LTS: Đăng kí học nghề nhưng học sinh không có nhiều lựa chọn môn học theo sở thích, sở trường. Không chỉ học nghề lơ mơ, không thể thực hành, đa phần học sinh chỉ nhằm tới mục đích lấy điểm nghề để được cộng điểm khuyến khích.
Đặc biệt, năm 2015, thi tốt nghiệp THPT đổi mới, sức nặng điểm nghề không còn như trước. Với tư cách là một người trong nghề, thầy giáo Nguyễn Văn Lự băn khoăn rằng: Liệu có cần học nghề phổ thông?
Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết.
Mục tiêu của giáo dục hướng nghiệp nghề ở bậc học trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) của Bộ GD&ĐT“nhằm hình thành và hướng nghiệp cho học sinh tri thức cơ bản về nghề nghiệp, kỹ năng sử dụng công cụ và thực hành kỹ thuật để làm ra sản phẩm theo yêu cầu của giáo dục nghề phổ thông”.
Thực tế lại khác, mục tiêu chính của học nghề phổ thông hiện nay là điểm cộng tốt nghiệp và tuyển sinh. Nếu không cần cộng điểm, con bạn có cần học nghề phổ thông nữa?
Có thể mục tiêu bị chệch
Mục tiêu của giáo dục hướng nghiệp nghề phổ thông của Bộ GD&ĐT Việt Nam phù hợp xu thế chung của giáo dục thế giới. Giáo dục nghề phổ thông trang bị các tri thức kỹ năng, căn bản cần thiết giúp học sinh nhận biết và vận dụng trong đời sống.
Học sinh được học 11 nghề nhưng nhiều trường chỉ chọn nghề nào có giáo viên và dễ dạy dễ thi nhất (lâm sinh, điện dân dụng và tin học...).
Hơn nữa, việc học nghề dạy nghề phổ thông chỉ nhằm mục tiêu duy nhất lấy điểm cộng tốt nghiệp và tuyển sinh vào THPT. Khá nhiều bài báo đã bàn luận và chỉ ra những thiếu sót của học và dạy, thi tốt nghiệp nghề phổ thông hiện nay.
Học nghề ở trường phổ thông: Quá hình thức! (Ảnh: dantri.com.vn) |
Chương trình bị dồn cắt, học xen vài buổi chiều theo cách học đọc chép lý thuyết, rất ít thực hành là xong 70 tiết (THCS) hoặc 105 tiết (THPT), đầy đủ hồ sơ, điểm số.
Hai bài lý thuyết và thực hành cũng hết sức "suôn sẻ, nhẹ nhàng" với tài liệu và trợ giúp. Không có ai và cơ quan hay tổ chức nào quan tâm đến tính xác thực hay chất lượng của Giấy chứng nhận tốt nghiệp loại Giỏi, Khá, Trung bình ấy bao giờ.
Có lẽ, để chương trình học nghề không bị phá sản ngay từ khi thai nghén, người ta nghĩ ra kế "treo" vào nó điều kiện đảm bảo học nghề phổ thông sẽ chắc chắn đỗ tốt nghiệp và nhiều cơ hội vào trường THPT.
Nhà trường phổ thông vô tình đã nhắm chệch mục tiêu giáo dục nghề của BộGD&ĐT, chẳng những làm tốn kém kinh tế và thời gian, làm giảm lòng tin của nhân dân và học sinh về mục tiêu của nhà trường mà còn làm khổ bao người ...
Trung bình một tỉnh chi ngân sách cho thi nghề khoảng 2 tỷ đồng (lệ phí thi, tiền giấychứng nhận, tiền vật liệu học sinh nộp; tiền công tác phí...) đổi lấy những "phao cứu sinh" chỉ dùng cho số ít học trò rất cá biệt.
Một số tỉnh thành đã bỏ cộng điểm nghề khi xét tuyển sinh và việc học nghề không còn bắt buộc. Nhiều trường, có uy tín về chất lượng học sinh, không dạy và học nghề được phụ huynh và học trò tán thành.
Nhiều trường chuẩn quốc gia vẫn yêu cầu 100% học sinh lớp 9 và lớp11 học cấp tốc và thi vào tháng 9, hoặc tháng 3, tháng 6 hàng năm.
Vì học chính khóa bắt buộc nên học sinh không phải nộp học phí nhưng một số trường thu học phí học nghề dưới hình thức hỗ trợ cùng lệ phí thi và mua vật tư trên 100 nghìn/em.
Năm 2015, thi tốt nghiệp THPT đổi mới, sức nặng điểm nghề không còn như trước, việc học nghề phổ thông thật sự trở thành gánh nặng tốn kém cho học sinh.
Học sinh thành phố học nghề Lâm sinh nghe thấy nghịch, nhưng nghề trồng trọt và cấy ghép nhiều thế mạnh "ngon, bổ, rẻ".Thật ra, các thầy cô dạy nghề cũng không muốn mà do việc từ trên yêu cầu.
Dù biết quá mệt và thiệt cho trò nhưng có mấy sếp Hiệu trưởng dám nói không với học nghề? Niềm an ủi động viên giữa thầy và trò, giữa nhà trường và phụ huynh nằm vỏn vẹn trong hai chữ "cộng điểm", "bảo hiểm" cho đỗ chắc chắn mà thôi!
Có nên học nghề phổ thông nữa?
Hiện tại, các trường chuyên nghiệp và trung tâm dạy nghề Việt Nam, với điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ và đội ngũ giảng viên cũng không đến nỗi nào, còn đang nguy cơ phá sản.
Trong khi hàng trăm ngàn sinh viên, kỹ sư ra trường đang thất nghiệp; trong khi khoảng cách giữa học ở trường và thực tế còn cách xa nhau cùng với những bất cập tác động tiêu cực của cơ chế chính sách về nhân lực và đào tạo hiện hành chưa được khắc phục, việc học nghề ở phổ thông có thể không còn phù hợp và hấp dẫn, không còn ý nghĩa như khi mới thực hành vào cuối thế kỷ XX .
Nếu bỏ chế độ cộng điểm ưu tiên, số ít học sinh yếu kém sẽ phải nỗ lực để không đúp lưu ban (mà nhờ trợ giúp các em này mới đỗ tốt nghiệp nghề). Bỏ cộng điểm cũng chính là từ bỏ bệnh thành tích, xóa bỏ cách "cưỡi tàu bay xem hoa" của giáo dục nghề phổ thông nước ta.
Tại sao không dạy nghề mà chỉ là “định hướng nghề nghiệp”?(GDVN) - Theo tôi, điểm bất ổn lớn nhất là quan điểm coi chương trình giáo dục phổ thông chỉ có vai trò “định hướng nghề nghiệp”. |
Nếu chúng ta không bắt buộc học nghề, học sinh vẫn được tự nguyện đăng ký theo nhu cầu và sở thích. Bộ GD&ĐT nên khuyến khích các nhà trường mở lớp và dạy nghề theo tinh thần học vì mình, vì cuộc sống và xã hội.
Giáo dục hướng nghiệp dạy nghề là môn học bắt buộc ở trường phổ thông và Bộ GD&ĐT đặt kỳ vọng nó sẽ giúp học sinh làm quen với các nghề phổ thông và rèn luyện trải nghiệm thực tế.
Nhiều ý kiến cho rằng, muốn học nghề phải đến trung tâm - nơi có đội ngũ giáo viên chuyên nghiệp; học đi đôi với hành, với tài liệu và thiết bị khá đầy đủ... Trường phổ thông không không nên làm điều không tưởng khi mình không có những yếu tố cần thiết nhất cho dạy và học nghề.
Nếu chỉ thay đổi cách dạy, đầu tư cơ sở xưởng trường và đội ngũ giáo viên, thay đổi cách học và kiểm tra đánh giá, chương trình học nghề phổ thông hiện nay chắc chắn vẫn không hiệu quả.
Khi Luật Giáo dục nghề nghiệp (có hiệu lực từ tháng 7/2015) vẫn còn bàn cãi, học nghề phổ thông rất cần Bộ GD& ĐT đánh giá lại và thay đổi.
Chúng ta tin rằng, với sự lắng nghe và cầu thị, với tư tưởng đổi mới mạnh mẽ của BộGD&ĐT, học sinh phổ thông không phải bị học nghề thi nghề phổ thông nữa!
Các khóa học ngoại khóa, trải nghiệm thực tế nhà máy, công ty sản xuất, doanh nghiệp hay siêu thị rất tốt để các em tiếp cận các nghề trong cuộc sống.