Lý do nhiều giáo viên Vĩnh Thuận đã nghỉ hưu 6 tháng vẫn không có lương hưu

17/04/2020 06:18
Bài và ảnh: Nguyễn Phan
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Nguyên nhân chính của vụ việc rất nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) chưa được chi trả lương hưu là do họ chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Như Giáo dục Việt Nam đã thông tin, hiện nay, tại huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang có rất nhiều nhà giáo nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019 nhưng vẫn chưa được chi trả lương hưu.

Trong số các nhà giáo đã có quyết định nghỉ hưu vẫn đang mòn mỏi chờ lương hưu của huyện Vĩnh Thuận có những trường hợp rất thương tâm.

Cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, thầy Châu Văn Chính, thầy Văng Hồng là những trường hợp điển hình đã được Giáo dục Việt Nam đăng tải.

Lý do hé lộ

Theo hồ sơ mà Giáo dục Việt Nam thu thập được, nguyên nhân chính của vụ việc rất nhiều nhà giáo của huyện Vĩnh Thuận đã nhận quyết định nghỉ hưu từ ngày 01/10/2019 nhưng vẫn chưa được chi trả lương hưu là do họ chưa được chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Theo quy định hiện hành, để có cơ sở thực hiện thủ tục giải quyết chế độ hưu trí, các nhà giáo phải được chốt sổ bảo hiểm xã hội.

Được biết, từ tháng 10 năm 2019, mặc dù cơ quan bảo hiểm xã hội huyện Vĩnh Thuận đã gửi thông báo hướng dẫn, yêu cầu cơ quan chủ quản và cá nhân nhà giáo phối hợp điều chỉnh thông tin chốt sổ bảo hiểm xã hội nhưng các thông báo của cơ quan bảo hiểm xã hội đã không được các tổ chức có liên quan ngó ngàng.

Thầy giáo Châu Văn Chính, mỏi mòn chờ lương hưu và đang mang trọng bệnh
Thầy giáo Châu Văn Chính, mỏi mòn chờ lương hưu và đang mang trọng bệnh

Vì sao nhà giáo đã nghỉ hưu lại bị bỏ mặc trong việc phối hợp chốt sổ bảo hiểm xã hội?

Cũng từ hồ sơ và từ phản ảnh của các nhà giáo thì nguyên nhân của việc không thể thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm xã hội là do ngành giáo dục Vĩnh Thuận đã không tuân thủ quy định của pháp luật trong công tác quản lý viên chức.

Cụ thể, ngành giáo dục đã phân công trái vị trí việc làm theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm của nhà giáo từ đó dẫn đến hậu quả  không đảm bảo chế độ chính sách cho nhà giáo theo quy định của pháp luật.

Và, trường hợp của cô giáo Nguyễn Thị Cảnh, giáo viên trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị trấn Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang là minh chứng điển hình.

Như tin đã đưa, mặc dù cô giáo Nguyễn Thị Cảnh có 31 năm công tác trong ngành giáo dục, bằng cấp chuyên môn cao nhất là Đại học ngành sư phạm ngữ văn, được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp là giáo viên.

Ngoài ra, ngày 01/06/2013 cô Cảnh được Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bình Minh ký kết hợp đồng làm việc không xác định thời hạn theo quy định của Luật Viên chức 2010.

Trường Trung học cơ sở Bình Minh hiện nay được đổi tên là Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thị trấn Vĩnh Thuận.

Hợp đồng làm việc quy định rõ vị trí làm việc, quyền và nghĩa vụ của các bên.

Công văn đề nghị phối hợp điều chỉnh thông tin nhà giáo của cơ quan bảo hiểm xã hội gửi nhà trường.
Công văn đề nghị phối hợp điều chỉnh thông tin nhà giáo của cơ quan bảo hiểm xã hội gửi nhà trường.

Cô Nguyễn Thị Cảnh được phân công nhiệm vụ là giáo viên dạy lớp kiêm nhiệm công tác thiết bị.

Được hưởng các quyền lợi quy định tại Điều 11;12, Điều 13; Điều 14 và  Điều 15, Luật Viên chức.

Được hưởng lương theo quy định của pháp luật với chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm (mã số) 15a201, nay là giáo viên trung học cơ sở hạng II, mã số V.07.04.11.

Được trả 30% phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên theo quy định. Được chi trả chế độ bảo hiểm theo quy định hiện hành.

Hiệu trưởng phải thực hiện đầy đủ những cam kết trong hợp đồng làm việc và thanh toán đầy đủ, đúng thời hạn các chế độ như đã cam kết.

Nhưng trên thực tế, người có thẩm quyền lại không thực hiện đúng các quy định trên.

Cụ thể, cô giáo Nguyễn Thị Cảnh hoàn toàn không được hưởng đầy đủ chế độ phụ cấp theo nhiệm vụ được phân công đã ký kết trong hợp đồng theo chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở.

Không chỉ cô Cảnh, nhiều nhà giáo Vĩnh Thuận đã nghỉ hưu cũng mòn mỏi chờ lương
Không chỉ cô Cảnh, nhiều nhà giáo Vĩnh Thuận đã nghỉ hưu cũng mòn mỏi chờ lương

Đồng thời hàng tháng cũng không được nhà trường trích đóng bảo hiểm xã hội phụ cấp thâm niên nghề theo quy định của pháp luật, mặc dù cô Cảnh được xác nhận tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01/10/1988 với chức danh nghề nghiệp giáo viên và nhà trường cũng xác nhận với cơ quan bảo hiểm xã hội chức danh trên theo định kỳ.

Việc phải phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong việc điều chỉnh thông tin nhà giáo vô hình làm lộ rõ những “góc tối” đã tồn tại trong ngành giáo dục Vĩnh Thuận đang là khó khăn rất lớn đối với nhà trường.

Theo đó, để điều chỉnh thông tin nhà giáo, chuyển đổi chức danh nghề nghiệp giáo viên đã kê khai sang một chức danh khác để không phải chi trả phụ cấp cho nhà giáo đang là một việc làm “không tưởng”.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Giáo dục Việt Nam, hiện nay các cơ quan chức năng của huyện Vĩnh Thuận đang khẩn trương xem xét để xử lý vụ việc theo thẩm quyền.

Hy vọng vụ việc này được xử lý dứt điểm, chế độ chính đáng của nhà giáo sẽ sớm được khôi phục, các nhà giáo đã nghỉ hưu sẽ chốt được sổ bảo hiểm xã hội để tiến hành thực hiện thủ tục hưởng chế độ hưu theo quy định của pháp luật.

Vụ việc sẽ tiếp tục được Giáo dục Việt Nam thông tin đến bạn đọc, sau khi có kết quả xử lý của địa phương.

Bài và ảnh: Nguyễn Phan