Không thể bổ nhiệm nhân viên nhà trường làm hiệu trưởng được

22/04/2020 06:17
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Chuyện chuyển ngạch của nhân viên sang ngạch viên chức như giáo viên và trở thành lãnh đạo nhà trường có lẽ không phù hợp và chắc chắn điều này khó xảy ra.

Những ngày qua, trên Giáo dục Việt Nam đã có một loạt bài viết phản ánh về đội ngũ nhân viên trường học của tác giả Bùi Nam và nhận được sự quan tâm, đồng tình của bạn đọc- đặc biệt là đội ngũ nhân viên của các nhà trường.

Bởi, họ cũng là những người cùng công tác trong một đơn vị với đội ngũ nhà giáo nhưng chính sách tiền lương, chế độ làm việc lại hoàn toàn khác nhau.

Điều đặc biệt là ngày 21/4/2020, tác giả Bùi Nam lại tiếp tục có bài viết: Tại sao lại không thể bổ nhiệm nhân viên trường học làm hiệu trưởng? đã tạo ra một góc nhìn mới đáng suy ngẫm nhưng có lẽ đề xuất này không phù hợp với môi trường rất đặc thù - đó là trường học hiện nay.

Nhân viên nhà trường hiện đang xếp ngạch khác với giáo viên (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Nhân viên nhà trường hiện đang xếp ngạch khác với giáo viên

 (Ảnh minh họa: baochinhphu.vn)

Khi đọc những bài viết đề cập về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhân viên trường học, chúng tôi cũng đồng cảm sâu sắc với tác giả Bùi Nam và hàng trăm phản hồi của bạn đọc sau mỗi bài viết. Vì thế, những vấn đề này chúng tôi không bàn luận thêm nữa.

Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là tác giả Bùi Nam đề xuất để những nhân viên trường học có thể đảm nhận các công việc quản lý nhà trường. Liệu đề xuất này có phù hợp với tình hình thực tế hiện nay hay không?

Chúng tôi cho rằng đây là một đề xuất táo bạo nhưng chưa phù hợp với những quy định hiện hành, cũng như đề xuất này khó phù hợp với môi trường giáo dục Việt Nam hiện nay bởi các lý do sau.

Thứ nhất: trường học lấy hoạt động giáo dục làm trọng tâm, nơi đây chủ yếu có 2 hoạt động chính là giảng dạy của giáo viên và học tập của học trò. Hơn nữa, trường học cũng là nơi phải quản lý số lượng con người thường rất nhiều. Trường ít thì cũng có hàng trăm giáo viên, học sinh. Trường nhiều có thể lên đến vài ngàn con người.

Người quản lý giáo dục được đào tạo trong trường sư phạm không chỉ có chuyên môn về giáo dục mà họ được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm, về tâm lý lứa tuổi để điều hành, ứng xử, giải quyết những phát sinh trong trường học một cách nhân văn nhất.

Những nhân viên trong trường học cho dù họ rất giỏi nhưng vì chỉ được đào tạo một chuyên ngành hẹp, dù làm việc trong môi trường giáo dục nhưng họ không có nghiệp vụ sư phạm, không có chuyên môn về chuyên ngành sư phạm nên rất khó để quản lý một đơn vị giáo dục.

Không thể bổ nhiệm nhân viên nhà trường làm hiệu trưởng được ảnh 2Tại sao lại không thể bổ nhiệm nhân viên trường học làm hiệu trưởng?

Vì thế, chúng ta thấy những người xuất phát được đào tạo từ trường sư phạm có thể làm quản lý ở các ngành nghề khác nhưng đối với những người ở ngành nghề khác lại rất hiếm đảm nhận việc quản lý giáo dục.

Thứ hai: các văn bản hướng dẫn về quy trình bổ nhiệm, tiêu chuẩn để trở thành một lãnh đạo, quản lý nhà trường hiện nay có rất nhiều nhưng tuyệt đối không có văn bản nào hướng dẫn, quy định nhân viên trường học có thể cơ cấu vào các vị trí lãnh đạo của nhà trường.

Chẳng hạn, tại điều 18 của Điều lệ Trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông và Trường phổ thổng thông có nhiều cấp học, ban hành kèm theo Thông tư số12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3 /2011 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã quy định Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phải có các tiêu chuẩn sau:

a) Về trình độ đào tạo và thời gian công tác: phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo theo quy định của Luật Giáo dục đối với cấp học, đạt trình độ chuẩn được đào tạo ở cấp học cao nhất đối với trường phổ thông có nhiều cấp học và đã dạy học ít nhất 5 năm (hoặc 4 năm đối với miền núi, hải đảo, vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn) ở cấp học đó.

b) Hiệu trưởng phải đạt tiêu chuẩn quy định tại Chuẩn hiệu trưởng trường Trung học cơ sở, trường Trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Phó Hiệu trưởng phải đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp giáo viên cấp học tương ứng và đủ năng lực đảm nhiệm các nhiệm vụ do Hiệu trưởng phân công.

Như vậy, để trở thành một nhà quản lý giáo dục thì trước hết người đó phải là một nhà giáo trước đã. Họ phải đạt chuẩn trình độ đào tạo và như quy định hiện nay thì giáo viên cấp Mầm non là cao đẳng sư phạm và từ Tiểu học trở lên thì giáo viên phải có chuẩn đại học sư phạm hoặc tương đương.

Không thể bổ nhiệm nhân viên nhà trường làm hiệu trưởng được ảnh 3Kiến nghị xếp ngạch viên chức đối với các nhân viên trường học

Ngoài ra, những người khi được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng nhà trường còn phải qua lớp bồi dưỡng quản lý giáo dục và phải có trình độ chính trị nhất định (hiện nay là trung cấp chính trị).

Thứ ba: việc cơ cấu, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý nhà trường là nhà giáo sẽ dễ dàng trong việc phát triển giáo dục của nhà trường. Dù họ chỉ được đào tạo 1-2 chuyên ngành nhưng dù sao thì các ngành học cũng ríc rắc với nhau. Việc đưa ra các kế hoạch để phát triển nhà trường, chỉ đạo chuyên môn, dự giờ đồng nghiệp... sẽ thuận lợi.

Chẳng lẽ nhân viên nhà trường làm lãnh đạo mà lại không đi dự giờ- mà đi dự giờ thì biết gì về chuyên môn mà góp ý và khi họ chỉ đạo về chuyên môn thì giáo viên họ cũng không nghe.

Thứ tư: ngạch nhân viên nhà trường khác với ngạch giáo viên. Về trình độ của nhân viên hiện nay ở các trường phổ thông chỉ quy định từ trung cấp và rất ít người hiện đang là nhân viên ở các trường phổ thông có trình độ đại học, nhất là từ cấp Trung học cơ sở trở xuống- đó là một thực tế.

Vậy nên, cho dù cơ chế cho bổ nhiệm hiệu trưởng thì có lẽ nhân viên nhà trường cũng không dám cáng đáng công việc này.

Từ những lý do như đã nêu ở trên, chúng tôi cho rằng đội ngũ nhân viên trường học vẫn ở ngạch như hiện nay là hợp lý. Nếu được, các cơ quan chức năng có thể quan tâm đến chế độ tiền lương, phụ cấp để họ có thể có thêm thu nhập hàng tháng nhằm giúp họ yên tâm công tác.

Còn chuyện chuyển ngạch của nhân viên sang ngạch viên chức như giáo viên và trở thành lãnh đạo nhà trường có lẽ không phù hợp và chắc chắn điều này khó xảy ra trong bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tai-sao-lai-khong-the-bo-nhiem-nhan-vien-truong-hoc-lam-hieu-truong-post208759.gd

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Thong-tu-12-2011-TT-BGDDT-Dieu-le-truong-trung-hoc-co-so-pho-thong-va-truong-120867.aspx

//thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Luat-giao-duc-2019-367665.aspx

KIM OANH