nâng cao phù hợp với vị trí. Tức là phải quay lại bài học cơ bản khoa học về hành chính và công tác nhân sự thì mới giải quyết được, còn nếu không thì rất dễ rơi vào tình trạng chắp vá, làm được việc này thì hỏng việc khác. Cải cách hành chính đòi hỏi tính hệ thống rất cao, mà nếu ta làm không triệt để, không kiên quyết, không được kiểm soát thì đương nhiên dẫn tới hậu quả như ngày hôm nay là thừa ra một số lượng lớn công chức không đáp ứng được yêu cầu công việc.
Đấy là một sự lãng phí khủng khiếp với đất nước, có nghĩa là ngân sách nhà nước hàng năm vẫn phải chi trả cho nhiều người có năng lực yếu kém, nay muốn giải quyết “khối u” này thì lại phải chi thêm tiền. Cái này lâu dài nguy hiểm chẳng kém gì tham nhũng.
Đề xuất đánh giá độc lập về chất lượng công chức
PV: Ông Trần Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Nội Vụ đã nói là sẽ khó xảy ra chuyện trù dập ở đợt giảm biên chế này. Nhưng có một thực tế là hiện nay nhiều cơ quan nhà nước tuyển dụng dựa trên bằng cấp chứ không phải năng lực thực tế, và cũng dễ thấy nhiều người có bằng thạc sĩ, thậm chí tiến sĩ nhưng năng lực trong làm việc thì có khi thua cả một cử nhân. Vậy việc giảm biên chế này nếu soi vào bằng cấp thì rất khó?
Ông Thang Văn Phúc: Nếu chỉ căn cứ vào bằng cấp thì không đủ mà phải căn cứ vào kết quả của cả quá trình làm việc, nói cách khác trong nền kinh tế thị trường kết quả đầu ra mới là yếu tố quyết định. Cho dù anh có bằng cấp cao, nhưng kết quả làm việc kém thì nói gì anh cũng không phải người giỏi được.
Tôi thấy có những cơ quan nhan nhản tiến sĩ nên chẳng ai chịu nghe ai, mà cái đó cũng là một sự lãng phí lớn. Từ đó, ta phải quay về bài toán cơ cấu lại của các cơ quan, tổ chức: Cần bao nhiêu chuyên viên cao cấp, bao nhiêu công chức chính, bao nhiêu công chức ở trình độ trung bình, bao nhiêu người phục vụ… thì như vậy mới có một hệ thống có lớp lang, có trật tự, đấy mới là nền hành chính chính quy hiện đại.
Tôi đã đề xuất đánh giá hai đầu: Một là đánh giá từ nội bộ của chính các cơ quan, tổ chức và hai là đánh giá từ tổ chức độc lập. Tổ chức độc lập này gồm các chuyên gia, các nhà quản lý am hiểu để đánh giá các cơ quan, tổ chức bố trí sắp xếp có đúng hay không.
PV: Ông đánh giá thế nào về chất lượng cải cách hành chính thời gian qua?
Ông Thang Văn Phúc: Có thể nói rằng ngay từ Đại hội VII (năm 1991) đã có một sức “công phá” lớn, tiến hành cải cách cơ bản bộ máy nhà nước một cách cơ bản, sau đó là cải cách hành chính là trọng điểm.
Tuy nhiên, tôi rất tiếc là những chuyển biến của chúng ta vẫn còn chậm. Thí dụ như trong cải cách hành chính thì có một điều hết sức quan trọng là điều chỉnh các chức năng cửa bộ máy hành chính cho phù hợp với sự chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, chuyển từ chức năng “cai trị - quản trị” (cũ) sang chức năng mới là “quản lý - phục vụ phát triển”, phục vụ người dân, phục vụ doanh nghiệp. Tức là chuyển từ cơ chế xin cho sang cơ chế phục vụ, đáp ứng một cách tốt nhất những nhu cầu chính đáng của người dân, của doanh nghiệp. Đó là một bước chuyển mang tính đột phá, là đòn bẩy đủ mạnh để phát triển kinh tế - xã hội.
Chúng ta đã và đang chuyển biến đấy, nhưng vẫn còn rất chậm chạp, do dự, chưa nhất quán, đó là điều hết sức đáng tiếc. Chính vì vậy ta đã bỏ lỡ nhiều cơ hội để phát triển tăng tốc.
Bên cạnh đó, việc đổi mới hệ thống chính trị chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yều cầu đòi hỏi của thực tiễn, của quá trình phát triển nền kinh tế đất nước. Hệ thống hiện thời vẫn còn đang có nhiều vướng mắc, có những điều vì lý do khách quan, nhưng cũng có những điều còn tồn tại do sự quản lý yếu kém của các cơ quan công quyền.
PV: Gần đây, Thủ tướng đã có thông điệp cho thấy quyết tâm đổi mới thể chế để tạo bước đột phá đẩy nhanh tiến trình phát triển đất nước. Ông có suy nghĩ gì trước thông điệp của Thủ tướng?
Ông Thang Văn Phúc: Chúng ta luôn hy vọng vào sự đổi mới, nhưng vẫn phải chờ xem kết quả thực tiễn thế nào, đó mới là thước đo quan trọng Chúng ta đã nhận ra rằng cần phải thay đổi và đã nỗ lực để thay đổi, chỉ có điều từ tư tưởng cho tới hành động vẫn còn chậm, thành công đạt được không tương xứng với tiềm năng và tầm vóc của một dân tộc anh hùng đã biết huy động sức mạnh của chính mình.
Sau gần 40 năm giành độc lập và phát triển chưa đáp ứng đúng kỳ vọng, chưa có gì để tự hào về điều ấy. Trong khi đó, cùng giai đoạn phát triển với chúng ta có nhiều quốc gia cũng vô cùng khó khăn, như Singapore, Hàn Quốc thì bây giờ GDP bình quân của họ mấy chục nghìn đô la/năm; những nước cùng khu vực là Thái Lan, Indonesia, Malaysia thì GDP bình quân đầu người họ cũng gấp 3-4 lần nước ta.
Trân trọng cảm ơn ông!