Muốn thay đổi chủ quyền đảo ở Đông Nam Á, phải tác chiến quy mô lớn

18/08/2015 07:52
Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)
(GDVN) - Bài viết cho rằng, Mỹ có ý đồ gây căng thẳng Biển Đông để Nhật Bản chia sẻ; muốn thay đổi chủ quyền đảo ở Đông Nam Á thì phải tiến hành tác chiến quy mô lớn...

Tờ "Tin tức Tham khảo" Trung Quốc ngày 17 tháng 8 dẫn tờ nguyệt san "Thế giới" Nhật Bản tháng 8 đăng bài viết "Mỹ tạo ra căng thẳng Biển Đông nhằm thúc đẩy Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể" của cựu giáo sư thỉnh giảng Takashi Okada - Đại học Takushoku Nhật Bản, bình luận viên khách mời của hãng tin Kyodo, Nhật Bản.

Ngày 27 tháng 4 năm 2015, Nhật-Mỹ tổ chức hội đàm 2+2
Ngày 27 tháng 4 năm 2015, Nhật-Mỹ tổ chức hội đàm 2+2

Theo bài viết, Mỹ và Trung Quốc đang triển khai đánh cờ quyết liệt về quần đảo Trường Sa, đặc biệt là xoay quanh việc Trung Quốc lấn biển xây đảo và thi công đường băng máy bay (bất hợp pháp).

Ngày 20 tháng 5 năm nay, máy bay trinh sát Quân đội Mỹ tiến hành bổ nhào trong phạm vi các địa điểm lấn biển xây đảo 12 hải lý, bị Trung Quốc "cảnh cáo" 8 lần.

Bài viết cho rằng, báo chí Nhật Bản và châu Âu cho rằng, xung đột Mỹ-Trung nằm ở trạng thái "hết sức căng thẳng", nhấn mạnh đến nguy cơ khủng hoảng. Có tờ báo cho rằng "Mỹ-Trung đi tới ngã tư đường của Chiến tranh Lạnh mới".

Nhưng, sự kiện lần này không thể không khiến người ta có ấn tượng là Mỹ sử dụng truyền thông để nhấn mạnh tới mối đe dọa Trung Quốc nhằm đánh đòn phủ đầu.

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở các hòn đảo, đá ngầm đã xâm chiếm của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa ở các hòn đảo, đá ngầm đã xâm chiếm của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.

Theo bài viết, là hai nước có lợi ích chung trong nền kinh tế thế giới, Mỹ và Trung Quốc đều không muốn nổ ra xung đột quân sự, như vậy, Mỹ tại sao muốn phát động một loại "tấn công" như vậy? Nếu dẫn ra một trục tọa độ - xem xét dự luật bảo đảm an ninh liên quan đến quyền tự vệ tập thể, thì mục đích của Mỹ đã rõ ràng.

Bất chấp sự phản đối của dư luận, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cố gắng thúc đẩy cho phép thực hiện quyền tự vệ tập thể với lý do là môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản có sự thay đổi lớn. Điều này chủ yếu muốn nhấn mạnh đến mối đe dọa đến từ Trung Quốc.

Theo bài viết, tranh chấp chủ quyền của Đông Nam Á trừ một số bộ phận, còn hầu như đều liên quan đến đảo. Muốn thay đổi chủ quyền đảo thì phải tiến hành tác chiến quy mô lớn. Khả năng Trung Quốc kiểm soát nhóm đảo Senkaku (do Nhật Bản kiểm soát) là rất nhỏ.

Nhìn ra Đông Á, không có nơi nào có thể thực sự xảy ra tranh chấp. Đây là phát biểu vào ngày 14 tháng 4 trước khi ông Shinzo Abe thăm Mỹ của Dennis Blair, cựu Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ.

Dennis Blair - cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ
Dennis Blair - cựu Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ

Sau đó, chỉ trải qua 1 tháng, mối đe dọa Trung Quốc đã được đẩy mạnh tuyên truyền. Như vậy, phát biểu của Dennis Blair có ý nghi ngờ Mỹ tìm cách kích động căng thẳng ở Biển Đông.

Theo bài báo, chiến lược "quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương" của chính quyền Obama thực chất là một "chính sách hai mặt", cùng với việc chia sẻ lợi ích với Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Mỹ để cho Nhật Bản chia sẻ một phần năng lực ngăn chặn với Mỹ.

Bài viết cho rằng, giống như trong chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, Mỹ luôn làm cho các nước châu Á đối đầu nhau, từ đó để họ có thể tìm kiếm bá quyền quân sự khu vực.

Trong hội đàm Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Nhật-Mỹ (2+2) tổ chức vào tháng 4 năm nay, hai bên đã hoàn tất Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ mới, trong đó viết rõ cần "cùng ứng phó với phòng vệ đảo nhỏ". Đối tượng phòng vệ đảo nhỏ là nhóm đảo Senkaku và quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) - điều này rất rõ ràng.

Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông
Hạm đội liên hợp Nhật Bản-Philippines tiến hành tập trận chung ở Biển Đông

Đối với Mỹ, nếu Lực lượng Phòng vệ đều đảm đương "nhiệm vụ phòng vệ" tại 2 khu vực nói trên thì đây là một sự thay thế tuyệt vời. Điều này thống nhất với việc Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, mở rộng hợp tác giữa Lực lượng Phòng vệ và Quân đội Mỹ đến quy mô toàn cầu.

Bài viết cho rằng, trước khi Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật bảo đảm an ninh trong năm nay, Mỹ sẽ thay thế chính quyền Shinzo Abe tiếp tục tuyên truyền mối đe dọa Trung Quốc, từ đó làm cho tỷ lệ ủng hộ đối với dự luật bảo đảm an ninh ở Nhật Bản tăng lên.

Có tư liệu chứng minh điểm này. Một cuộc thăm dò dư luận qua điện thoại trên cả nước vào cuối tháng 4 của hãng tin Kyodo cho thấy, 47,9% người được hỏi phản đối Phương hướng hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ mới, hơn 10% so với số người tán thành (35,5%).

Nhưng, đối với "cùng ứng phó với phòng vệ đảo nhỏ" trong Phương hướng mới, có 70,6% người được hỏi bày tỏ đánh giá tích cực.

Theo bài viết, rất dễ để nhìn thấy, chính quyền Shinzo Abe dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể là để đề phòng Trung Quốc trỗi dậy, duy trì bá quyền chính trị, quân sự của Mỹ ở Đông Á. Nếu như dự đoán của tác giả là chính xác, sau khi dự luật bảo đảm an ninh được Quốc hội xem xét, đối đầu gay gắt giữa Mỹ-Trung rất có thể sẽ lặng sóng.

Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Kawano Katsutoshi vừa đến thăm Philippines, tăng cường hợp tác quân sự hai nước
Tham mưu trưởng liên quân Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản Kawano Katsutoshi vừa đến thăm Philippines, tăng cường hợp tác quân sự hai nước

Đây là góc nhìn của cá nhân ông Dennis Blair. Trên thực tế, chính Trung Quốc lấn biển xây đảo và tiến hành quân sự hóa quy mô lớn ở Biển Đông một cách bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, vi phạm DOC... là nguyên nhân căn bản, trực tiếp gây ra căng thẳng Biển Đông, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định khu vực - PV.

Đông Bình (nguồn Tin tức Tham khảo)