Thiếu quy định cụ thể về trường quốc tế
Đó là khẳng định của Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng liên quan đến một số thông tin về cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng bị phụ huynh khởi kiện ra tòa. Ảnh: AN |
Sở Giáo dục cho hay, theo quy định của Luật Giáo dục 2005 (đang có hiệu lực), Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 01/7/2020) và các Nghị định hướng dẫn khác của Chính phủ thì không có quy định riêng nào về loại hình "trường quốc tế".
Hiện nay, trường quốc tế là cách hiểu của dư luận về cơ sở giáo dục được thành lập mà có những yếu tố nước ngoài như:
Chương trình giảng dạy nước ngoài đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt; đối tượng học là người nước ngoài, các gói dịch vụ trường cung cấp theo chuẩn nước ngoài...
Thông thường, các đơn vị này cũng thường gắn thêm cụm từ quốc tế để khẳng định sự khác biệt nhằm thu hút người học.
Phụ huynh gửi đơn tố giác trường quốc tế trốn thuế |
Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng không có trường quốc tế, chỉ có 3 trường có vốn đầu tư nước ngoài và trong tên gọi có cụm từ quốc tế theo giấy phép đăng ký, bao gồm:
Trường mầm non quốc tế Little giants; Trường liên cấp quốc tế Singapore tại Đà Nẵng; Trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Quốc tế Hoa Kỳ APU – Đà Nẵng.
Ngoài ra, còn có một trường tư thục trong tên gọi cũng có cụm từ quốc tế là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở quốc tế Việt Nam – Singapore.
Các trường này đều có vốn đầu tư từ nước ngoài, có sử dụng chương trình đào tạo của nước ngoài và học sinh đến từ các quốc gia khác.
Sở Giáo dục Đà Nẵng cho rằng, vì luật chưa quy định loại hình trường quốc tế nên có thể gọi các trường này là các trường có yếu tố nước ngoài.
Bên cạnh đó, cũng có một số trường có sử dụng chương trình đào tạo nước ngoài, có học sinh nước ngoài đến học nhưng không có chữ quốc tế trong tên gọi khi đăng ký kinh doanh.
Đối với trường hợp Trường St.Nicolas (trụ sở số 458 Nguyễn Hữu Thọ, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng), theo quyết định thành lập thì tên gọi của trường là: “Trường mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông St.Nicholas” không có chữ “quốc tế”.
Nên nếu trường St.Nicholas cũng như các trường khác tự gắn thêm cụm từ “quốc tế” trong các giao dịch (nếu có) là không đúng với quy định.
Khó quản lý các trường có yếu tố nước ngoài
Sở Giáo dục Đà Nẵng thông tin thêm, việc quản lý các trường có yếu tố nước ngoài (không gọi là trường quốc tế) được Ủy ban nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân các quận, huyện phân cấp quản lý như các trường ở các loại hình khác.
Người Việt mở trường quốc tế cho trò Việt, tại sao không? |
Tuy nhiên, việc quản lý các trường này cũng có những khó khăn nhất định do các nhà đầu tư cung cấp không đầy đủ các thông tin về các hoạt động giáo dục của trường trong các báo cáo định kỳ cũng như đột xuất;
Công tác sinh hoạt chuyên môn theo cấp học đối với đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên các trường này cũng gặp khó khăn nhất là đối với các trường giảng dạy chương trình nước ngoài.
Trước đó, tại Đà Nẵng cũng đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập liên quan đến một số trường gắn mác quốc tế.
Cụ thể là trường hợp Trường quốc tế Singapore tại Đà Nẵng (do công ty cổ phần Kinderworld chi nhánh Đà Nẵng làm chủ đầu tư) đã bị phụ huynh khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn vì đặt ra những khoản thu vô lý, trái luật.
Phụ huynh học sinh trường này cũng có đơn tố giác trường có hành vi trốn thuế do không xuất hóa đơn đối với các khoản thu theo luật định.
Còn tại Trường St.Nicholas, trường này cũng tự gắn mác quốc tế và tiến hành tuyển sinh, dạy học từ năm học 2018-2019.
Tuy nhiên, mới đây, qua quá trình kiểm tra, đã phát hiện một số thiếu sót của cơ quan tham mưu cấp phép thành lập (Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cẩm Lệ và Sở Giáo dục và Đào tạo) cũng như các nội dung chưa đầy đủ theo quy định về phía Trường St.Nicholas trong việc đảm bảo các điều kiện để tổ chức hoạt động giáo dục.
Ngoài ra, việc hình thành trường Trường St.Nicholas là không đúng quy hoạch, quy chuẩn xây dựng và giấy phép xây dựng được cấp.