GS.Nguyễn Xuân Hãn: “Giáo dục Đại học Việt Nam sính ngoại thái quá”

03/05/2012 06:50
Hồ Sỹ Anh (Thực hiện)
(GDVN) - Ngày nay, số lượng người có học hàm học vị đến hàng vạn, đầu tư xấp xỉ 10% GDP, mà giáo dục vẫn yếu kém và lạc hậu, ngày càng xa với khu vực và thế giới. Vấn đề ở đây là con người và tổ chức, người thì chúng ta có thừa nhưng vấn đề phải biết chọn mà dùng.

Thưa GS. Nguyễn Xuân Hãn, theo ông, yếu tố để đào tạo được nguồn nhân lực tốt là gì?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Muốn việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đòi hỏi nhiều thứ, nhưng những điều tối thiểu phải có là một chương trình đào tạo ổn định, sách vở tài liệu phong phú, hai là đội ngũ giảng viên có trình độ; ba tuyển được SV có năng lực. Song những điều tối thiểu này tại Việt Nam không có. Ngay cả trường ĐH được coi là hàng đầu Việt Nam cũng chưa làm được, cớ gì lại cứ đi trách trường dân lập.

Hiện nay đang có hai luồng ý kiến xoay cảnh chủ đề là “nên” và “không nên” phân biệt khi tuyển dụng cán bộ công chức giữa sinh viên dân lập và công lập, còn Giáo sư nghĩ sao?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Không được phân biệt giữa Đại học dân lập và công lập, bởi so với mặt bằng chung giữa các trường ĐH thì chất lượng đào tạo của các trường ĐH nói chung ngày càng thấp hơn so với trước đây, chứ chưa nói so với chuẩn mực Quốc tế. Bằng cấp đào tạo của Việt Nam chưa được thị trường lao đông quốc tế thừa nhận. Khi mà trường công lập chưa đạt được những yêu cầu cần thiết, trường dân lập còn khó khăn hơn - đây là thực tế khách quan cần nghiên cứu để chấn chỉnh chung cả hệ giáo dục ĐH , không nên phân biệt người học công lập, dân lập và tư thục.

Thực tế có trường, có khoa, có ngành chất lượng đào tạo của trường dân lập đâu có kém trường công lập. Ngay tại trường ĐH lớn tại Hà Nội nơi tôi đang giảng dạy (ĐH Quốc gia Hà Nội), hơn 20 năm cải cách, chương trình đào tạo trước đây tốt thì bỏ đi, hàng tỷ đồng bỏ ra làm nhưng cái mới đâu đã có? Hiện nay  đang phải “nhập khẩu” chương trình từ bên ngoài, đội ngũ giảng viên thiếu trầm trọng, có những môn học chủ chốt hiện nay “cơm chấm cơm”, làm gì có chất lượng.

GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn
GS. TSKH Nguyễn Xuân Hãn

Thưa Giáo sư, lâu nay chúng ta đều thấy mặt bằng đầu vào ở các trường công lập vẫn cao hơn so với trường tư thục, dân lập. Vì lẽ ấy, Giáo sư có cho rằng, còn rất lâu nữa các trường dân lập mới đuổi kịp trường công lập?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Không thể phủ nhận hệ dân lập đầu vào một số trường vẫn  kém hơn các trường công lập, nói vậy không có nghĩa trường dân lập nào hay ngành nào cũng kém công lập, trên thực tế vẫn có nhiều trường dân lập lấy điểm cao hơn công lập như Đại học Thăng Long chẳng hạn. Ngoài ra, nhiều trường còn xét tuyển trình độ tiếng Anh để được vào thi tuyển vào trường.

Có nên quy kết trách nhiệm thuộc về ai khi có sự phân biệt giữa sinh viên tốt nghiệp trường công lập và ngoài công lập không, thưa Giáo sư?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Khi mà có sự phân biệt giữa trường tư và trường công như vậy thì trách nhiệm này thuộc Nhà nước. Thứ nhất mở ra nhiều trường, vượt xa với yêu cầu của nền kinh tế.

Thứ hai là sính ngoại thái quá, trước đây tư duy độc lập tự chủ, tự lực tự cường, khi bắt đổi mới vào những năm 1987, ta bỏ cái mình đang có, thì sao chép máy móc từ chương trình đào tạo của ĐH Chiềng Mai - Thái Lan, nay thì nhập khẩu chương trình đào tạo của phương Tây. Khoa của tôi được chi 1 triệu USD để nhập khẩu chương trình của ĐHTH Brown - Mỹ. So với chương trình chúng tôi đang dạy, chương trình này còn thấp hơn. GS Fried ở trường này là đồng nghiệp của tôi, sang Việt Nam dạy. Việc nhập khẩu này thật vô nghĩa.

Thứ ba là không nhìn vào thực tế, đẻ ra các chính sách xa với cuộc sống. Kể từ khi nước nhà giành độc lập năm 1945, cả trong và ngoài nước mới đào tạo được 1,5 vạn tiến sĩ, mà dự kiến từ 2010 đến 2020 đào tạo hơn 2 vạn tiến sĩ, vì lẽ đó đã nảy sinh việc đào tạo tiến sĩ ngoài luồng hay mua bán văn bằng  tiến sĩ để làm quan, đuợc báo chí đăng tải, đang làm nhức nhối xã hội!

Giáo sư có nhận định gì khi mà dư luận vẫn chê bai chất lượng đào tạo của trường dân lập?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Chất lượng đào tạo không phải là lỗi chính ở các trường dân lập, mà chủ yếu ở các cấp quản lý - thiếu hiểu biết cả chuyên môn và xu thế phát triển giáo dục ĐH. Việc phân biệt hệ dân lập và công lập để chấn chỉnh và nâng đỡ hệ đào tạo dân lập theo chuẩn mực quốc tế. Nghiên cứu lại tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, phát huy nội lực “tự cường” mà thế hệ cha anh đã làm trong những năm chống Mỹ, loại bỏ tư duy sính ngoại để xây dựng lại nền giáo dục ĐH của Việt Nam. Đoàn giáo dục Mỹ sang thăm Việt Nam sau 1975, xin lưu ý còn đánh giá cao chất lượng đào tạo của ĐH miền Bắc so với các nước trong vùng và so nguồn kinh phí quá ít ỏi và khó khăn của chiến tranh.

Gần đây, dư luận cũng phản ánh việc thưởng điểm, thưởng tiền cho sinh viên vào trường mình của một số trường dân lập, Giáo sư có bình luận gì về điều này?       

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Một trường ĐH muốn tồn tại trường học phải có sinh viên, các trường ĐH &CĐ ngoài công lập ra đời  buộc họ phải tự xoay sở để tồn tại, mà không được hỗ trợ, quan tâm như các trường công lập thì không nên chê trách gì họ. Việc thưởng điểm, thưởng tiền để tuyển sinh viên là điều có thể hiểu được, dễ thông cảm.

Giáo sư đánh giá thế nào về giáo dục đại trước đây và bây giờ?

GS. Nguyễn Xuân Hãn: Trong Nghị Quyết của Đảng ghi đổi mới cơ bản toàn diện Giáo dục Việt Nam, song theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng mới bàn “hoặc là đổi mới hay cải cách”… mà chưa bàn đến đổi mới cơ bản và toàn diện bộ máy quản lý Giáo dục Việt Nam. Theo tôi, con người mới là yếu tố quyết định. Ngày trước, đất nước còn quá nhiều khó khăn vì chiến tranh, những người như GS. Nguyễn Văn Huyên, GS. Tạ Quang Bưu và đội ngũ trí thức cách mạng đếm trên đầu ngon tay, vậy mà họ xây dựng được nền giáo dục ĐH được các nước thế giới thứ ba và trong vùng ngưỡng mộ. Còn ngày nay, số lượng người có học hàm học vị đến hàng vạn, đầu tư xấp xỉ 10% GDP, mà giáo dục vẫn yếu kém và lạc hậu, ngày càng xa với khu vực và thế giới. Vấn đề ở đây là con người và tổ chức, người thì chúng ta có thừa nhưng vấn đề phải biết chọn mà dùng.

Giáo dục – đào tạo, khoa học và công nghệ không chỉ Nhà nước ta, mà cả thế giới đều coi là quốc sách hàng đầu và xem trọng. Giáo dục ĐH liên quan đến khoa học công nghê. Có nhà lãnh đạo cho rằng: “Nền giáo dục sai là làm hỏng cả một đất nước, hỏng cả một lịch sử đất nước”. Vì lẽ đó, quốc gia nào cũng lấy giáo dục làm trọng điểm.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

GS.TSKH Nguyễn Xuân Hãn được cử đi học ĐH ở Liên Xô. Trong hai năm tự học, ông đã thi hết chương trình ĐH năm năm của ĐH Tổng hợp Minsk và ông đã được trường chuyển về phòng lý thuyết Viện liên hợp hạt nhân Dupna, tiếp tục nghiên cứu để làm luận án PTS và TS.

Ông có 65 công bố khoa học, trong đó gần 50 công trình đăng trên các tạp chí quốc tế, được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp khoa học - công nghệ, Huy chương Vì sự nghiệp giáo dục, Huy chương Vì sự nghiệp khuyến học. Năm 1998, ông được Thủ tướng bổ nhiệm là ủy viên Hội đồng Giáo dục quốc gia

Hiện là ủy viên thường vụ Hội Vật lý Việt Nam, thư ký hội đồng biên tập tài liệu chuyên khảo để đào tạo cán bộ vật lý, vật lý toán cho bậc đại học, trên đại học; quyền tổng biên tập tạp chí Vật Lý Ngày Nay; giảng dạy và nghiên cứu tại ĐHQG Hà Nội.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Franklin Roosevelt – Tổng thống duy nhất đắc cử 4 lần trong lịch sử Mỹ

John Kennedy - Từ "cậu bé yếu ớt" trở thành Tổng thống Mỹ

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam từ 1945-2012

Học sinh, sinh viên "khúm núm" dưới nắng nóng Hà Nội

HS lớp 7 bị làm nhục quay clip; Nhiều nữ sinh bỏ học lấy chồng

Thí sinh Duyên Dáng Uneti đạp xe vì môi trường trong nắng nóng

Hồ Sỹ Anh (Thực hiện)