Cho đến nay, nhiều câu hỏi vẫn đang được đặt ra với quy trình và kết quả kiểm tra, kỷ luật ông Vũ Văn Sử thời điểm 2018 là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó ban Thường trực Ban Chỉ đạo thi, Chủ tịch Hội đồng chấm thi.
Trước đó, như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 18/6, Tỉnh ủy Hà Giang đã ban hành kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh này tại Kỳ họp thứ 26, khóa XVI về xem xét, thi hành kỷ luật đảng viên bằng hình thức "Cảnh cáo" đối với ông Trần Đức Quý và ông Vũ Văn Sử, do liên quan đến vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tại hội đồng thi Trung học phổ thông quốc gia tại tỉnh Hà Giang năm 2018.
Điều đáng nói trong ba tỉnh bị phát hiện gian lận điểm thi, Hà Giang có nhiều thí sinh được nâng điểm không trong sáng nhất, với 107 trường hợp với hàng trăm bài thi ngang nhiên được nâng điểm (trong đó có con của Bí thư Triệu Tài Vinh lúc đó).
Việc kỷ luật đối với ông Vũ Văn Sử có xứng đáng? hay vẫn chỉ là câu chuyện "giơ cao đánh khẽ" của Hà Giang trong xử lý cán bộ vi phạm? (Ảnh: LC) |
Ông Vũ Văn Sử, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang tham gia chỉ đạo kỳ thi với tư cách là Chủ tịch Hội đồng thi trung học phổ thông quốc gia 2018 tại tỉnh tỉnh này.
Đồng nghĩa với việc ông Vũ Văn Sử có vai trò là người đứng đầu khi đơn vị khi xảy ra sai phạm
Tuy nhiên, cho đến nay chế tài mà Tỉnh ủy Hà Giang áp dụng với ông Sử lại nhẹ hơn với người đồng cấp ở Sơn La Hoàng Tiến Đức, trong khi hậu quả sự việc ở Sơn La có phần nhẹ hơn, với 44 thí sinh được nâng điểm.
Người cùng cấp với ông Vũ Văn Sử, ông Hoàng Tiến Đức ở Sơn La bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra dấu hiệu vi phạm, rồi chuyển Ban Bí thư quyết định kỷ luật với hình thức rất nghiêm khắc: Cách tất cả các chức vụ trong Đảng.
Trong khi đó, như đã nêu ông Vũ Văn Sử (đã về hưu) chỉ nhận mức hình thức kỷ luật là "cảnh cáo".
Ngày 15/7, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang đã trả lại hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, đây có thể coi là động thái tích cực của cơ quan chức năng khi muốn giải quyết dứt điểm nhưng thận trọng khi xử lý "giặc nội xâm".
Việc ông Sử và người nhà ông đến nay có liên quan đến vụ việc gian lận điểm thi hay không cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức, thế nhưng, người dân ở Hà Giang vẫn "râm ran" về những vấn để khó nói của ông Sử. Đặc biệt, trước khi bị bắt, 2 phó của ông Sử là Triệu Thị Chính và Phạm Văn Khuông đều được ông ra sức bảo vệ và "tin tưởng tuyệt đối".
Những bí mật chưa thể làm sáng tỏ trong vụ gian lận điểm thi tại Hà Giang |
Bên cạnh đó, cho đến nay chỉ phụ huynh duy nhất có con được nâng điểm là ông Phạm Văn Khuông là bị điểm tên, chỉ mặt.
Còn lại, hàng trăm phụ huynh khác trong đó có rất nhiều cán bộ, đảng viên hoặc phủ nhận động cơ, hoặc chỉ “nhờ xem điểm trước” là thiếu công bằng với ông Khuông.
Bên cạnh đó, việc không chứng minh được có vụ lợi của các bị can đã bị khởi tố sẽ rất thiếu thuyết phục đối với dư luận.
Cho đến nay, Sơn La là địa phương duy nhất được các bị can đã khai nhận cụ thể về số tiền họ đã nhận được từ phụ huynh và những người trung gian đưa để nâng điểm cho thí sinh thì cơ quan điều tra xác định đây chỉ là “lời khai một chiều” và không làm sáng tỏ được người đưa tiền cho các bị can.
Có thể xác định được người đưa hối lộ ở Hà Giang không?Nội dung |
Với tinh thần như ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh: “Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018. Tinh thần là xử lý đến cùng, không có vùng cấm”.
Dư luận hy vọng mọi góc khuất, mọi vùng cấm sẽ được đưa ra ánh sáng nhưng với diễn biến ở Hà Giang hiện nay, dư luận có quyền nghi ngờ về việc Hà Giang “giơ cao, đánh khẽ” trong việc xử lý cán bộ để xảy ra gian lận.
Việc xử lý không đến nơi đến chốn sẽ e rằng kỷ cương phép nước khó được thực hiện nghiêm minh.