Sách phải phù hợp với đặc thù riêng của Thành phố Hồ Chí Minh
Vừa qua, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minhđã ban hành quyết định về tiêu chí chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố để giáo viên các trường tiểu học tham khảo, lựa chọn 1 trong 5 bộ sách lớp Một.
Theo đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện thực hiện đầy đủ các nội dung được quy định tại Thông tư số 1 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa và triển khai Quyết định này đến các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố làm căn cứ thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa đúng theo quy trình và tiến độ đã quy định.
Cụ thể, việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông phải đáp ứng tiêu chí phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của Thành phố.
Sách giáo khoa không phải mặt hàng muốn bán giá nào cũng được |
Trong đó, nhấn mạnh việc giáo dục chính trị tư tưởng, truyền thống, lí tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh Thành phố, giúp các em thấm nhuần, tự hào với văn hóa, truyền thống năng động, sáng tạo, nghĩa tình của Thành phố Hồ Chí Minh, của Việt Nam và của địa phương nơi học sinh đang sống, trong đó chú ý vai trò, vị trí của Thành phố Hồ Chí Minh đối với cả nước.
Kiến thức trong sách giáo khoa phải hiện đại, hội nhập khu vực và quốc tế, có giá trị liên hệ thực tiễn đến đời sống hằng ngày, môi trường xung quanh học sinh; đảm bảo tính kế thừa, phù hợp với phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa người Việt Nam trên mọi miền đất nước, trong đó chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của địa phương.
Đồng thời phải đáp ứng được định hướng phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố, xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và quốc tế;
Khuyến khích học sinh thực hành nghiên cứu khoa học, phát huy tính tích cực chủ động học tập, hình thành kĩ năng tự học, tự nghiên cứu cho học sinh, giáo dục gợi mở, tạo cơ hội cho học sinh trải nghiệm, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chiếm lĩnh và vận dụng kiến thức vào cuộc sống.
Cùng với đó, sách giáo khoa phải phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông như các yếu tố phục vụ cho giáo dục như cơ sở vật chất, đội ngũ, cán bộ quản lý, giáo viên... phục vụ mục tiêu giáo dục, nhất là trong tổ chức dạy học ngoại ngữ, giáo dục kĩ năng giúp học sinh trở thành người công dân toàn cầu, sẵn sàng cho quá trình hội nhập quốc tế và khu vực của Thành phố.
Phù hợp với điều kiện thiết bị dạy học hiện đại, đáp ứng tốt và phát huy thế mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông cũng như ngoại ngữ trong tổ chức các hoạt động giáo dục.
Đảm bảo tính phân hóa, đa dạng loại hình hoạt động, tạo điều kiện khuyến khích cán bộ quản lý và giáo viên tâm huyết, năng động, sáng tạo được phát huy năng lực, sở trường, tổ chức dạy học theo định hướng phát huy phẩm chất và năng lực của học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng thực hành xã hội.
Đáp ứng tích cực và có tính mở trong đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp giảng dạy - học tập, kiểm tra - đánh giá hướng đến giáo dục thông minh, tiệm cận dần các chuẩn mực quốc tế, xây dựng xã hội học tập. [1]
Bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo” có gì đặc biệt?
Năm 2016, Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn bộ sách giáo khoa.
Trong đó, Sở đóng vai trò hỗ trợ, định hướng chuyên môn, mời và tập hợp các thành viên hội đồng biên soạn, còn Nhà xuất bản thực hiện các công đoạn như biên tập, trình Bộ thẩm định…
Bộ sách giáo khoa “Chân trời sáng tạo”. (Ảnh: Hanoimoi.com.vn) |
Theo lãnh đạo Sở, bộ sách giáo khoa của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ bảo đảm các quy chuẩn kiến thức, kỹ năng, bám sát khung chương trình chung của Bộ.
Bên cạnh đó, sẽ tinh giản về mặt kiến thức nhưng hiện đại và có tính ứng dụng cao, khắc phục các nhược điểm của những bộ sách hiện hành như kiến thức nặng tính hàn lâm, xa rời thực tiễn.
Cùng với đó, hình thức thể hiện cũng sẽ được chú trọng, xây dựng và thiết kế sinh động.
Tinh thần của bộ sách sẽ là chú trọng để người học hiểu và làm, không đặt nặng việc học thuộc lý thuyết; chú trọng rèn luyện khả năng tự học và vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề của cuộc sống; kết hợp giữa dạy chữ và dạy người...
Ngoài ra, hội đồng biên soạn sẽ đưa vào những nội dung sát với đặc thù riêng của Thành phố Hồ Chí Minh về lịch sử, địa lý, văn hóa, con người, kinh tế...
Đồng thời, tích hợp các chủ đề gắn với thực tiễn cuộc sống của thành phố cùng các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
Cấu trúc của bộ sách sẽ khác hoàn toàn với cấu trúc truyền thống, nội dung trong sách sắp xếp thành từng chủ đề, chủ điểm chứ không quy định cụ thể theo từng tiết.
Điều đó giúp giáo viên chủ động trong việc tổ chức nội dung giảng dạy để phù hợp với thực tiễn lớp học, thực tiễn về phát triển công nghệ thông tin, khả năng tiếp cận kiến thức của học sinh. [2]
Đội ngũ tác giả ở Thành phố Hồ Chí Minh đã biên soạn xong bộ sách “Chân trời sáng tạo” - một trong năm bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt.
Việc lựa chọn sách theo đặc thù địa phương liệu có khách quan?
Ngày 30/1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành thông tư số 01/2020/TT-BGDDT hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Bộ có hai tiêu chí chung cho chọn sách ghi tại Điều 3 của Thông tư: phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông.
Ngoài hai tiêu chí của Bộ, mỗi địa phương cần có tiêu chí chọn sách giáo khoa do Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.
Như thế, việc Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minhban hành quyết định về tiêu chí chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố là đúng quy định.
Sách giáo khoa mới, vẫn nguyên nguy cơ bia ít, lạc nhiều! |
Tuy nhiên, Thành phố Hồ Chí Minh biên soạn sách giáo khoa phù hợp với những đặc thù chung của thành phố (chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của địa phương) thì cơ sở giáo dục nào dám lựa chọn những bộ sách khác?
Theo Báo Người lao động, ngay sau khi tiêu chí lựa chọn sách được ban hành và triển khai xuống các trường tiểu học, nhiều quan điểm chọn sách trước đây không còn phù hợp.
Theo hiệu trưởng các trường tiểu học, ngoài đáp ứng các nội dung về kiến thức chung, tiêu chí phù hợp với đặc thù riêng của Thành phố Hồ Chí Minh cần được giáo viên tính đến.
Báo Người lao động dẫn lời ông Trần Trọng Khiêm, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo phụ trách tiểu học quận Tân Phú cho biết, trước đây khi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định và phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa lớp Một mới và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh triển khai xuống các trường, giáo viên sau khi tham khảo từng bộ sách có đưa ra những ý kiến ban đầu.
“Tuy nhiên, khi có quyết định về tiêu chí lựa chọn sách của Ủy ban Nhân dân Thành phố thì quy trình tham khảo, lựa chọn, lấy ý kiến phải tổ chức lại.
Lý do vì trước đây giáo viên chủ yếu chọn sách theo kinh nghiệm giảng dạy, có giáo viên lại chọn theo tiêu chí bộ sách nào rẻ nhất, đẹp nhất...
Phòng Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các thầy, cô không nên chọn vậy mà phải đối chiếu với tiêu chuẩn của Thành phố”, ông Khiêm nói với Báo Người lao động. [3]
Như thế để thấy rằng, quy trình lựa chọn sách giáo khoa lớp Một ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được tổ chức lại dựa vào tiêu chí của Ủy ban Nhân dân Thành phố vừa ban hành, thì gần như có thể khẳng định, bộ sách “Chân trời sáng tạo” của Thành phố (Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) xác suất chiếm được phần thắng là rất cao.
Và cũng chỉ cần một cụm từ “chú trọng đến phong tục, tập quán, lối sống, văn hóa của địa phương - Thành phố Hồ Chí Minh”, là tiêu chí bắt buộc khi chọn sách, thì khẳng định như trên là hoàn toàn có cơ sở.
Băn khoăn về việc lựa chọn sách giáo khoa lớp Một sao cho phù hợp với tình hình dạy học hiện nay, chúng tôi đem điều này trao đổi với Tiến sĩ N.V.B., là tác giả biên soạn sách (phần tiếng Việt) trước đổi mới năm 2000 thì thầy nêu quan điểm:
“Theo tôi, nên sử dụng sách giáo khoa lớp Một hiện hành (sách tiếng Việt) là tốt nhất, những bộ môn khác, tôi không có ý kiến.
Chỉ cần in chữ to hơn, màu đẹp hơn thì cuốn sách này có thể sử dụng tốt trên toàn quốc mà không cần phải thay đổi gì”.
Trước đó dư luận từng xôn xao trước thông tin từ năm 2015 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chi hơn 2 tỷ đồng cho Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới (khu vực phía Nam) gồm các lãnh đạo và chuyên viên cấp phòng thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ sách do Ban chỉ đạo tổ chức biên soạn sách giáo khoa mới (khu vực phía Nam) biên soạn có tên “Chân trời sáng tạo” là một trong năm bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, phê duyệt.
Tài liệu tham khảo:
[1] //www.thanhuytphcm.vn/tin-tuc/so-gd-dt-tphcm-ban-hanh-quy-dinh-tieu-chi-lua-chon-sach-giao-khoa-1491863571
[2] //infonet.vietnamnet.vn/sach-giao-khoa-cua-tphcm-se-duoc-bien-soan-nhu-the-nao-post276398.info
[3] //nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/bat-dau-chon-sach-giao-khoa-cho-tp-hcm-chu-y-tinh-dac-thu-dia-phuong-20200329224700668.htm
[4] //vtc.vn/tin-tuc-su-kien/chon-sach-giao-khoa-moi-o-tphcm-dua-tren-tieu-chi-nao-ar536169.html