Mặt trái khi kiểm tra chung đề của Phòng, đề của Sở

21/12/2019 06:26
Lê Mai
(GDVN) - Bên cạnh những ưu điểm của đề chung, mặt trái của đề Sở, đề Phòng bộc lộ rõ ràng nhất đó là “cuộc chạy đua” thành tích giữa các địa phương.

Kiểm tra học kỳ, không ít địa phương có hình thức kiểm tra chung các “môn đinh” cả Sở (với trung học phổ thông); cả Phòng (với trung học cơ sở). Riêng khối 12, phần lớn các môn kiểm tra chung đề của Sở ra để học sinh “tiệm cận” với kỳ thi quốc gia.

Việc kiểm tra đề chung của Phòng, của Sở có nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, thế nhưng khách quan mà nói là cần thiết; đề của Sở, Phòng vẫn là dạng đề “đạt chuẩn” về kiến thức, cấu trúc của một đề kiểm tra học kì.

Việc sai sót của đề không phải là không có; các địa phương sử dụng giáo viên trực tiếp đang dạy lớp ra đề, đề kiểm tra sẽ sát hơn với tình hình giáo dục địa phương; việc phản biện đề được coi trọng, phản biện thật sự, không nể nang, chỉ tuân thủ đúng học thuật, chất lượng chuyên môn đề sẽ đảm bảo chính xác.

Kiểm tra học kỳ cũng diễn ra cuộc đua thành tích giữa các địa phương. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Kiểm tra học kỳ cũng diễn ra cuộc đua thành tích giữa các địa phương. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Có người thích đề trường, có người thích đề chung của Sở, Phòng là chuyện bình thường; nó phản ánh một bất cập lớn của chương trình hiện tại: Giáo dục không bám sát chương trình.

Chính kiểm tra đề chung là “công cụ” uốn nắn chuyên môn các cơ sở, phải dạy học theo chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng đã được phê duyệt.

Trong chương trình mới, một chương trình nhiều sách giáo khoa, kiểm tra đề chung không còn phụ thuộc “ngữ liệu” mỗi loại sách, chỉ phụ thuộc vào khung chương trình. Vì thế các địa phương học sách khác nhau, kiểm tra đề chung vẫn bình thường, không gây xáo trộn cho học sinh.

Bên cạnh những ưu điểm của đề chung, mặt trái của đề Sở, đề Phòng bộc lộ rõ ràng nhất đó là “cuộc chạy đua” thành tích giữa các địa phương.

Vì sau mỗi lần kiểm tra chung, các Sở, Phòng đều yêu cầu cơ sở giáo dục địa phương báo cáo điểm; sau khi có số liệu, Sở, Phòng sẽ lập bảng tổng hợp phổ điểm mỗi môn gửi đến các trường, báo cáo trong sơ kết, tổng kết.

Để có kết quả “đẹp mặt”, chí ít cũng “thường thường bậc trung” kết quả kiểm tra đành phải “xào nấu, thêm gia vị” cho vừa “khẩu vị” lãnh đạo.

Hợp lý, hợp pháp nhất đó là thay đổi biểu điểm “cho phù hợp với tình hình địa phương”; vì thế mới có chuyện trường vùng sâu vùng xa có kết quả “ngất ngưởng” so với trường trung tâm.

Ai thích đề của Sở, ai thích đề của Trường?
Ai thích đề của Sở, ai thích đề của Trường?

Cũng có trường báo cáo điểm theo kiểu “cấp số cộng”, điểm tự động cộng thêm “2 điểm thưởng”.

Người viết từng “chấm thẩm định” bài của một trường dạng này, phát hiện ra điểm thật thấp hơn điểm vào sổ 3 điểm; khi “đối chất” giáo viên bảo “vì thương học sinh!”; làm việc với lãnh đạo trường “Anh thông cảm, học trò học yếu lắm, nếu tổng kết đúng điểm theo đề sở, sao giám đi họp”.

Giáo dục là một bức tranh phản ánh xã hội, xã hội chưa đề cao trung thực, giáo dục khó mà không gian dối.

Bệnh thành tích trong giáo dục trầm trọng do nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân đó chính là muốn có “báo cáo đẹp” của các cấp lãnh đạo. Vì thế, đề kiểm tra chung là một trong những “ngọn gió độc” thổi bùng bệnh thành tích.

Để tăng cường định hướng giáo dục cho cơ sở, đề chung cũng là một giải pháp; nhưng tuyệt đối không yêu cầu các cơ sở báo cáo; nếu có báo cáo, tuyệt đối không so sánh cơ sở này với cơ sở khác; có như thế các cơ sở giáo dục mới không sợ đề kiểm tra chung.

Lê Mai