LTS: Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ chia sẻ những lời gan ruột của mình về sự học thời nay với mong muốn người học thay đổi nhận thức, tư duy về chuyện học hành, lập nghiệp.
Toàn soạn trân trọng giới thiệu bài viết tới độc giả.
Giáo dục luôn là lĩnh vực được cả xã hội quan tâm, đơn giản vì hầu như nhà nào cũng có con đi học và thêm nữa, giáo dục là khởi nguồn cho việc tạo ra một lực lượng lao động cho tương lai - Một yếu tố quyết định đến sự phát triển của một đất nước, một dân tộc.
Tất cả chúng ta đều nhớ lời dạy của Hồ Chủ tịch: Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai các các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu".
Tầm quan trọng của học tập lại càng khiến cho người ta quan tâm lo lắng đến nền giáo dục nước nhà khi hàng loạt các vấn đề có thể coi là “nóng” xảy ra thời gian gần đây trong lĩnh vực này.
Có thể kể ra như chuyện chạy trường chạy lớp, chuyện dạy thêm học thêm, chuyện chương trình cải cách và đỉnh điểm là chuyện gian lận trong thi cử trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia vừa qua khiến cho niềm tin về sự trung thực, công bằng trong một lĩnh vực được coi là cần sự trung thực bị thách thức hơn bao giờ hết.
Có rất nhiều sự chê bai, oán thán, chỉ trích trên cả các phương tiện thông tin chính thức và không chính thức về vấn đề này mà hình như chưa mấy ai thực sự để ý đến những nguyên nhân đích thực của nó mà không phải chỉ là “tội vạ” của ngành giáo dục.
Hãy nghĩ xa hơn nữa về trách nhiệm của nhiều phía, của cả nền giáo dục Việt Nam, thậm chí của cả xã hội Việt Nam mà chúng ta vừa là “tội đồ” vừa là những người gánh chịu hậu quả, dưới một góc nhìn công bằng, thẳng thắn.
Chuyện học của con trẻ: nỗi lo điểm số và thành tích, danh hiệu
Bắt đầu từ chuyện học, hay nói cho bài bản là xác định mục tiêu học tập. Ở đâu cũng vậy, học tập luôn hướng tới sự hiểu biết, có thể là trang bị kiến thức kỹ năng, hay như thời nay gọi là phát triển năng lực, để sau kết quả đó, người học có được một nghề nghiệp, công việc có thể nuôi sống chính bản thân họ cũng như đóng góp cho cộng đồng xã hội mà họ đang sống.
Tiếc thay, không ít gia đình, chính xác hơn là các bậc phụ huynh (muốn con trẻ) quá đề cao thành tích học tập mà chuẩn mực của nó là điểm số, là danh hiệu, khiến cho nó trở thành mục tiêu mà phải đạt đến bằng mọi giá.
Học sinh đang phải chịu nhiều áp lực học hành. (Ảnh minh hoạ trên Báo Giáo dục và Thời đại) |
Ngược lại những người làm giáo dục cũng coi đó như những tiêu chí để tạo ra sự thi đua, thậm chí là trở thành áp lực đối với các thầy cô và nhà trường, dẫn đến hậu quả là, nhiều nơi toàn học sinh giỏi, thậm chí giỏi tuyệt đối - một sự phi lý ai cũng nhìn thấy nhưng khó cưỡng.
Mỗi buổi chiều đón con ở trường, câu hỏi đầu tiên mà con trẻ thường nhận được là: “hôm nay con được mấy điểm? ” thay vì hôm nay “con có vui không, con học được những gì mới nào”?
Vậy là mọi sự vui buồn đều trông chờ vào các điểm số của “cô cho”. Nhiều hệ lụy đến từ tình trạng này mà nguyên nhân đến từ nhiều phía. Chạy chọt cũng từ đó mà ra, dối trá cũng từ đó mà ra. Tất cả đều biết và tệ hơn là dường như tất cả đều chấp nhận.
Giấc mơ đại học và sự tỉnh mộng khi ra trường
Cuối đời học sinh câu hỏi học để làm gì được trả lời đơn giản nhất là học để vào đại học, học để có cái bằng, để bằng chị, bằng em.
Giấc mơ đại học có từ nhiều chục năm nay, nó trở thành mục tiêu phấn đấu quan trọng bậc nhất trong cuộc đời. Nó không chỉ là mơ ước của mỗi cá nhân mà trở thành niềm vinh dự của cả gia đình thậm chí là của cả một dòng họ.
Điều đó có lẽ không sai của mấy chục năm trước khi mà tỷ lệ vào đại học là vô cùng ít ỏi. Thế nhưng cùng với sự phát triển của kinh tế thị trường, số lượng các trường đại học ở nước ta tăng lên với mức độ chóng mặt.
Trong vòng 10 năm từ 2007 đến 2017, từ 139 Trường Đại học, Cao đẳng đã tăng lên con số 235 trường - đây là một sự gia tăng kỷ lục.
Con số 41% học sinh Trung học phổ thông vào đại học, cao đẳng trong năm 2016-2017 thực sự đã thỏa mãn “giấc mơ đại học” của các bậc phụ huynh, nhưng hệ quả của nó là sự đi xuống về chất lượng đào tạo mà không nên mất thời gian nói lại ở đây vì đó là điều ai cũng biết.
Sinh viên ra trường và tình trạng thất nghiệp (Ảnh minh họa trên tienphong.vn). |
Cái danh xưng “sinh viên giỏi” không mấy được tin cậy, lại càng không ai dám khẳng định những sinh viên giỏi ấy sau này sẽ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực mà chính họ đã được đào tạo.
Chỉ xin nhắc lại lời một ai đó đó đã nói rằng chúng ta luôn tự hào có nhiều người học giỏi nhưng không ai dám khẳng định những người “học giỏi” đó sẽ là những người “làm giỏi” sau này. Hầu như tất cả đều phải được đào tạo nghề khi bắt đầu một công việc gì đó, dù là trong hay ngoài khu vực nhà nước.
Và đáng buồn nhất là cả quãng đời học hành đèn sách với những tấm bằng cử nhân, thạc sĩ được coi là danh giá đó lại đứng trước một nguy cơ lớn nhất, đó là thất nghiệp.
Nếu như trước kia, tốt nghiệp đại học là một sự bảo đảm cho một vị trí công việc trong cơ quan nhà nước thì hiện nay điều đó hầu như chẳng có chút ý nghĩa nào.
Bộ máy nhà nước đang trong xu thế sáp nhập tinh giảm sẽ hầu như không có chỗ cho mấy cậu cử, cô cử lơ ngơ vào đời.
Chúng ta hiện có khoảng hơn 20 vạn người có trình độ đại học trở lên không có việc làm và con số đó tăng lên đều đặn hàng năm.
Thậm chí chúng ta đã có cả một đề án hàng chục nghìn tỷ để tìm cách “giải cứu” lực lượng lao động “có bằng cấp” giống như chuyện giải cứu nông sản những năm qua! Đó là một thực tế đáng báo động và giấc mộng “học để làm quan” bỗng tan thành mây khói.
Thay đổi tư duy học tập và hướng tới khu vực tư
Cũng không có gì mới khi nhắc lại một điều đơn giản rằng hãy học để có một cái nghề thay vì để có một tấm bằng.
Với một suy nghĩ như vậy bạn sẽ hướng tới một sự học tập có ý nghĩa, không chỉ học ở trường mà học mọi lúc mọi nơi, học suốt đời, không chỉ học thầy học bạn mà học ở tất cả những ai hơn mình.
Vì thế đại học không phải là con đường duy nhất và lại càng không phải có tấm bằng đại học để tìm mọi cách “vào biên chế” mới là con đường hay nhất.
Định hướng phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực của sự phát triển mở ra cơ hội cho tất cả những ai có nghề và thực sự yêu và muốn sống bằng chính đôi tay, khối óc của mình.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Thanh tra - Thanh tra Chính phủ. ảnh của VOV. |
Cái nhìn không mấy thiện cảm của người đời với những người “làm ngoài” ngày càng trở nên lỗi thời. Không phải cứ giáo sư này, tiến sĩ nọ hay chức vụ này chức vụ kia trong cơ quan nhà nước mới là danh giá.
Tất cả những ai biết lao động, làm ra của cải cho mình, tạo ra công ăn việc làm cho xã hội đều đáng được tôn vinh. Và cũng cần nhắc lại rằng bây giờ không còn là cái thời mà các công chức hư hỏng có thể tung tẩy đục khoét để cố chen chân vào một vị trí gọi là “béo bở” để có thể “ngồi mát ăn bát vàng”.
Cuộc chiến chống tham nhũng đã sang trang, hàng loạt cán bộ, công chức, kể cả những người ở vị trí rất cao cũng không thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm minh của luật pháp.
Vậy nên cái sự học cần lấy nhu cầu của xã hội mà hướng tới. Chắc chắn khi đó sẽ không thiếu lựa chọn cho những người thạo nghề, cho những người muốn khởi nghiệp. Nhận thức là thế nhưng thay đổi được thật khó lắm thay!
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn và cách hành văn của riêng tác giả.