LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến bạn đọc bài viết thứ 68 - Gập ghềnh tuổi hai mươi.
Đây là những ghi chép lại của Giáo sư từ Cuốn “Gập ghềnh tuổi 20” được Nhà xuất bản Thế giới và Skybooks phát hành năm 2017.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.
Khải Đơn là nữ tác giả tự nhận là người viết tự do tại thành phố Hồ Chí Minh. Chị là cây viết quen thuộc trên các Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên.
Năm 2014, tản văn “Người trẻ ngồi” của Khải Đơn được nhiều báo chí đăng lại với tên “Bán tuổi trẻ với giá quá rẻ”, dấy lên nhiều ý kiến và tranh luận trên nhiều diễn đàn.
Cô là tác giả của những cuốn sách: Đừng tháo xuống nụ cười, Sài Gòn - Thị thành hoang dại, Ta có bi quan không, Gập ghềnh tuổi 20.
Các bạn có thể liên hệ với nữ tác giả trẻ này qua Fb.com/khaidonbook hay khaidon.sg@gmail.com.
Cuốn “Gập ghềnh tuổi 20” được Nhà xuất bản Thế giới và Skybooks phát hành năm 2017.
Cuốn “Gập ghềnh tuổi 20” (Ảnh: tác giả cung cấp). |
- Cứ mở mắt bước ra đời, cầm theo tấm bằng, ta có thể yên tâm kiếm được chỗ nào đó thảnh thơi an nhàn cả sự nghiệp. Đây là một ảo tưởng gây tổn thương với bất cứ người học nào bắt đầu cuộc đời trước mặt.
- Sự nhầm lẫn này cũng làm tổn thương cha mẹ người học, dù đôi khi nó bắt nguồn từ chính những người làm cha làm mẹ.
- Nhưng đó không phải hình ảnh hiếm hoi trong số hơn 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp trong quý 2/2016. Nó thức tỉnh và làm bàng hoàng tất cả những người trẻ đang mơ mộng hão huyền vào một tương lai sẵn có.
- Người học phải hiểu rằng: Họ đang tự xây dựng tương lai cùng với ngôi trường, với những công cụ và sức mạnh ngôi trường sẽ tập luyện cho họ.
- Mục đích đó sẽ bể nát nếu sinh viên không đọc một quyển sách nào thầy đề nghị mà chỉ lên mạng chép lại bài luận của khoá trước để chấm điểm. Sinh viên có vô vàn cách chống trả lại giảng đường: dùng sách tóm tắt thay vì đọc cả đề tài, ra tiệm photocopy chép lại đề bài thi năm trước, luyện giải đề, chép lại luận văn, xào luận văn, nhờ cha mẹ họ hàng ký dùm giấy thực tập thay vì đi thực tập thật sự.
- Rất dễ để đổ lỗi cho thị trường lao động hoặc thị trường giảng dạy. Nhưng trước khi nghĩ như vậy, có bao giờ bạn nhận ra mình là kẻ mất nhiều nhất trong cuộc chơi lầy lội và thiếu trách nhiệm này. Mình mất bốn năm tuổi trẻ trí tuệ và sức khoẻ tốt nhất, mất thời gian để trở thành kẻ thất bại, mất cả kỹ năng tự học và nghiên cứu.
- Đại học là nơi chốn đầu tiên ta tự giác thực hiện cam kết của mình với khoảng thời gian nào đó trong đời. Trường đại học là viên gạch đầu tiên của tri thức và thái độ dành cho những người trưởng thành thực sự muốn cam kết về tương lai trước mặt.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (35) - Vượt lên chính mình |
- Để sống còn trong thị trường lao động người học cần thêm nhiều kỹ năng và giá trị khác, đó là những thứ trường đại học không dạy.
- Trường đại học không phải là nơi ban phát việc làm vô điều kiện chỉ nhờ cái bằng. Trường lớp không có chức phận bố trí việc làm hay ban ơn các cơ hội.
- Nếu muốn lương cao, hãy là một người lao động có giá trị với chủ lao động, xứng đáng với số tiền họ bỏ ra thuê bạn: là làm việc năng suất tốt và xử lý vấn đề tốt, giúp công ty đi lên, gặt hái được nhiều thành công.
- Khi tin hoàn toàn vào người tư vấn tuyển sinh, em học trò 17-18 tuổi và cha mẹ đã tự loại bỏ các cơ hội khác. Họ quên mất để học ngành cơ khí còn rất nhiều lựa chọn: học nghề trực tiếp từ các công xưởng nhận đào tạo, từ trường cao đẳng, học nghề từ các doanh nghiệp tuyển và đào tạo, học nghề từ chính các xưởng của gia đình nếu có.
- Ta dễ dãi với việc nhìn nhận năng khiếu và giấc mơ, dễ dãi chọn lựa thứ mà số đông nào cũng chọn, bạn bè chọn, nghe hàng xóm mách bảo…Lựa chọn tương lai chỉ có thể đúng đắn với những người chọn nghiêm túc. Tương lai có thể không hoàn mỹ như mong đợi, dù ta có chọn kỹ đến mức nào.
Nhưng dù sao, trước một hành trình mới, người học hiểu mình đang đi đâu, sắp học gì, bức tranh nghề nghiệp có gì… sẽ khiến họ dễ chấp nhận hơn khi tương lai ập đến thay vì bàng hoàng than vãn như thuở ban đầu chưa biết gì.
- Vào tuổi 18, tôi nghĩ mình phải bắt đầu cuộc đời tự chịu trách nhiệm. Đã đến lúc phải hành động như sói hoang để lao vào thế giới. Có thể bạn không tin, nhưng 18-22 tuổi là thời gian năng lượng của bạn đầy tràn và dữ dội nhất. Hãy làm thứ gì đó xứng đáng nhất với cơ thể kỳ diệu ấy.
- 18 tuổi khi bạn đứng trước cổng trường đại học hay sắp lao vào cuộc đời vất vả, hãy một vài lần suy nghĩ về người thân yêu nhất hiện diện sâu thẳm trong tim mình. Nếu tôi không tự chịu trách nhiệm về bản thân và trở nên mạnh mẽ, hẳn là họ sẽ đau khổ, phải không?
- Vô khối nguy cơ xảy ra với một bạn trẻ bắt đầu tìm kiếm việc làm thêm. Nhưng đừng vì nỗi sợ đó mà không làm việc. Số tiền ta kiếm được hôm nay không chỉ giúp thêm bữa ăn ngon hay cái vé xem phim, nó còn giúp ta trở thành những người kiên trì và mạnh mẽ hơn trong cuộc mưu sinh cả đời sau này.
- Nghèo khổ chẳng vinh quang gì cả. Nhưng ta đừng bao giờ tủi hổ về nó. Rồi sẽ đi qua tất cả, ta lớn lên, kiếm được tiền, lao động chân thành, lương thiện và sẽ sống đúng với những gì đáng mơ ước.
- Robert Neelly Bellah đã viết: Rời khỏi nhà, theo cách nào đó, như một lần hạ sinh thứ hai mà ta tự tái sinh chính mình.
- Tổ ấm đã là một khái niệm rất xa, nơi ta chỉ nhớ tới trong những chiều chủ nhật, khi bạn bè về quê hết, phòng trọ vắng tanh, hoặc thời điểm bữa ăn ít ỏi cuối cùng trong tháng khép lại, khi ta cần thêm tiền để sống tiếp một tháng nữa.
- Tự quy định ra một khoản tiền cố định có thể giúp bạn kiểm soát tiền ăn, tiền nhà và một vài chi phí lặt vặt quan trọng khác như tiền nước uống, giấy vệ sinh…Đừng quên lý do tại sao cha mẹ cho phép bạn rời nhà đến thành phố và họ đang vất vả ra sao để có đủ số tiền gửi bạn hàng tháng.
- Ổ bánh mỳ là thứ rẻ nhất ta có thể mua được ở bất cứ đâu, thậm chí có khi từng vứt bỏ sau một ngày ăn uống cẩu thả. Nhưng khi phải lao động để làm ra nó, ổ bánh mỳ trở thành hành trình quan trọng để ta nhận diện giá trị của bản thân, của những điều được người thân dành cho, nhận diện lại cuộc sống dưới một góc nhìn thành thật và thực tế hơn.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (34) - Tuổi 20 yêu thương |
- Khi hiểu được đồng tiền mình tạo ra, người trẻ cũng đồng thời có được thêm giá trị mới mà họ chưa từng có. Họ tự tin vì mình có thể tạo ra vị trí của mình, một giá trị không thể phủ nhận khi biết tự lập, tự quyết định, tự hành động.
- Từ trường bước ra, thứ bạn thiếu thốn nhất là cái nhìn thực tế về nghề. Thời gian thực tập sinh hay một năm đầu đi làm là giai đoạn tốt nhất để bổ trợ sự hiểu biết này vào cái khung tri thức còn thiếu. Những luật chơi bất thành văn, mánh lới, hiểu hoàn cảnh… để biết mình là ai, là thứ cần phải học.
- Trong khoảng hai năm cuối đại học, bạn hoàn toàn có thể tìm được các việc phụ, hoặc những khâu đơn giản trong chuyên môn của mình để làm thử. Cùng với việc bước vào học chuyên môn, bạn làm và trải nghiệm những lý thuyết mình học. Bạn sẽ chứng kiến cách nghề nghiệp vận hành, chứng kiến cái vị trí tương lai mình bước vào sẽ ra sao.
- Nếu bạn đang đặt câu hỏi Tôi chưa biết làm gì hết thì hãy bước ra ngoài chọn một công việc nhỏ để làm sau những giờ học trên lớp. Hãy làm việc bằng sự thành tâm nhất có thể. Tương lai luôn thú vị khi mình tìm kiếm nó.
- Sự bất trắc của nhàn rỗi là khi ta nghĩ mình có quá nhiều thời gian… và chẳng làm gì để tái sinh chính mình.
- Sự thật là khi đi du lịch ta thấy thế giới rộng lớn và đáng yêu hơn. Chuyến đi giúp bạn nhìn thấy xa hơn, nhiều hơn, giúp bạn hiểu những người xung quanh khác với mình thế nào.
- Tuổi trẻ dũng cảm để học điều mới mẻ, để hiểu sự khác biệt tồn tại, để biết những kẻ hơn mình có thể đi chung con đường lớn thay vì tỵ hiềm nhỏ nhặt.
- Tuổi trẻ quá ngắn để mất đi. Vì tôi không thể sống hai lần với điều kỳ diệu của tuổi trẻ, tôi sẽ biến nó thành sự khai mở bản thân và ngừng tiêu phí thời gian một cách rẻ mạt.
- Tôi sẽ lắng nghe cơ thể mình, tìm hiểu cảm xúc của mình, cho phép những khao khát được lên tiếng và những khả năng được thể hiện. Tôi học cách hiểu hơn mình muốn sống thế nào, muốn sức khoẻ ra sao, niềm vui đến cách nào, tình yêu hay không gian quanh mình là gì. Mọi thứ phải học từ đầu, vì tôi không có lại hai lần tuổi trẻ để cứ băn khoăn và nhầm lẫn mãi.
- Rất khó để ai đó ngoài bản thân bạn chọn điều gì là đúng hay sai. Bởi lương tri trong mỗi con người được thể hiện khác nhau với những giá trị khác biệt mà họ sống, lớn lên và trải nghiệm cùng nó.
- Giá trị là điều khiến ta cảm thấy cuộc sống trọn vẹn và yên tâm. Giá trị như một cái đích vô hình, khi đạt được ta nhận diện được điều mình cần và sống với nó, chứ không phải luôn chạy vạy mỏi mệt theo bất kỳ cái đích nào khác của người xung quanh bày ra.
- Ta mệt nhọc phải trở về quê nhà mỗi mùa Tết, nghe hàng tá họ hàng bu lại hỏi “Chừng nào con lấy chồng/vợ?”. Có kẻ bị thúc ép đã vội vàng theo, ào ào thu xếp kiếm tìm đại một ai đó gá vào, quay quả cưới cho nhanh. Ta và cha mẹ không biết ẩn sau một cuộc kiếm tìm, vá víu vội vàng là một cuộc hôn nhân kỳ quặc không thể lường nổi hậu quả.
- Chúng ta chỉ sống từ 8-10 giờ mỗi ngày với công việc mình làm, có nghĩa là ta còn 14-16 giờ mỗi ngày cho những phần khác của cuộc đời. Có những người đã lớn lên, tuyệt vọng chạy theo với một cái nhãn bước vào đời để có thể giống với bất kỳ ai khác mà quên mất câu hỏi “Tôi muốn trở thành ai?”. Câu hỏi đó quyết định 14-16 giờ còn lại mà ta muốn sống trong đời này ra sao và hạnh phúc thế nào…
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (33) - Để có một tâm hồn đẹp |
- Sự tươi mới của tinh thần quan trọng hơn hình dáng, cân nặng, bề ngoài. Nó đến từ việc ta cố gắng dành sự quan tâm rõ ràng để hiểu điều gì đang xảy ra trên cơ thể mình.
- Tổ chức lao động Thế giới (ILO) cho biết một sinh viên đại học Việt Nam cần trung bình 7,3 tháng để hoàn thành quá trình chuyển từ trường đại học ra một công việc làm đầu tiên ổn định.
Khi tìm người, nhà tuyển dụng sẽ dành cho nhân viên mới từ 2-3 tháng để thử việc, trước khi quyết định nhận hay không nhận người đó. Nếu cần 7,3 tháng để thực sự chuyển mình từ lúc tốt nghiệp đến việc đầu tiên, nghĩa là rất nhiều người trẻ đã mất việc ngay từ vòng gửi xe đầu đời.
- Khi trường lớp không thể cho bạn môi trường hành động, thì các công ty, đồng nghiệp, bạn bè cùng nghề có thể cho ta cơ hội đó. Bạn cần thành tâm làm việc, thành tâm muốn học thêm điều mới để hoàn thiện nghề. Khi ta gõ cửa hãy yên tâm rằng từng cánh cửa sẽ mở ra chậm rãi, vững vàng.
- Đến cuối con đường trong trường đại học, ta cần phải rút ngắn khoảng cách 7,3 tháng để bật lên nhanh hơn. Ta cần có kỹ năng cập nhật trong nghề, cần hiểu các thể thức hành động trong ngành, cách đồng nghiệp ứng xử với nhau, văn hoá của ngành, cũng như các luật chơi không thành văn. Sự tự chủ của người học vô cùng quan trọng.
- Tôi thuộc nhóm người tin rằng phản bội là một tự nhiên bất khả kháng … Ta không thể chống lại nó. Ta không thể bịt miệng nó. Ta không thế bịt mắt mình và tưởng rằng nó không tồn tại. Vứt bỏ sự phản bội giống như một nút Delete trên bàn phím - ta xoá tất cả - im lặng - thành khẩn - và sẽ buộc phải hối tiếc một mình nếu đó là người mình yêu thương rất nhiều
- Thứ giúp người làm việc đi tiếp trong cuộc đời này là chuyên môn - một vũ khí không ai có thể tước khỏi bàn tay mình trên bất kỳ chiến trường nào. Cứu cánh của sự nghiệp phải là sự chuyên nghiệp.
- Nếu ta đủ say mê để trải nghiệm những góc mới của nghề nghiệp, đủ mạnh mẽ để thừa nhận mình cần phải mạnh hơn, thì học tập trong nghề nghiệp luôn là một cuộc đua không thể ngừng lại.
- Tôi không có ý kỳ thị sự tuyệt vời của tiện nghi, chừng nào nó là các con số thực được tạo ra khi ta làm việc, thành quả lao động và giá trị mà ta xây dựng cho chính đời sống của mình.
- Chọn sống thế nào chưa bao giờ là một bài toán đơn giản. Nhưng tôi không bao giờ quên lời của mẹ: “ Không ai cầm tiền đưa cho con mà không đòi hỏi cái gì của con”. Sự sống đi kèm với tiền được trả giá và để lại giá bằng cách ta chọn hành động ra sao.
- Người thầy đầu tiên có thể là ai đó ta vợt được giữa những hội thảo nghề nghiệp, hội chợ chuyên môn hoặc các buổi thảo luận kiếm tìm cộng sự. Họ có chuyên môn mà ta say mê. Ta theo đuổi họ. Ta cố gắng trở thành kẻ có ích, làm tay phụ việc nhiệt thành. Ta đổi sức lao động để học nghề. Họ thành thật đón nhận và đáp trả bằng bài giảng nghiệp vụ chuyên môn khi cùng làm việc… Họ trở thành một người thân trong đời, dù không còn công việc vẫn thân thiết.
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (20) - Tuổi trẻ không hối tiếc |
- Thứ cuối cùng tôi muốn bạn suy nghĩ đến là, khi cuối ngày trở về nhà và ngủ ngon trên giường, bạn muốn thấy mình đã sống như thế nào nhất, bạn muốn thấy bản thân cựa mình khoan khoái vì đã làm một việc thật ổn, thật rõ, thật nghiêm túc, hay lợn cợn nghĩ suy mình đã làm gì sai và ai sẽ bị thương vì thứ mình gây ra. Đó hoàn toàn là cách ta lựa chọn, là một phong cách sống.
- Tôi là người thích cuộc sống biến đổi hơn và tôi không sẵn sàng có gia đình sớm. Tôi dành toàn bộ thời gian cho công việc của mình. Tôi không bất hạnh hơn bạn thân của tôi. Chúng tôi có lối sống khác nhau, chọn lựa khác nhau, và cách tìm niềm vui vào cuộc sống khác nhau.
- Sự sai lầm và trả giá xảy đến không phải để mình nguyền rủa nó. Nó xảy ra vì bản thân mình cần hoàn thiện hơn. Điều kỳ diệu của con người là ta luôn có thể làm lại, làm tiếp, làm điều đúng đắn hơn.
- Chẳng có gì tệ hơn phải chưng ra bộ mặt luôn thành công trong khi mình mãi chẳng làm được gì. Hãy thành thật là mình không biết, không hiểu, sẽ luôn có người chỉ dẫn mình để giỏi hơn.
- Bạn sợ sai, sợ thất bại, sợ tếu và bạn sẽ mãi mãi như vậy. Ta không thể biết mình giỏi tới đâu nếu ta không hành động.
- Đọc sách nên là một trò vui. Và học thêm điều mới là cách ta sống mỗi ngày. Nó làm ta giàu hơn, tự tin hơn, thoải mái hơn, tin tưởng hơn và khiến ta có thêm cơ hội làm việc khi có nhiều tri thức tốt.
- Về ước mơ, nếu bạn nói nó quá xa vời, thì việc đầu tiên là kéo cho nó gần lại, cụ thể hoá nó, làm từ từ từng thứ để bắt đầu xây dựng nó. Còn nếu bạn không kéo nó lại gần, không hành động, không nỗ lực, không vẽ nó rõ ra, thì nó chỉ là cái lâu đài cát, nó không phải ước mơ đâu bạn.