Làm một giáo viên chủ nhiệm tốt, thầy cô cần trang bị cho mình những gì? Phải chăng thầy cô nào cũng có thể làm công tác chủ nhiệm? Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:
“Ở một số trường phổ thông hiện nay, kể cả trong và ngoài công lập vẫn có tình trạng giáo viên trẻ vừa ra trường đã được giao làm chủ nhiệm lớp 10 và cao hơn, điều đó là hoàn toàn sai lầm, không tốt cho chính bản thân giáo viên đó và học sinh.
Giáo viên vừa ra trường là 23 tuổi, độ tuổi học sinh lớp 10 là 15 tuổi, thì thử hỏi tầm suy nghĩ của giáo viên chủ nhiệm đó có phải là bậc thầy hay không?
Thầy cô phải thay đổi để không phải là thợ dạy đơn thuần |
Giáo viên chủ nhiệm là bậc thầy của học sinh, nhưng thầy vừa ở trường Sư phạm ra thì cũng không hơn gì học sinh của mình, học sinh mắc lỗi thì thầy giáo cãi nhau tay đôi không khác gì một bà mẹ lắm điều.
Cái tôi lớn, giáo viên ra sức bảo vệ và cho đó là danh dự, là uy quyền của mình thì đó là những giáo viên không có tầm, cái chênh nhau ở độ tuổi là chỗ đó.
Chính vì vậy bản thân thầy cũng không dạy được học sinh của lớp mình làm chủ nhiệm, không dạy được thì học sinh không phục, dẫn đến các em chán nản, không có hứng thú học tập.
Thậm chí một trường trung học phổ thông ngoài công lập có tiếng ở Hà Nội, sau năm học lớp 10 thì kết quả học tập của cả lớp đi xuống và gần hết năm lớp 11 thì còn kém hơn, mặc dù trong suốt cả 9 năm trước lớp đó các em đều có học lực giỏi, hệ quả này là do Ban giám hiệu nhà trường đã đưa giáo viên trẻ vừa ra trường để làm chủ nhiệm mà không hề qua bồi dưỡng và đào tạo thực tế.
Tuổi đời của giáo viên đó quá trẻ và kinh nghiệm chưa có, thậm chí có giáo viên hơn học sinh tới 15 tuổi nhưng cũng không khác gì trẻ con, điều đó là sự thật.
Xuất phát từ việc không có thực tế và chưa nhận thức được mình là giáo viên, là người đào tạo giáo dục chứ không phải là thợ dạy sách giáo khoa, phải hiểu được học sinh của mình là ai và trách nhiệm của mình là gì? Nếu biết được những điều đó thì mới là giáo viên có tầm, mới xứng đáng làm giáo viên chủ nhiệm.
Để mà nói thế nào là tiêu chuẩn một giáo viên chủ nhiệm thì không có gì khác như tối thiểu phải có bằng cấp đại học, rồi từ đại học trở lên…theo tôi đó là mang tính chất công thức, coi bằng cấp là một tiêu chuẩn.
Tất cả những cái đó thực sự chưa đủ, quan niệm của tôi về chuẩn một giáo viên chủ nhiệm có thể hơi cao một chút nhưng đó mới là thực chất mà xã hội cũng như nền Giáo dục của ta đang hướng tới.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa: Nếu giáo viên chỉ là người dạy kiến thức thôi thì đó là những người thợ dạy. Ảnh: Tùng Dương |
Giáo viên chủ nhiệm là ai?
Các ngành khoa học khác có thể làm việc với sinh vật, cây cối, động vật và thậm chí với những đồ vật vô tri vô giác.
Giáo dục nó khác ở chỗ là làm việc với con người, là quan hệ giao tiếp ứng xử với những con người đang ở tuổi mới lớn, đang phát triển bộ óc, nhân cách và hoàn thiện.
Độ tuổi trung học phổ thông nếu là lớp 10 thì các em đã được học qua 9 năm rồi, đã có những hiểu biết nhất định và đang tập để trở thành người lớn, đây là thời kỳ khó khăn nhất, giai đoạn hình thành và khẳng định nhân cách của mình.
Lúc này mọi suy nghĩ của học sinh đều khác những lớp dưới, hầu hết các em đã có kinh nghiệm cuộc sống nhất định vì 15 tuổi rồi chứ không phải là đứa trẻ bảo gì làm nấy, ngoan vâng lời như bậc tiểu học.
Nó không khác gì một cái cây phát triển đến giai đoạn sung sức nhất, đang chuẩn bị ra hoa kết trái, giai đoạn này cần chăm sóc rất cẩn thận.
Với quan niệm hiện nay thì mọi người đều nhận định giáo viên chủ nhiệm cấp trung học phổ thông là dạy kiến thức, nhưng theo tôi thế vẫn chưa đầy đủ.
Chăm chăm vào truyền đạt kiến thức là đi trái với sứ mệnh trường học |
Nếu giáo viên chỉ là người dạy kiến thức thôi thì đó là những người thợ dạy, ở đây phải là dạy con người, không chỉ có dạy kiến thức mà phải dạy cho học sinh biết cách làm người, đó mới là điều cốt lõi.
Dạy học sinh biết cách quan hệ ứng xử giữa con người với con người, biết làm chủ bản thân mình, đối xử với bè bạn, với gia đình và với các mối quan hệ xã hội.
Làm chủ bản thân mình là một nghệ thuật, cả một quá trình tu luyện, phải biết phân biệt người này với người khác, người thành công hay không thành công, vĩ nhân hay người bình thường.
Điều quan trọng nữa là phải dạy và truyền cảm hứng để các em bước vào cuộc sống một cách mạnh dạn, tự tin, có khả năng xử lý thành công trong các tình huống khác nhau.
Cuộc đời con người là cả một quá trình đấu tranh vật lộn để tự khẳng định mình, nên dạy học sinh là dạy như vậy, nhất là với bậc trung học phổ thông.
Dạy kiến thức thì đơn giản nếu không nói là quá dễ, cứ sách giáo khoa mang ra mà đọc, xong kiểm tra ghi nhớ của học sinh như một cái máy.
Nhưng để dạy cho học sinh nên người, thành những người của xã hội tương lai, những con người lao động chuẩn mực có ích, để con người đó hạnh phúc, thành công thì đó là một việc hết sức khó khăn và chắc chắn là quá sức đối với một giáo viên trẻ vừa ra trường.
Học sinh Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương. |
Nhà giáo khác với thợ dạy
Trường sư phạm hiện nay mới dừng ở việc đào tạo kiến thức, và những kiến thức đó là lý thuyết sách vở không sát thực tế.
Mỗi năm sinh viên sư phạm đi thực tập 1 lần, năm thứ nhất đi 2 tuần, những năm sau được 4 tuần, nhưng những kỳ thực tập ấy chủ yếu là sinh viên “cưỡi ngựa xem hoa” mà thôi.
Trong vài tuần thực tập đó có được thực hành nhiều đâu, cùng lắm được 6 tiết dạy và thời gian tiếp cận với học sinh rất ngắn, bản thân các nhà trường cũng không cho sinh viên thực tập tiếp cận nhiều với học sinh, cũng bởi họ chưa biết rõ sinh viên đó thế nào.
Hều hết thời gian thực tập chỉ là ngồi xem dạy, ngồi dự giờ, bản thân các giáo viên có kinh nghiệm cũng rất bận nên ít có thời gian để hướng dẫn sinh viên thực tập.
Theo tôi các trường sư phạm hiện nay chủ yếu vẫn là đào tạo thợ dạy thông báo sách giáo khoa. Nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì các trường sư phạm phải là nơi đào tạo các nhà giáo dục con người.
Giáo viên không chỉ truyền đạt kiến thức, mà giáo viên phải có hiểu biết về tâm lý giáo dục, tâm lý lứa tuổi học sinh vì điều đó rất quan trọng, có hiểu thì mới tác động được vào học sinh trong quá trình dạy học của mình.
Hạnh phúc ở trường học là gì? |
Nếu giáo viên chủ nhiệm không hiểu được tâm lý học sinh thì có tác động những hoạt động Giáo dục vào nó cũng sẽ bị bật ra ngoài.
Giáo viên phải biết tránh những áp lực, tránh chuyện bạo lực, tránh chuyện ứng xử với học sinh theo cách cho rằng mình là người thầy nên mình có quyền uy.
Giáo viên chủ nhiệm là người phải hiểu từng học trò như hiểu chính lòng bàn tay của mình, để tiếp cận và hiểu học trò là cả một quá trình, phải có tấm lòng yêu thương, trái tim phải biết rung động trước trái tim của học sinh, đó là những yêu cầu tiên quyết và đòi hỏi sự cố gắng cao.
Giáo viên phạt học sinh, dùng uy lực bắt học sinh phục tùng thì đều là những giáo viên có trái tim không biết rung động, mà đã như vậy thì không thể làm chủ nhiệm được.
Mục tiêu của giáo dục hiện đại không phải là đào tạo học sinh ngoan, biết vâng lời như một cái máy, mà phải đào tạo những con người có kiến thức, có tư duy tốt, có trí tuệ, trách nhiệm, sáng tạo…thích hợp với nền kinh tế trong xã hội hiện đại.
Nếu giáo viên là thợ dạy, chạy theo điểm số, theo thành tích và với quan niệm làm giáo viên chủ nhiệm rất dễ thì đó là quan niệm hoàn toàn sai lầm”, thầy Hòa nhấn mạnh.