Muôn kiểu bán sách “bia kèm lạc” ở nhiều trường học bao giờ mới chấm dứt?

10/04/2020 06:52
Đỗ Quyên
(GDVN) - Trường tự bán chỉ cần phòng ra lệnh lập tức bán sách kiểu này sẽ ngưng ngay. Khổ, nếu là do sở bật đèn xanh thì chẳng có phòng giáo dục nào dám trái lệnh.

Bộ sách giáo khoa lớp 1 mới dùng cho năm học 2020-2021 có giá bán gần 200 ngàn đồng/bộ đang nhận được phản ứng của dư luận vì so với bộ sách giáo khoa hiện hành thì đắt gấp 4 lần.

Vở luyện viết dành cho học sinh Quảng Nam được dành cho học sinh lớp 1 đến lớp 5. Ảnh: NP
Vở luyện viết dành cho học sinh Quảng Nam được dành cho học sinh lớp 1 đến lớp 5. Ảnh: NP

Thế nhưng, điều lo sợ của không ít phụ huynh tiền sách cao như thế, liệu có phải tốn thêm một khoản tiền để mua những cuốn sách bổ trợ mà nhà trường yêu cầu?  

Bán hàng kiểu ấn vào tay, phát và thu tiền

Chị Nguyễn Thị M. Quảng Bình cho biết: Đang lúc túng bấn thì cả 3 đứa con vào năm học mới.

Con trai chị đang học tiểu học mang về một đống, 11 cuốn sách tham khảo và hồn nhiên xin 360.000 đồng để nộp cho cô giáo chủ nhiệm.

Chị tức tốc hỏi cô chủ nhiệm thì cô giáo cũng hồn nhiên trả lời: Nhà trường chuyển về cho các lớp như vậy, cô chỉ có nhiệm vụ phát sách và thu tiền.

Chị Trương Thị H., phường Nam Lý (thành phố Đồng Hới, Quảng Bình) cho biết: Con trai chị năm nay lên lớp 5, trước ngày khai giảng cháu mang về một ba lô sách và bảo cô mới phát.

Chị giở ra xem có 8 cuốn và thực sự không hài lòng chút nào với những danh mục sách tham khảo mà nhà trường bắt mua. Trong đó, có 2 tập luyện viết chữ đẹp do Sở Giáo dục và Đào tạo biên soạn, thậm chí còn có cả luyện viết chữ đẹp Tiếng Anh.

Muôn kiểu bán sách “bia kèm lạc” ở nhiều trường học bao giờ mới chấm dứt? ảnh 2
Sách giáo khoa mới, vẫn nguyên nguy cơ bia ít, lạc nhiều!

“Trớ trêu hơn, trong đó có cuốn Tài liệu giáo dục địa phương, cuốn này khi cháu vào lớp 1 đã mua và nghe cô giáo nói sẽ dùng trong các năm học, nhưng năm nay cháu mới lên lớp 3 đã phải mua lại.

Khi tôi thắc mắc với cô giáo thì được giải thích, hàng năm có thay đổi bổ sung nên phải mua mới.

Nhưng thực sự tôi chẳng thấy có thay đổi gì cả… nên rất lãng phí.{1}

Tại tỉnh Bình Thuận, nhiều năm qua, khi vào năm học mới được vài ngày, nhiều trường tiểu học cũng đưa vở luyện viết về các lớp để giáo viên phát cho học sinh rồi thu tiền nộp lại.

Vở được phát theo sĩ số học sinh của lớp vì thế gần như lớp nào cũng phải mua 100%.

Thấy giáo viên phát vở về, nhiều phụ huynh không muốn mua nhưng lại ngại con bị thầy cô để ý nên cũng đành im lặng móc hầu bao.

Bán kiểu lập lờ không thông báo rõ

Vài năm trở lại đây, do có giáo viên phản đối cách bán ép buộc như thế, do có một số phụ huynh thấy việc luyện viết không hiệu quả nên có ý kiến.

Thế là, kiểu bán ấn vào tay, phát và thu tiền đã giảm bớt mà thay vào đó là phụ huynh “tự nguyện” mua.

Muôn kiểu bán sách “bia kèm lạc” ở nhiều trường học bao giờ mới chấm dứt? ảnh 3
Nhà trường thành cửa hàng kinh doanh đồng phục và bán sách

Bằng cách xếp vở luyện viết vào chung một bộ sách của khối ây.

Khi mua, phụ huynh sẽ dễ nhầm tưởng 2 cuốn vở luyện viết này cũng nằm trong danh sách những cuốn sách giáo khoa bắt buộc.

Nhưng nếu nhà trường thông báo, giải thích cho phụ huynh hiểu vở luyện viết chỉ để luyện viết thêm, đó không phải là môn học bắt buộc nên ai thích thì mua, không mua cũng chẳng sao cả.

Nếu nghe từ thầy cô giáo, từ nhà trường những lời như thế, chúng tôi dám khẳng định rằng chẳng mấy phụ huynh bỏ ra gần 40 ngàn đồng lấy về 2 cuốn luyện viết chỉ để làm cảnh (vì các em đã có vở tập viết rồi, hơn nữa thời gian học các môn chính khóa còn toát mồ hôi lấy thời gian đâu để mà luyện viết?).

Trách kiểu bán sách “bia kèm lạc” bằng cách nào?

Lợi nhuận mang lại từ việc bán sách tham khảo khá cao. Thế nên để kêu gọi lương tâm của một số người có trách nhiệm ngưng bán sách kiểu này cũng khó.

Chỉ còn cách, cơ quan chức năng ra công văn yêu cầu chấm dứt. Nhưng nếu là trường tự bán thì chỉ cần cấp phòng ra lệnh lập tức bán sách kiểu này sẽ ngưng ngay.

Khổ, sách luyện viết thường do cấp sở phát hành nên nếu là sở gợi ý thì chẳng phòng giáo dục nào lại dám trái lệnh.

Cách tốt nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần ra ngay quy định “Cấm bán sách trong nhà trường” thì chắc rằng khi ấy, chẳng có trường học nào lại dám làm thay công việc của một của cửa hàng văn phòng phẩm như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

https://zingnews.vn/so-gd-dt-ep-hoc-sinh-mua-sach-tham-khao-post682038.html{1}

Đỗ Quyên