“Lúc được phân công làm giáo viên chủ nhiệm tôi thấy rất hào hứng, rất là vui và rõ ràng mình được sự tin tưởng của ban giám hiệu, ngày tôi đón các em học sinh lớp 10 khóa đầu tiên với tâm trạng rất hồ hởi.
Tôi cũng luôn giới thiệu cô là như thế này, cô được phân công làm công tác chủ nhiệm của lớp mình và ngày hôm nay cô mong muốn được làm quen với các em.
Bây giờ nhớ lại thì cách xử lý các tình huống hồi đó tôi làm chưa được tốt như bây giờ, nên tôi không tránh khỏi những thiếu sót, có những chuyện tôi ân hận mãi đến tận bây giờ”, cô Nhiếp, kể lại.
Nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội: Thực sự nếu lúc đó tôi có kinh nghiệm thì tôi không bao giờ để em học sinh đó phải chuyển trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp - Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Yên Hòa, Hà Nội, chia sẻ: “ Lúc đó, đối với những khuyết điểm của học sinh luôn làm tôi lo lắng, dẫn đến có những việc cũng nóng vội, nên giờ nghĩ lại tôi thấy rất xấu hổ.
Buổi tối tôi rất hay gọi điện cho phụ huynh học sinh để báo cáo những việc các em vi phạm trên lớp, có em vi phạm nội quy, đi học muộn, quên làm bài tập, mất trật tự trong giờ học…
Tất cả những việc đó tôi đều gọi để báo với phụ huynh, bây giờ tôi nghĩ tại sao những việc bình thường như vậy mà mình lại cứ làm phiền phụ huynh các em làm gì.
Tôi nhớ mãi có một em học sinh ở lớp tôi phải ra hội đồng kỷ luật của trường, và rồi buộc phải chuyển trường. Thực ra em học sinh đó vi phạm những lỗi hay trêu các thầy cô, các bạn, nhưng em chỉ láu táu thế thôi chứ không có ý hỗn láo.
Sau đó một thời gian tôi có gặp lại em học sinh đó trong ngày kỷ niệm thành lập trường, tôi nói cô rất là xin lỗi con bởi vì ngày đó cô chưa có kinh nghiệm nên cô mới làm như vậy.
Em ôm trầm lấy tôi và nói: “ Cô ơi, em cũng phải xin lỗi và rất cảm ơn cô, vì cũng nhờ có cô mà bây giờ em mới trưởng thành thế này”.
Thực sự nếu lúc đó tôi có kinh nghiệm thì tôi không bao giờ để em học sinh đó phải chuyển trường, bây giờ có những việc lớn hơn nhiều tôi vẫn xử lý được. Đó là cái thiếu và yếu của giáo viên trẻ vừa ra trường.
Những ngày đầu năm học, trong buổi họp thì các bác phụ huynh nhìn tôi rồi nói “cô giáo gì mà trẻ thế kia”, nhưng tôi thể hiện rất rõ rằng tôi là một giáo viên chủ nhiệm, tôi rất tôn trọng phụ huynh và yêu quý các em học sinh.
Tôi rất ý thức trong công việc hàng ngày, lên lớp tôi thường mặc áo dài, nhưng cũng phải nói thật là phụ huynh học sinh cũng rất bao dung khi thấy tôi còn trẻ, có bác góp ý với tôi như kiểu hai chị em, và tôi luôn tiếp thu để hoàn thiện mình trong công tác chủ nhiệm.
Là giáo viên dạy môn sinh học, mỗi bài giảng trên lớp thì với tất cả niềm đam mê tôi luôn tìm hiểu qua sách báo, tài liệu…tất cả những gì liên quan đến môn của tôi là tôi đều ghi chép lại, cập nhật liên tục mọi thông tin.
Tôi vào bài giảng với một thông tin mới cập nhật để làm sao cho học sinh cảm thấy tự nhiên, phần kiến thức như gắn với cuộc sống hàng ngày.
Hồi đó tôi cũng được đi tập huấn một khóa của Tập đoàn Microsoft, đây là tập huấn cho giáo viên về đổi mới phương pháp, và tôi thực sự ấn tượng với cách mà thầy giáo người nước ngoài đó dạy chúng tôi.
Sau đợt tập huấn đó về, tôi áp dụng được rất nhiều trong những giờ giảng của mình. Tôi luôn để ý học hỏi, mong muốn tìm ra một cái gì đó giúp cho học sinh thích thú trong việc thu nạp kiến thức mới.
Nhiều đồng nghiệp lúc đó có nói với tôi rằng lớp của tôi cứ như lớp chuyên Sinh học, các em hào hứng, thích thú và đạt kết quả rất cao, giờ học của tôi rất vui”.
Nghiêm túc trong họp tập, tôn trọng quan điểm cá nhân, khuyến khích phát biểu, trao đổi, phát huy thế mạnh của từng học sinh, và tôi tuyệt đối không áp đặt với bất cứ thành viên nào trong lớp. Ảnh: Tùng Dương. |
Đã học là phải nghiêm túc
“Đó cũng là quan điểm của tôi đối với học sinh, nghiêm túc trong họp tập, tôn trọng quan điểm cá nhân, khuyến khích phát biểu, trao đổi, phát huy thế mạnh của từng học sinh, và tôi tuyệt đối không áp đặt với bất cứ thành viên nào trong lớp.
Nhiều thầy cô dạy cạnh lớp tôi cũng có phần khó chịu bởi không khí học lúc nào cũng sôi nổi phát biểu, khi đưa ra được những ý kiến đúng thì các em vui thích vỗ tay hò reo vui sướng, giờ học thoải mái cởi mở như vậy nhưng đã thi là phải nghiêm túc.
Tôi nhớ có lần được giao chủ nhiệm tiếp một lớp toàn những học sinh cá tính, lúc đó các em vào đầu năm lớp 11. Giờ nghĩ lại mới thấy các em học sinh lớp đó nghịch thật, nhưng không phải là các em hư, các em quá nhiều cá tính mạnh, quá nhiều đặc điểm khác nhau bởi tác động từ gia đình, xã hội và môi trường nơi các em đang sinh sống.
Tôi nói với học sinh: Các em không kém, các em phải cùng cô khẳng định mình, không bao giờ để các thầy cô và các bạn trong trường nghĩ lớp mình là kém, lớp cá biệt và cô nghĩ các em làm được.
Tôi gần gũi tìm hiểu hoàn cảnh từng em, đưa ra hướng tháo gỡ những khúc mắc nhiều khi là rất nhỏ, kèm cặp một số em học yếu, phân nhóm nhỏ để các bạn khá kèm cặp bạn chậm hơn. Lúc này tôi đã có nhiều kinh nghiệm hơn so với những năm đầu làm chủ nhiệm, đó cũng là một lợi thế.
Sau học kỳ 1 thì hầu như lớp 11 A6 đó đã lấy lại được mặt bằng chung về học lực, cũng như các phong trào của trường đề ra và bản thân lớp cũng có nhiều hoạt động để cô và trò cùng vui.
Tôi nhớ hồi đó nhà trường cấm học sinh không được vẽ trang trí bất cứ thứ gì lên tường trong lớp, nhưng ngày mùng 8/3 năm đó tôi hướng dẫn các học sinh nam trong lớp phải làm thế nào để thật vui và thật ấn tượng, bất ngờ với các bạn nữ trong lớp.
Sáng hôm sau đến lớp tôi thật sự ngỡ ngàng với những hình hoa, hình trang trí đầy mầu sắc trên tường quanh lớp, các em còn phun nhũ mầu thành những hình vui nhộn.
Kết quả là tôi bị ban giám hiệu nhắc nhở rằng tại sao lại cho học sinh vẽ lên tường như vậy? Nhưng tôi cũng trình bày để ban giám hiệu hiểu, và cam kết sau ngày đó sẽ hoàn trả lại nguyên hiện trạng lớp học như ban đầu. Kết quả là tôi bị khiển trách nhưng cái được lớn nhất là các em được vui chơi hết mình và thỏa sức sáng tạo.
Lớp học sinh đó cứ thứ chiều 7 hoặc chủ nhật là các em lại kéo đến nhà tôi, mà có cái gì đâu, tôi chuẩn bị 50 bộ bát đũa để cho các em khi đi đá bóng về là nấu mỳ gạo để ăn, có mỳ không nấu với rau muống thôi mà cô trò đều vui vẻ. Thật là những kỷ niệm đáng nhớ, anh ạ”, cô Nhiếp cho biết.
Là Hiệu trưởng nhưng nhà giáo Nguyễn Thị Nhiếp luôn có mặt trong mọi hoạt động của học sinh toàn trường. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Nhiều đồng nghiệp lúc đó có nói với tôi rằng lớp của tôi cứ như lớp chuyên Sinh học, các em hào hứng, thích thú và đạt kết quả rất cao. Ảnh: Nhân vật cung cấp. |
Luôn rút kinh nghiệm cho những khóa học sinh mới
“Công việc giảng dạy của tôi cứ cuốn đi theo thời gian, nhưng bản thân tôi đều rút ra những kinh nghiệm đáng quý để chào đón lớp học sinh mới.
Có những điều thực sự mình tưởng là đang làm rất tốt cho học sinh, nhưng sau một thời gian ngắn nhìn lại, tự tôi lại nhận thấy là chưa phù hợp.
Ví dụ như học sinh vi phạm là phải thông báo ngay cho gia đình, nhưng sau đó tôi phát hiện ra là tôi với em học sinh đó hoàn toàn “bí mật” có thể giải quyết được, không phải thông báo.
Như vậy không phải là tôi bao che cho học sinh, nhưng mỗi em đều có một tính cách khác nhau và đều có lòng tự trọng, mình chỉ ra cho em đó thấy được cái sai, cùng với phương pháp nhẹ nhàng uốn nắn thì tôi tin rằng các em đều tiến bộ, và sự thực đúng như vậy.
Làm giáo viên chủ nhiệm, tôi cam kết không một em nào bị “bỏ quên” trong lớp |
Tôi nghĩ mọi việc đều có cách giải quyết, không phải mình cứ căng lên là tốt, nhiều khi căng lên lại phản tác dụng, nhất là với học sinh đang ở độ tuổi “ẩm ương” mới lớn, thích thể hiện cái tôi của mình.
Những em nào có vẻ tính tình ương bướng thì lại là những em có nhiều góc khuất, là giáo viên chủ nhiệm nên tôi thường tìm hiểu những góc khuất của mỗi em để kịp thời đánh thức, tác động bản năng con người đó, nhờ đó mà các em đã có những biểu hiện tích cực hơn trong học tập cũng như trong giao tiếp với các bạn hàng ngày.
Khi mình sống cùng và làm bạn với các em, mình sẽ hiểu học sinh hơn, tình cảm giữa cô và trò càng gắn kết bao nhiêu thì các em cũng thấy thoải mái, và điều đó giúp các em sớm hoàn thiện tính cách cũng như có những việc làm hướng thiện.
Tôi nhớ có hôm cả trường đang chào cờ, thì có một em học sinh có tính cách đặc biệt rất hay chạy lên tranh luận với bạn MC, chương trình thì đang diễn ra, thấy thế tôi lên ôm con xuống và nhẹ nhàng nói: Bây giờ con phải đi xuống đã, muốn nói gì thì cuối buổi hãy nói.
Em học sinh đó nói rằng tại sao phải cuối buổi mới được góp ý hả cô? Tôi nói rằng con muốn góp ý gì thì nói với cô, bây giờ mà con lên thì chương trình lỡ dở, và con lại thành người vô duyên.
Ô như vậy là thành người vô duyên hả cô? Em đó hỏi. Tôi nói đúng vậy con ạ, và cô muốn con không trở thành người vô duyên như thế, em đó nghe ra và rất ý thức từ lần sau không bao giờ có chuyện đó nữa”, cô Nhiếp, nói.