Không nên cào bằng, áp đặt trong lựa chọn sách giáo khoa

21/04/2020 07:26
Như Hải
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm việc lựa chọn sách giáo khoa bản chất là của giáo viên và các nhà trường, ủy ban nhân dân các tỉnh không làm thay được.

Hãy để thầy cô tự do sáng tạo, đừng áp đặt

Hiện nay, việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 do chính các cơ sở giáo dục quyết định, cho nên đã thu hút hàng nghìn thầy cô tham gia.

Trong lúc học sinh nghỉ phòng dịch Covid -19, các thầy cô khối tiểu học trong cả nước đã tập trung thời gian nghiên cứu cả 5 bộ sách lớp 1 mới để đưa ra các ý kiến đánh giá và chọn lựa.

Đến nay nhiều địa phương đã tổ chức lựa chọn xong, danh sách đã báo cáo lên Sở Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp, gửi các nhà xuất bản in sách.

Tuy nhiên, sự cố gắng đó có thể sẽ trở thành vô nghĩa vì tới đây ngày 1/7 Thông tư 01/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hết hiệu lực và thay vào đó là Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Không nên cào bằng, áp đặt trong lựa chọn sách giáo khoa ảnh 1
Việc chọn lựa sách giáo khoa nên để các nhà trường quyết định (ảnh: nguồn Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).

Theo dự thảo thông tư mới này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra hai nội dung rất mới. Các nhà trường sẽ không còn được quyền lựa chọn sách giáo khoa mà quyền thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Ngoài ra, hiện nay các nhà trường được sử dụng sách giáo khoa riêng thì tới nay trong một tỉnh, ở một khối lớp, một môn học chỉ được chọn một sách giáo khoa (ví dụ, sách giáo khoa môn Toán lớp 1, sẽ chỉ có một sách cho toàn tỉnh).

Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị của một hệ thống giáo dục tư thục nổi tiếng tại Hà Nội không đồng ý với cách làm này và cho biết, dù quyền quyết định chọn sách giáo khoa thuộc về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì trường họ vẫn sử dụng những sách nào hay để dạy.

Ngoài ra, các sách giáo khoa khác sẽ được sử dụng làm tài liệu tham khảo. Thậm chí, mỗi thầy cô có quyền sử dụng bất cứ bài học nào trong các sách giáo khoa mà họ thấy hay để tổ chức dạy học sinh.

Trường sẽ không "đóng đinh" học theo sách cố định mà trao quyền chọn sách nào để thầy cô thỏa sức sáng tạo.

Mỗi tỉnh chỉ được lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học/khối lớp
Mỗi tỉnh chỉ được lựa chọn một đầu sách giáo khoa cho mỗi môn học/khối lớp

Cũng liên quan đến vấn đề này, hiệu trưởng của một Trường Tiểu học tư thục tại Hà Nội cho rằng việc trao quyền cho các nhà trường chọn sách giáo khoa mới là đúng đắn.

Các trường tư thục lại càng phải được tự chủ về chương trình của nhà trường.

Mỗi trường tư thục đều có nét riêng, phân khúc riêng nên không thể dùng chung một sách giáo khoa với các trường công lập.

Ngoài ra, trong một tỉnh, thành phố, điều kiện kinh tế, trường lớp khác nhau, có nội thành, ngoại thành nên không thể  sử dụng chung một sách giáo khoa.

Nguy cơ lãng phí lớn sách giáo khoa

Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội cho rằng, việc lựa chọn sách giáo khoa bản chất là của giáo viên và các nhà trường. Ủy ban nhân dân các tỉnh không làm thay được việc này.

Việc chọn sách giáo khoa phải để cho các trường lựa chọn và tỉnh chỉ là tập hợp và không nên hạn chế, như vậy mới phù hợp.

Còn nếu như dự thảo thì đang trở về theo lối cũ chứ không còn tự do học thuật.

Nếu chọn theo như dự thảo dễ bị tiêu cực do các nhà xuất bản tác động. Phải tôn trọng quyền tự do lựa chọn vì đó là quyền của các nhà trường.

Phải tách chi phí biên soạn nội dung sách giáo khoa với khâu in ấn, phát hành
Phải tách chi phí biên soạn nội dung sách giáo khoa với khâu in ấn, phát hành

Qua trao đổi với các thầy cô có thể thấy dự thảo Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông đang lấy ý kiến có nhiều điểm chưa hợp lý.

Hơn nữa, nếu các nội dung của dự thảo này không thay đổi thì việc lựa chọn sách giáo khoa theo Thông tư 01 đang được thực hiện sẽ trở nên vô nghĩa thậm chí là lãng phí.

Vì sẽ có nhiều nhà trường lựa chọn cũng chỉ để dùng cho năm học 2020 -2021.

Các năm học tiếp theo sẽ không được sử dụng vì buộc phải sử dụng sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

Đồng nghĩa với việc một lượng lớn sách giáo khoa lớp 1 sẽ không được tái sử dụng.

Chưa kể công sức bồi dưỡng giáo viên, hướng dẫn dạy học của các nhà xuất bản, công sức đầu tư sách điện tử, chi phí tiếp thị sách sẽ không còn nhiều giá trị.

Trong khi, quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa là để thu hút sự sáng tạo trong việc biên soạn sách giáo khoa và cả trong tổ chức dạy và học. 

Được biết, Thông tư quy định việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông được xây dựng căn cứ theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và sẽ thay thế Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo dự thảo Thông tư, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành lập, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lựa chọn sách giáo khoa. Mỗi môn học của một cấp học thành lập một Hội đồng.

Thành viên hội đồng lựa chọn sách giáo khoa bao gồm: lãnh đạo, chuyên viên của Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo; cán bộ quản lý và giáo viên đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục phổ thông.

Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổng số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang giảng dạy.

Mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở một khối lớp lựa chọn một đầu sách giáo khoa. Sách giáo khoa  được lựa chọn phải bảo đảm phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương hoặc từng khu vực của địa phương, đồng thời phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo lấy ý kiến rộng rãi đến hết 17/6/2020.

Như Hải