Ngày 26/2, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục có kiến nghị tới Thủ tướng về việc cho học sinh, sinh viên học trên các kênh truyền hình trong mùa dịch Covid-19.
Theo đó, Hiệp hội đã thuyết minh về giải pháp cho học sinh, sinh viên được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình trên cả nước trong mùa dịch Covid-19 từ đó có một vài kiến nghị gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn thế giới, đặc biệt là các quốc gia láng giềng của Việt Nam và có diễn biến ngày càng phức tạp. Dịch này có tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội của quốc gia, trong đó có lĩnh vực giáo dục.
Chính vì lý do trên nên tại Việt Nam, mặc dù trong thời gian qua, về cơ bản chúng ta đã ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19, nhưng cho tới nay, ngành giáo dục Việt Nam vẫn rất khó khăn trong việc đưa ra quyết định có cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường hay không?
Lý do là ở chỗ hiện vẫn tồn tại tranh luận rất quyết liệt giữa hai quan điểm. Một bên là, không thể để học sinh, sinh viên cả nước phải tiếp tục nghỉ học khi mà tình hình dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm ổn; trong khi quan điểm của bên kia là, tình hình dịch ở các nước láng giếng của ta vẫn đang ở đỉnh cao, thậm chí còn bùng phát mạnh mẽ thì nguy cơ lây lan và dẫn tới bùng phát dịch ở Việt Nam sẽ rất lớn. Các cơ sở giáo dục là những nơi tập trung đông người nên khả năng lây lan lại càng cao.
Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tiếp tục kiến nghị tới Thủ tướng về việc cho học sinh, sinh viên học trên kênh truyền hình trong dịch Covid-19. (Ảnh minh họa: nguồn VTC) |
Để giúp ngành giáo dục có thể đưa ra các quyết định chính xác về việc có cho học sinh, sinh viên quay trở lại trường trong mùa dịch Covid-19 này hay không, tại công văn số 04/HH-VP ngày 20/02/2020 Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị tới Thủ tướng thay thế giải pháp cho người học nghỉ học – một giải pháp mang tính thụ động - bằng giải pháp chủ động hơn trong mùa dịch là không đóng cửa các trường học mà vẫn cho trường học tiếp tục hoạt động nhưng các trường phải chuyển qua phương thức học từ xa (bao gồm học hàm thụ, học trên truyền hình, học trực tuyến…) để tránh việc tập trung đông người học.
Trong các loại hình trên, hình thức dạy học trên truyền hình cho phép có thể áp dụng đại trà nên chỉ qua vài ngày đã được nhiều địa phương ủng hộ và hưởng ứng (ví dụ như Đồng Nai, Vĩnh Long, An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh…). Tuy nhiên cho tới nay vẫn chưa thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện quan điểm của mình về đề nghị này.
Ngoài ra, qua theo dõi ý kiến của độc giả trên nhiều báo (VnExpress, Vietnamnet, Giáo dục Việt Nam, Đất Việt, Kinh tế đô thị…) chúng tôi nhận thấy phần đông phụ huynh, người học, các nhà quản lý giáo dục đều bày tỏ thái độ rất hào hứng, mong muốn Nhà nước sớm triển khai đại trà dạy học trên truyền hình ngay trong mùa dịch Covid-19 này. Chỉ có một số ít người còn phân vân về tính khả thi và một vài hạn chế của dạy học trên truyền hình.
Để Thủ tướng và Lãnh đạo các cơ quan Nhà nước có thể sớm có quyết định cho triển khai đại trà phương thức dạy học trên truyền hình ở các cơ sở giáo dục, trước hết là các cơ sở giáo dục phổ thông, Hiệp hội chúng tôi xin được phép giải trình tiếp về một số giải pháp cụ thể trong kiến nghị của chúng tôi tại công văn số 04/HH-VP trình Thủ tướng.
Hiệp hội kiến nghị Thủ tướng cho dạy học đại trà qua kênh truyền hình |
Thứ nhất, dạy học trên truyền hình cho bậc học phổ thông ở Việt Nam có tính khả thi cao hơn so với dạy học trực tuyến bởi vì các điều kiện để triển khai nó hầu như đã có sẵn, bao gồm: kênh truyền hình, đội ngũ đạo diễn truyền hình, đội ngũ kỹ thuật viên, đội ngũ giáo viên, sách giáo khoa, hệ thống giáo án,…
Nếu không quá cầu toàn thì có thể thấy cách dạy trên truyền hình và cách dạy truyền thống giống nhau về cơ bản (chỉ khác đôi chút là ở chỗ trường hợp này người thầy đứng trước học sinh còn trường hợp kia người thầy đứng trước camera).
Đầu tư cho dạy học trên truyền hình sẽ không lớn nếu biết khai thác mạng lưới truyền hình quốc gia đang có (bao gồm cả truyền hình trung ương lẫn truyền hình địa phương) mà nhìn chung còn chưa sử dụng hết công suất.
Thứ hai, so với dạy học truyền thống và dạy học trực tuyến, dạy trên truyền hình bị hạn chế ở khâu tương tác thầy – trò.
Tuy nhiên hạn chế này sẽ được khắc phục nếu biết huy động đọi ngũ giáo viên trực tiếp ở các cơ sở giáo dục tham gia vào quá trình dạy học trên truyền hình thông qua vai trò trợ giảng.
Họ phải theo dõi trực tiếp bài giảng trên truyền hình, trực tiếp giải đáp thắc mắc của học sinh, tổ chức cho học sinh học theo nhóm nhỏ ở các khu dân cư, hướng dẫn học sinh tự học và đánh giá kết quả học tập của học sinh...
Thứ ba, để quản lý và giám sát việc học tập của học sinh ở các nhóm nhỏ, nhà trường cần làm việc với hội cha mẹ học sinh, huy động họ tham gia vào hoạt động này.
Dạy học trên truyền hình, phát thanh thế nào cho hiệu quả? |
Từ những thuyết minh trên, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam kiến nghị, Thủ tướng và chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin Truyền thông, Truyền hình Việt Nam và Ủy ban nhân dân các tỉnh,thành phố cùng phối hợp khẩn trương triển khai chuyển sang áp dụng đại trà phương thức dạy học trên truyền hình ở quy mô toàn quốc, trước mắt là cho khối giáo dục phổ thông, mà không dùng giải pháp nghỉ học dài ngay trong mùa dịch Covid-19 này như đã làm trong thời gian vừa qua.
Còn các trường có điều kiện đã chủ động chuyển qua đào tạo theo hình thức trực tuyến trong mùa dịch cần được khuyến khích. Bộ Giáo dục và Đào tạo nên công nhận kết quả học tập trực tuyến của những trường này.
Trước mắt, đề nghị Thủ tướng chỉ thị cho Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức trình diễn dạy một số buổi trên các kênh truyền hình VTV7 (Giáo dục) và VTV5 (Tiếng dân tộc) để xã hội làm quen và có lòng tin vào phương thức dạy học qua truyền hình.