Câu chuyện cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh giáo viên Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông bị buộc thôi việc vì không nhận nhiệm vụ vốn không thuộc chuyên môn của mình đang thu hút sự quan tâm của khá nhiều người.
Không ít người đặt câu hỏi “Sao để đến cơ sự này? Liệu có điều gì khuất tất ở đây? Hiệu trưởng có làm đúng chức trách? Có xảy ra lạm quyền?".
Ngày 29/10/2018 chúng tôi cũng có bài viết “Cần làm rõ một số khuất tất trong việc buộc thôi việc cô giáo ở Cà Mau” đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ở bài viết này, chúng tôi tiếp tục làm rõ thêm những sai sót trong công tác quản lý của ngành giáo dục huyện này nói chung và của Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông nói riêng để bạn đọc có cái nhìn thấu đáo hơn việc hiệu trưởng ra quyết định buộc thôi việc cô Thanh đã đúng hay chưa?
Hợp đồng chưa kí căn cứ vào đâu để buộc thôi việc?
Trao đổi với chúng tôi, cô giáo Hoàng Thị Hoài Thanh (42 tuổi), giáo viên của Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, Cà Mau) cho biết:
Ngày 27/10, ông Phạm Bá Quyển, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông đã ký quyết định số 03/QĐ-THCSTHĐ kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Quyết định kỷ luật nêu rõ, cô giáo Thanh bị kỷ luật là vì không chấp hành sự phân công của Hiệu trưởng và nghỉ việc không lý do 36 ngày (từ ngày 6/9 - 18/10/2018).
Quay lại tìm hiểu sự việc, chúng tôi được biết, cô giáo Thanh là giáo viên Trường trung học cơ sở Thị Trấn Cái Nước, huyện Cái Nước được điều động về công tác tại Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông, xã Tân Hưng Đông huyện Cái nước bằng Quyết định số 841/QĐ-PGDĐT ngày 22/8/2018 do Trưởng phòng Giáo dục huyện Cái Nước Nguyễn Minh Phụng ký.
Như vậy, tính từ thời gian nhận nhiệm sở cho đến thời gian bị kỷ luật vỏn vẹn…48 ngày.
Quyết định về điều động viên chức của cô Hoàng Thị Hoài Thanh (Ảnh: tác giả cung cấp). |
Điều đáng nói ở đây là kể từ khi nhận Quyết định điều động cho đến khi bị kỷ luật, cô giáo Thanh chưa được ông Hiệu trưởng ký kết hợp đồng làm việc.
Trao đổi với chúng tôi về điều này, cô giáo Thanh cho biết: “Chưa bao giờ tụi em kí hợp đồng, em chỉ thấy nhân viên trong trường kí thôi”.
Thấy lạ, vì căn cứ vào Nghị định số 29/ND0-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì hàng năm hiệu trưởng nhà trường phải cho giáo viên thỏa thuận kí Hợp đồng làm việc và cam kết làm đúng những điều khoản đã kí.
Chúng tôi liên lạc với ông Quyển để tiếp tục tìm hiểu thông tin về việc vì sao ông không ký hợp đồng làm việc với cô giáo Thanh nhưng ông Quyển không tiếp nhận điện thoại…
Hiệu trưởng đã vi phạm công tác quản lý
Từ nội dung phản ảnh của cô giáo Thanh về việc cô chưa được Hiệu trưởng ký kết hợp đồng làm việc sau khi trình Quyết định số 481 thì có thể xác định ông Hiệu trưởng đã vi phạm Khoản 2, Điều 59, Luật viên chức 2010; vi phạm Điều 14, Điều 15 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ “Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức...”.
Vi phạm Điều 25, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ nêu rõ về phân công nhiệm vụ cho viên chức là “ …Việc phân công nhiệm vụ cho viên chức phải bảo đảm phù hợp với chức danh nghề nghiệp, chức vụ quản lý được bổ nhiệm và yêu cầu của vị trí việc làm”...
Như vậy, việc hiệu trưởng phân công cô Thanh từ một giáo viên chuyên môn dạy môn Sinh học cấp trung học cơ sở phải làm nhân viên Thư viện là một sự xâm hại trắng trợn đến quyền và lợi ích của nhà giáo.
Cần làm rõ một số khuất tất trong việc buộc thôi việc cô giáo ở Cà Mau |
Chưa kể rằng, dù chưa có quyết định chuyển ngạch (giáo viên xuống nhân viên) nhưng nhà trường đã cắt hoàn toàn tiền đứng lớp, tiền thâm niên nhà giáo của cô Thanh.
Đồng thời, do chưa thỏa thuận ký kết Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn nên hai bên (Hiệu trưởng và cô giáo) chưa có các cam kết để cùng nhau làm đúng những điều khoản theo quy định mà Luật viên chức yêu cầu đó là:
Hiệu trưởng và giáo viên chưa cùng nhau thỏa thuận về: Địa điểm làm việc; Chức danh chuyên môn; Chức vụ (nếu có); Nhiệm vụ phải làm (Nhiệm vụ hợp đồng); Thời giờ làm việc; Những phương tiện làm việc được trang bị (Chế độ làm việc, quyền và nghĩa vụ của viên chức, quyền và nghĩa vụ của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp)…
Với vai trò là công chức quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập nhưng vị Hiệu trưởng này đã vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc pháp luật phải thực hiện như:
Không ký hợp đồng làm việc với viên chức; tùy tiện “phân công” trái vị trí việc làm dẫn đến quyền và lợi ích của viên chức bị xâm hại nên việc kỷ luật cô Thanh bởi các lý do “không chấp hành sự phân công của Hiệu trưởng và nghỉ việc không lý do 36 ngày” là không có căn cứ pháp lý, quyết định kỷ luật nói trên hoàn toàn vô hiệu.
Cho đến nay mặc dù cô giáo Thanh đã trình Quyết định số 481 của Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cái nước về việc điều động viên chức cho Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Tân Hưng Đông nhưng có thể nói rằng, cô giáo Thanh vẫn “chưa được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp tiếp nhận theo quy định”.
Và vì thế, hiệu trưởng sẽ không có quyền đuổi việc giáo viên. Việc ông Hiệu trưởng đang làm chính là sự lạm quyền cần phải được chấm dứt.
Từ sự việc này, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu các cơ quan chức năng cần làm rõ cung cách quản lý tùy hứng của những hiệu trưởng không am hiểu pháp luật nhưng sẵn sàng dùng quyền hành để làm những việc gây tổn hại cho danh dự, uy tín nhà giáo.
Đồng thời nhanh chóng xem xét, xử lý vụ việc một cách đúng pháp luật để trả lại công bằng cho người bị hại, lấy lại lòng tin cho mọi người.