Hệ thống tưới lan sử dụng trí tuệ nhân tạo của học sinh phổ thông

04/10/2019 06:36
AN NGUYÊN
(GDVN) - Dựa trên nền tảng IoT (internet vạn vật), một nhóm học sinh phổ thông đã tạo ra hệ thống tưới lan thông minh, có thể ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp.

Hệ thống tưới lan thông minh này do các học sinh: Nguyễn Đăng Lâm, Nguyễn Trần Thế Anh (học sinh trường trung học phổ thông FPT Đà Nẵng) và Ngô Hùng Vĩ (học sinh trường trung học phổ thông Skyline Đà Nẵng) sáng chế.

Hệ thống tưới lan thông minh được điều khiển bằng Smartphone của nhóm học sinh cấp ba. Ảnh: XT
Hệ thống tưới lan thông minh được điều khiển bằng Smartphone của nhóm học sinh cấp ba. Ảnh: XT

Sản phẩm này đã giành giải khuyến khích tại vòng chung kết cuộc thi IoT-AI Hackathon 2019 dành cho học sinh, sinh viên khu vực miền Trung - Tây Nguyên vừa được Đại học Bách khoa Đà Nẵng tổ chức.

Chia sẻ về quá trình thiết kế, chế tạo hệ thống này, bạn Nguyễn Đăng Lâm cho biết, hệ thống bao gồm phần cứng và nền tảng IoT dùng chung cho các ứng dụng IoT trong sản xuất nông nghiệp.

Trong đó, phần cứng hệ thống thực hiện chức năng đo các thông số môi trường của vườn lan gồm: nhiệt độ, độ ẩm không khí và điều khiển hoạt động các thiết bị trong vườn lan như máy bơm, đèn

Nhóm sinh viên Bách khoa thiết kế robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời

Còn nền tảng IoT hỗ trợ việc liên lạc giữa phần cứng hệ thống và các ứng dụng phần mềm.

“Khi muốn điều khiển các thiết bị trong vườn lan, người dùng sử dụng phần mềm ứng dụng Smarphone để điều khiển.

Khi nhận được tín hiệu điều khiển này, vi điều khiển sẽ bật/tắt các thiết bị thông qua các relay”, Lâm chia sẻ thêm.

Theo bạn Ngô Hùng Vĩ thì mục đích của hệ thống tưới lan thông minh là xây dựng một nền tảng IoT dùng chung cho các loại ứng dụng IoT trong sản xuất nông nghiệp.

Nền tảng IoT dùng chung được xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ cho nhiều ứng dụng IoT khác nhau như: trồng nấm, trồng rau, vườn lan, vườn hoa…

Mỗi hệ thống có một phần cứng riêng biệt và được kết nối đến nền tảng IoT dùng chung.

Nền tảng IoT dùng chung cung cấp việc liên lạc giữa phần cứng hệ thống với các phần mềm ứng dụng trên Smartphone.

Đồng thời cũng cung cấp cơ sở dữ liệu để lưu các dữ liệu môi trường do các phần cứng hệ thống đo được”, Vĩ cho hay.

Việc ứng dụng hệ thống IoT trong sản xuất nông nghiệp đem lại các lợi ích như: giảm chi phí nhân công, tiết kiệm chi phí sản xuất. Qua đó, nâng cao hiệu quả, tăng năng suất, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời rủi ro.

“Nó có thể áp dụng để chăm sóc các vườn hoa, vườn lan, các trang trại trồng nấm, các nhà vườn trồng rau sạch, rau thủy canh, rau hữu cơ…

Xem sinh viên trình diễn những sáng chế khoa học công nghệ độc đáo

Để thương mại hóa sản phẩm, nhóm cần liên hệ với các đơn vị hỗ trợ sản xuất phần cứng chuyên dụng hơn để đo được nhiều loại thông số môi trường.

Đầu tiên, hệ thống được thử nghiệm trong các vườn lan để hỗ trợ giám sát và điều khiển tưới thông minh.

Sau đó, triển khai cho các ứng dụng IoT khác trong sản xuất nông nghiệp (trồng nấm, trồng rau…)”, bạn Nguyễn Trần Thế Anh cho biết.

Lâm cũng chia sẻ thêm, để cho “ra lò” một sản phẩm công nghệ hoàn thiện thì cả nhóm đã phải đầu tư rất nhiều công sức, thời gian và kiến thức.

Trong đó, nhiều kiến thức về công nghệ mà với khả năng của một nhóm học sinh cấp ba không thể giải quyết được.

“Những phần khó trong hệ thống thì tụi em phải cầu viện thầy giáo hướng dẫn.

Ngoài những kiến thức về công nghệ thì còn phải tìm hiểu về đặc tính sinh học của từng loài lan, nhiệt độ, môi trường mà loài lan sinh trường...”, Lâm nói.

AN NGUYÊN