Không giỏi chuyên môn, làm hiệu trưởng, hiệu phó thì...thảm lắm!

16/06/2019 06:34
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Phần lớn hoạt động của nhà trường là chuyên môn, không vững chuyên môn, hiệu trưởng quản lý cũng được, nhưng chất lượng giáo dục không thể đạt yêu cầu.

LTS: Về yêu cầu đối với hiệu trưởng, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng ngoài khả năng quản lý thì hiệu trưởng cần thực sự giỏi về chuyên môn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Hiệu trưởng, thường được bổ nhiệm từ hiệu phó; hy hữu lắm mới có chuyện bổ nhiệm hiệu trưởng từ giáo viên, tổ trưởng, chủ tịch công đoàn v.v…

Cốt lõi để bổ nhiệm hiệu phó chính là chuyên môn giỏi. Cũng có không ít người được “gắn mác” chuyên môn giỏi qua các cuộc thi “giáo viên dạy giỏi” các cấp, thành “giáo viên giỏi”, đảm bảo điều kiện đủ cho bổ nhiệm.

Dù họ có danh hiệu “giáo viên dạy giỏi” cấp huyện, cấp tỉnh, đồng nghiệp cùng trường thừa hiểu “danh hiệu” đó có từ đâu.

Cũng không ít người, chuyên môn “bình thường”, bị “đưa lên” làm quản lý vì “dĩ hòa vi quý”.

Họ điều hành công tác “lối cũ ta về”, được giáo viên đánh giá “dốt, nhưng được cái hiền lành, có tâm”; cái gì ăn được thì ăn; cái gì cúng thì cúng; cái gì chia, phải chia; trên chẳng ghét, dưới cũng ưa; nhìn vào hoạt động của trường, nhiều người bảo “trường này, ai làm hiệu trưởng cũng được”.

Ngoài khả năng quản lý, hiệu trưởng cần giỏi về chuyên môn. Ảnh minh họa là buổi sinh hoạt chuyên đề của Câu lạc bộ hiệu trưởng các trường trung học phổ thông thành phố Hà Nội tổ chức trong năm 2019 đăng trên trang Tdn.edu.vn
Ngoài khả năng quản lý, hiệu trưởng cần giỏi về chuyên môn. Ảnh minh họa là buổi sinh hoạt chuyên đề của Câu lạc bộ hiệu trưởng các trường trung học phổ thông thành phố Hà Nội tổ chức trong năm 2019 đăng trên trang Tdn.edu.vn

Cũng có người, chuyên môn “bình thường”, chạy chọt làm quản lý, nịnh trên, đạp dưới; quản lý bằng “chức danh” của mình.

Những cán bộ quản lý này dùng phương pháp “cả vú lấp miệng em”, lộng quyền, mất dân chủ; lạm thu, bòn rút công quỹ, tư lợi; bòn dưới, cúng trên; thiếu liêm sỉ.

Nếu lấy phiếu tín nhiệm bằng cách bỏ phiếu kín, tỷ lệ cực thấp; chuyển đến đâu, giáo viên kêu khổ tới đó. Dạng này, trên ưa, dưới ghét, hậu quả phụ huynh, học sinh gánh chịu.

Với ngành giáo dục, giấu giỏi rất dễ, giấu dốt khó lắm. Không ít người có mối quan hệ, tiền tệ, hậu duệ được bổ nhiệm làm hiệu phó, bước đệm làm hiệu trưởng sau này; có chút liêm sỉ, đã chạy dài xin từ chức, “bỏ của chạy lấy … danh dự”.

Tâm sự với họ, người viết đã nghe lời chân thành từ đáy lòng “Không giỏi chuyên môn, làm hiệu trưởng, hiệu phó nhục lắm”; đúng là những người có liêm sỉ.

Phần lớn hoạt động của nhà trường là chuyên môn, không vững chuyên môn, quản lý cũng được, nhưng chất lượng giáo dục không thể đạt yêu cầu.

Thực tế, những trường đầu tàu về chất lượng giáo dục, phong trào thi đua; lá cờ đầu của địa phương; hiệu trưởng từng là giáo viên giỏi thật sự.

Những hiệu trưởng chuyên môn giỏi, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; quản lý bằng tầm, tâm.

Hiệu trưởng Lý Thị Mai là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo
Hiệu trưởng Lý Thị Mai là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo

Có giỏi chuyên môn, mới nắm bắt được yêu cầu đổi mới; nắm được được cái mới để chỉ đạo; là tấm gương sáng cho đồng nghiệp noi theo, học tập, phấn đấu.

Hiệu trưởng vừa thực hiện vai trò của một nhà quản lý chuyên môn, thực hiện vai trò của một nhà lãnh đạo.

Chuyên môn không giỏi, khó mà quản lý chuyên môn tốt, vai trò lãnh đạo không thể tốt được.

Để quản lý nhà trường trong điều kiện phát triển xã hội hiện nay, trước hết hiệu trưởng phải là tấm gương sáng về đạo đức, văn hóa nhà giáo; đồng thời cần có chuyên môn tốt để định hướng mục tiêu giáo dục, khát vọng cho giáo viên, nâng cao chất lượng nhà giáo, chất lượng giáo dục.

Người hiệu trưởng cần có tính quyết đoán, độc lập; không lệ thuộc, không thể chờ vào sự hướng dẫn của người khác để do dự, thụ động; phát huy dân chủ trong trường học, tham khảo ý kiến của giáo viên, đưa ra quyết định một cách tự tin.

Cán bộ quản lý nói chung, hiệu trưởng, hiệu phó nói riêng, có bản lĩnh mới đưa ra được quyết định chiến lược, các phương án hoạt động, các mục tiêu dài hạn, ngắn hạn, lãnh đạo nhà trường đi đến thành công.

Trong môi trường sư phạm, đoàn kết, dân chủ hết sức quan trọng. Nó tạo ra bầu không khí vui vẻ, thoải mái, kích thích sự khám phá, sáng tạo trong mọi công tác; tạo ra môi trường thi đua lành mạnh, phát huy được năng lực mỗi người, cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp giáo dục.

Chính vì vậy, người đứng đầu nhà trường phải nêu gương về tinh thần đoàn kết, thân ái, tự học, tự rèn, trau dồi chuyên môn, đạo đức nhà giáo. Hồng và chuyên, hai yếu tố không thể tách rời trong một hiệu trưởng tốt.

Hiệu trưởng tốt, giáo viên hạnh phúc, nhà trường thành ngôi nhà hạnh phúc của học trò.

Sơn Quang Huyến