Nghị quyết 57 đòi hỏi quản trị ĐH gắn với NCKH phải hiệu quả, minh bạch, đổi mới

09/05/2025 11:24
Hiền Tiến
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện thể chế GDĐH nhằm đáp ứng yêu cầu đột phá trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Ngày 9/5, tại Trường Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng), Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Quản trị đại học gắn với nghiên cứu khoa học trong bối cảnh mới”. Đây là một trong những chương trình hoạt động trong năm 2025 của Hiệp hội.

Thông tin từ Ban tổ chức cho biết, hội thảo đã nhận được 128 báo cáo tham luận của các chuyên gia giáo dục, lãnh đạo và giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, trường cao đẳng trên cả nước.

Tham dự hội thảo có sự hiện diện của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Huy Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục và Đào tạo (Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương); Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng các Phó Chủ tịch, thành viên của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cùng gần 400 đại biểu là nhà giáo, chuyên gia, nhà quản lý giáo dục đến từ các viện, cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Về phía Trường Đại học Hàng hải Việt Nam có sự tham dự của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Khắc Khiêm - Chủ tịch Hội đồng trường và nhiều thầy cô của nhà trường.

toan canh.png
Hội thảo có sự tham gia của đông đảo các chuyên gia, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và chuyển đổi số mạnh mẽ, giáo dục đại học không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy mà còn phải gắn liền với nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Để thực hiện việc quản trị đại học có hiệu quả cần đảm bảo các yếu tố như: chiến lược và chính sách rõ ràng; cơ chế tài chính và đầu tư hợp lý; cấu trúc tổ chức và quản lý hiệu quả; nguồn nhân lực chất lượng cao; ứng dụng công nghệ và chuyển giao tri thức; hợp tác quốc tế và hội nhập. Nếu thực hiện được các yếu tố trên, quản trị đại học sẽ không chỉ thúc đẩy nghiên cứu khoa học mà còn nâng cao vị thế và chất lượng của nhà trường”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc hoàn thiện thể chế giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu đột phá trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đòi hỏi quản trị đại học gắn với nghiên cứu khoa học phải hướng đến hiệu quả, minh bạch, linh hoạt và đổi mới, qua đó thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao chất lượng giáo dục trong tình hình mới.

ts ng dinh hao.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Đình Hảo - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ảnh: Trà My

Cũng tại hội thảo, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, Viện trưởng Viện công nghệ VinIT nhận định rằng, quá trình chuyển đổi số toàn diện cùng với xu hướng tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy hành chính đang đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống giáo dục đại học. Tại Việt Nam, giáo dục đại học và khoa học - công nghệ ngày càng giữ vai trò then chốt trong chiến lược phát triển quốc gia.

Những thay đổi này không chỉ đòi hỏi sự đổi mới trong tư duy và phương thức tiếp cận, mà còn yêu cầu cải cách căn bản mô hình quản trị đại học, đặc biệt là khả năng kết nối hiệu quả giữa giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học.

“Trong kỷ nguyên mới, quản trị đại học không thể chỉ giới hạn trong chức năng hành chính đơn thuần, mà cần được nhìn nhận như một hoạt động quản trị chuyên nghiệp, có định hướng chiến lược.

Đại học không chỉ là nơi đào tạo nguồn nhân lực, mà còn phải trở thành trung tâm sáng tạo, là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia. Để quản trị đại học một cách hiệu quả, cần gắn chặt hoạt động này với nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo và phối hợp chặt chẽ với các chủ thể trong hệ sinh thái tri thức như doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và cộng đồng.

Hiện nay, mối quan hệ giữa giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Một trong những vấn đề cốt lõi là sự thiếu liên kết và thiếu tính hệ thống giữa các loại hình nghiên cứu, bao gồm nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, nghiên cứu phát triển và nghiên cứu xã hội. Hoạt động quản lý khoa học vẫn còn thiếu cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các trường đại học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc khu vực công.

Bên cạnh đó, mô hình tổ chức bộ máy quản lý giáo dục và nghiên cứu khoa học còn mang tính dàn trải, chồng chéo chức năng, thiếu cơ chế phối hợp linh hoạt và chưa phản ánh đúng yêu cầu của thời đại số hóa và toàn cầu hóa...”, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho hay.

ng quoc sy.jpg
Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Quốc Sỹ phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Trà My.

Ngoài ra, theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ, những khó khăn đang cản trở sự phát triển của giáo dục đại học Việt Nam cần được nhận diện một cách rõ ràng để tìm ra lối ra phù hợp, nhằm theo kịp xu thế phát triển của các quốc gia tiên tiến. Những nội dung cần chú trọng bao gồm: vai trò của trí tuệ nhân tạo và công nghệ số trong giáo dục; khái niệm và ứng dụng của giáo dục mở và tài nguyên giáo dục mở; khoa học dữ liệu lớn (big data) và các hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu.

Bên cạnh đó, đầu tư cho giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học ở nước ta hiện vẫn còn hạn chế. Hạ tầng nghiên cứu thiếu đồng bộ, cơ chế huy động nguồn lực tài chính từ khu vực tư nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học còn yếu. Đồng thời, Việt Nam đang thiếu các nhà khoa học đầu ngành có khả năng dẫn dắt các nghiên cứu chuyên sâu có tầm ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội, và chưa xây dựng được lộ trình nghề nghiệp rõ ràng cho đội ngũ nhà khoa học trẻ.

Để thực hiện hiệu quả quản trị đại học gắn với nghiên cứu khoa học, đặc biệt là ở tầm hệ thống, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho rằng, cần có những giải pháp đột phá cả về thể chế lẫn mô hình tổ chức.

Đó chính là nội dung mà hội thảo cần tập trung thảo luận, nhằm đề xuất các giải pháp thiết thực và khả thi, góp phần xây dựng hệ thống giáo dục đại học Việt Nam hiện đại, lấy đổi mới sáng tạo làm trung tâm, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời đại chuyển đổi số và toàn cầu hóa.

Được biết hội thảo diễn ra cả ngày 9/5 với 4 phiên thảo luận.

Hiền Tiến