Giáo viên đang gặp khó vì không được kiểm tra online định kì

22/03/2020 06:43
Cao Nguyên
(GDVN) - Quy định không cho giáo viên thực hiện các bài kiểm tra định kì qua hình thức trực tuyến khiến học sinh sao nhãng việc học.

Không được kiểm tra qua hình thức online

Ngày 13/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn gửi các Sở Giáo dục về việc tăng cường dạy học qua Internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học để phòng, chống Covid-19. [1]

Công văn có nội dung đáng chú ý là, chỉ đạo các nhà trường phân công giáo viên giao nhiệm vụ học tập theo nội dung bài học và hướng dẫn học sinh thực hiện các buổi học qua Internet, trên truyền hình;

Phối hợp với gia đình học sinh có biện pháp quản lý hoạt động học của học sinh qua internet, trên truyền hình; nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập đã giao cho học sinh.

Công văn cũng lưu ý, khi học sinh đi học trở lại, chỉ đạo các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình.

Cũng theo công văn, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu xem xét, kế thừa những nội dung đã học qua hình thức online.

Và mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn 829/GDĐT-TrH gửi các đơn vị trực thuộc về hướng dẫn thực hiện hoạt động dạy học trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 (lần 2). [2]

Theo đó, Sở yêu cầu chuyên đề dạy học trực tuyến phải đảm bảo sự tương tác giữa giáo viên với người học; người học với nhau và giáo viên phải giám sát được sự tương tác giữa người học với nhau. 

Học sinh làm bài kiểm tra trực tuyến (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)
Học sinh làm bài kiểm tra trực tuyến (Ảnh minh hoạ: Giaoducthoidai.vn)

Nhà trường có trách nhiệm thực hiện các giải pháp nhằm đảm bảo cho các đối tượng học sinh không có điều kiện tham gia học tập trực tuyến được bổ sung các nội dung kiến thức mà nhà trường đã thực hiện trong thời gian nhà trường thực hiện dạy học trực tuyến.

Sở cũng yêu cầu khi học sinh đi học trở lại, nhà trường xây dựng kế hoạch, giải pháp tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình.

Như vậy, theo hướng dẫn dạy học online của Bộ và Sở thì giáo viên có nhiệm vụ dạy học trực tuyến sao cho hiệu quả nhất.

Còn việc kiểm tra đánh giá thì nhà trường không được tổ chức trực tuyến mà phải thực hiện sau khi học sinh đi học trở lại.

Quy định này khiến giáo viên gặp khó khăn trong việc giám sát học sinh học bài, làm bài và hạn chế sự tương tác giữa thầy cô với người học; còn các em thì có thể sao nhãng việc học vì không phải làm bài kiểm tra định kì như thường lệ.

Nên tính điểm kiểm tra online theo phần trăm

Nhiệm vụ của học sinh là phải hoàn thành các bài học, bài tập được giao.

Nếu các em không hoàn thành thì tùy theo mức độ sẽ bị giáo viên xử lí, có thể bị điểm yếu kém, phải thi lại/ở lại lớp.

Kiểm tra online giữa học kỳ 2 đạt chất lượng khả quan tại Trường tiểu học NewTon
Kiểm tra online giữa học kỳ 2 đạt chất lượng khả quan tại Trường tiểu học NewTon

Cũng nhờ có những chế tài này nên sau thời gian học tập trên lớp, học sinh phải học bài, làm bài ở nhà đầy đủ.

Giáo viên nào thường xuyên kiểm tra bài thì học sinh sẽ học bài, làm bài tốt; và ngược lại, các em sẽ sao nhãng việc học – thực tế này ai cũng thấy.

Cho nên, cứ đến lúc kiểm tra giữa kì, cuối kì hoặc những kì thi tuyển sinh, thi tốt nghiệp, học sinh lại vùi đầu và việc học, có khi quên luôn ăn ngủ, quên cả ngày đêm.

Nhưng khi kì kiểm tra, kì thi đã qua, học sinh thường có tư tưởng xả hơi, ít em chú tâm vào việc học – vì coi như đã xong nhiệm vụ.

Và cũng không khó để nhận thấy, khi giáo viên dạy học online, cũng còn đó không ít học sinh không chịu tương tác với thầy cô, bởi các em không phải làm bài kiểm tra như lúc học ở trên lớp.

Một đồng nghiệp dạy môn Giáo dục công dân lớp 12 ở Thành phố Hồ Chí Minh than thở, cô lập nhóm dạy online theo lớp nhưng hơn một nửa lớp không tham gia, mặc dù đa số học sinh lớp này chọn bài thi tổ hợp Khoa học xã hội cho kì thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới.

“Nếu được kiểm tra lấy điểm, tôi nghĩ hầu hết học sinh sẽ tham gia học online đầy đủ.

Nếu không học trực tuyến, học sinh không hiểu bài thì khó có thể giải quyết các tình huống thực tiễn trong đề kiểm tra”, cô giáo chia sẻ.

Thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19 sau Tết Nguyên đán, chúng tôi đã cho gần 2000 học sinh một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh làm bài kiểm tra 1 tiết môn Ngữ văn qua Gmail.

Nghỉ phòng dịch CoVid-19, giáo viên nhận hàng trăm E-mail bài tập của học sinh
Nghỉ phòng dịch CoVid-19, giáo viên nhận hàng trăm E-mail bài tập của học sinh

Lúc đầu chúng tôi cũng rất lo lắng vì nghĩ có thể nhiều học sinh không làm bài qua hình thức này.

Thế nhưng, sau thời hạn một tuần nộp bài, chúng tôi nhận về khoảng 95% bài tập của 3 khối lớp, trong đó phần nhiều học sinh rất có ý thức làm bài.

Các em nộp bài đầy đủ vì chúng tôi cho biết sẽ lấy điểm kiểm tra 1 tiết cho bài viết số 4 ở học kì 2.

Nếu chúng tôi chỉ thu hoạch bài tập đơn thuần mà không lấy điểm thì chắc chắn nhiều học sinh sẽ không nộp bài.

Dĩ nhiên chúng tôi hiểu rằng, Bộ quy định khi học sinh đi học trở lại, các trường tổ chức rà soát, đánh giá kết quả học tập online là hoàn toàn có lí do chính đáng.

Đó là, mặc dù giáo viên dạy học online nhưng không phải học sinh nào cũng có đều kiện tiếp cận.

Có thể học sinh không có các phương tiện học tập như điện thoại thông minh, máy vi tính, máy tính bảng, tivi… hoặc đường truyền Internet không đảm bảo.

Các em cũng ít tương tác hai chiều với giáo viên nên khó trao đổi bài, hỏi bài nếu gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức mới.

Hiện nay, dạy học online chưa đồng bộ, mỗi địa phương, mỗi trường thực hiện một kiểu nên khó mang lại hiệu quả thiết thực so với việc dạy học ở trên lớp.

Ngoài ra, việc thực hiện kiểm tra online cũng rất khó khăn nếu giáo viên thiếu cơ chế giám sát. Khi đó, học sinh có thể sao chép bài từ bạn, Internet… để nộp đối phó cho thầy cô.

Thực tế qua việc chấm bài kiểm tra môn Ngữ văn như đã nói, chúng tôi gặp không ít bài làm giống nhau do học sinh sao chép từ bạn hoặc các nguồn tài liệu khác.

Thế nhưng, nếu giáo viên được phép kiểm tổ chức tra online và có những giải pháp kiểm soát thì có thể hạn chế rất nhiều những bất cập này.

Chẳng hạn như quy định, nếu học sinh sao chép bài thì bị trừ điểm rất nặng, làm bài đối phó, nộp bài trễ cũng bị trừ điểm và không làm bài thì nhận 0.0 điểm.

Thiết nghĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép giáo viên kiểm tra online theo định kì để lấy điểm hệ số 1, hệ số 2 bằng cách quy ra phần trăm mức điểm cho các bài kiểm tra.

Chúng tôi đề xuất, với bài kiểm tra hệ số 1, giáo viên được quyền lấy 50% điểm số; còn bài kiểm tra hệ số 2 là 30%.

Như thế, sau khi học sinh đi học trở lại, các em vẫn được kiểm tra theo định kì bình thường, nhưng được lấy thêm phần trăm số điểm của những lần kiểm tra online trước đó.

Chúng tôi tin rằng, nếu được kiểm tra online định kì như thế, học sinh sẽ tham gia học tập trực tuyến đầy đủ, làm bài nghiêm túc và nâng cao chất lượng học tập trong thời gian nghỉ học dài ngày trong thời điểm hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-yeu-cau-tang-cuong-day-hoc-qua-internet-trong-thoi-gian-nghi-dich-post207804.gd?fbclid=IwAR2PUCbBciNdjFDB-TFLQTo_SUQLm-sOnfD4UMRX_lHaEO-wfwNbVY8EZtE

[2] //hcm.edu.vn/thong-bao/huong-dan-thuc-hien-hoat-dong-day-hoc-trong-giai-doan-anh-huong-cua-dich-covid-c41000-64254.aspx

Cao Nguyên