“Hai đầu trí tuệ” là độ tên bài hát “Ở hai đầu nỗi nhớ”, nhạc Phan Huỳnh Điểu, lời thơ Trần Đình Chính.
Một đầu trí tuệ là sự thông minh, nhanh nhạy, quyết tâm đạt được ước vọng còn đầu kia không biết nên dùng cụm từ nào trong những cụm từ gắn với vần “ng” như ngốc nghếch, ngớ ngẩn, ngu ngốc,…
Thời đại dịch Covid-19, một đầu trĩu nặng sự lo âu của cả hệ thống chính trị, của gần trăm triệu người Việt, là sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, của Bộ Y tế, chính quyền các tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nội, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh,… của Quân đội, Công an và các phương tiện truyền thông.
Sau thành tựu chữa khỏi cho 16 bệnh nhân, chỉ chờ một tuần nữa không xuất hiện bệnh nhân mới là tuyên bố hết dịch, là hơn 20 triệu nhà giáo và học sinh tiếp tục đến trường, là những thiệt hại ghê gớm về kinh tế, xã hội sẽ có cơ hội khắc phục.
Việt Nam đủ năng lực, nguồn lực, tinh thần, kinh nghiệm kiểm soát COVID-19 |
Ở phía đối diện là là vô số biểu hiện không thể nói là của con người văn minh:
Đầu cơ, tăng giá bán khẩu trang và nước sát khuẩn phòng dịch;
Tung tin nhảm trên mạng xã hội về nạn dịch;
Mua vét hàng hóa, tạo không khí thiếu thốn hàng hóa giả tạo;
Biết bản thân mắc bệnh nhưng không khai báo y tế;
Nhờ người khác cách ly thay mình;
Để cơ quan chức năng phải mất 3 tiếng vận động mới chịu đi cách ly;…
Thái độ bàng quan, vô trách nhiệm của không ít người, từ dân thường đến người có bằng cấp đầy mình nói lên điều gì?
Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán – Trung Quốc, không giờ nào không có thông tin trên các phương tiện truyền thông về sự lây lan, số người chết, số ca nhiễm tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Thế nhưng vẫn có người xem thường tính mạng của mình, sự an toàn của cộng đồng khi không khai báo y tế, trốn cách ly hoặc nhờ người khác “cách ly hộ”.
Báo chí Anh Quốc cho rằng nhân vật được gán biệt danh là “bệnh nhân thứ 17” (B17) tại Việt Nam và vài người tiếp xúc với B17 thuộc diện "Vietnamese socialite" (tiểu thư ăn chơi Việt Nam).
Từ thông tin báo chí Anh công bố, bệnh nhân số 21 (B21) “Bay từ Việt Nam đi Ấn Độ, sau đó sang Anh rồi về Việt Nam. Trên chuyến bay từ Ấn Độ sang Anh có ngồi cạnh 1 người quốc tịch Anh có biểu hiện sốt và ho liên tục" có thể thấy không nên vội cho rằng B17 là nguyên nhân lan truyền Covid-19 cho B21 bởi có thể người ngồi cạnh “có biểu hiện sốt và ho liên tục” là người đã mắc bệnh và lây sang cho B21?
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá: "Hiện nay, trường hợp của ông T. (bệnh nhân thứ 21 nhiễm Covid-19 ở Việt Nam) là trường hợp rất có thể sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao nhất, vì người này đã tiếp xúc với nhiều người lớn tuổi.
Trường hợp này là phức tạp và khó khăn nhất... Tôi yêu cầu các sở, ban ngành của Hà Nội làm việc, phối hợp chặt chẽ với Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, Bộ Y tế tiếp tục theo dõi, xác minh làm rõ đến đâu thì thông báo đến đó…”. [2]
Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích B17 “Vô ý thức, thiếu trách nhiệm và ích kỷ trong lối sống” [1] thì cũng xuất hiện những lời khen bệnh nhân số 32 (B32) đã tự cách ly và gia đình B32 đã thuê máy bay riêng chở người này từ Anh Quốc về Việt Nam!
Nói về ý thức cộng đồng của người Việt, thật khó để cho rằng nền giáo dục Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh giáo dục các tầng lớp cư dân lối sống văn minh, biết gắn quyền lợi bản thân với trách nhiệm bảo vệ đồng loại.
Khẩu trang y tế dùng xong vứt bừa bãi (Ảnh: Tienphong.vn) |
Chính phủ đã có chỉ đạo tạm dừng các lễ hội, các hoạt động có đông người tham dự, dừng đón khách du lịch đến từ vùng có dịch, bãi bỏ hàng loạt chuyến bay quốc tế,… dù biết rằng thiệt hại về kinh tế có thể lên đến nhiều ngàn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã có công văn số 2155 gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ đề nghị “Rà soát các khoản phí, lệ phí gắn với các dịch vụ do ngành, lĩnh vực mình quản lý; đề xuất giảm mức thu phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 30.000 tỷ đồng”. [3]
Phải tiếp tục kiên trì thực hiện nghiêm nguyên tắc chống dịch |
Trong khi các doanh nghiệp, trường học và giáo viên (ngoài công lập) kêu cứu, các lực lượng y tế, quân đội, công an căng sức đối phó đại dịch thì đâu đó vẫn có những cuộc tiệc tùng được tổ chức và vẫn có cán bộ cao cấp đi chơi golf như một số bài báo mô tả.
Và không thể không nói đến chuyện có cặp vợ chồng ở Hà Nam trốn cách ly bay vào Thành phố Hồ Chí Minh rồi di chuyển về nhà bố mẹ đẻ tại thành phố Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).
Cùng với hành vi chủ doanh nghiệp nhờ người “cách ly hộ”, việc trốn cách ly không còn là sự kém ý thức mà rõ ràng là sự coi thường pháp luật, phá hoại công sức, thành quả làm việc của rất nhiều người.
Lo sợ sự lây lan của virus Covid-19, chúng ta càng lo sợ sự lây lan của virus “Vô ý thức” trong một bộ phận người Việt.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh, một trong những cách phòng bệnh hữu hiệu là ban hành chế tài phạt thật nặng những cá nhân mang trong mình virus “Vô ý thức”.
Chỉ vài bệnh nhân mang bệnh không tự giác khai báo đã khiến hàng nghìn người bị cách ly, đã khiến cả hệ thống chính trị Hà Nội phải vào cuộc, tạo nên tâm lý bất an cho hàng vạn cư dân vì vậy khai báo y tế toàn dân tuy là giải pháp căn cơ song phải kèm theo chế tài xử lý kiểu thời chiến chứ không phải chỉ là theo luật.
Tài liệu tham khảo:
[1]https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/tron-cach-ly-nhung-hanh-vi-khong-the-chap-nhan-duoc-622935.html
[2]https://nld.com.vn/thoi-su/ca-covid-19-thu-21-tiep-xuc-voi-nhieu-nguoi-lon-tuoi-ha-noi-phoi-hop-ban-bao-ve-cham-soc-suc-khoe-trung-uong-20200308124812872.htm
[3] https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/di-ch-covid-19-phu-c-ta-p-ban-ha-nh-chi-nh-sa-ch-ho-tro-kha-n-ca-p-622180.html