Cho phép nâng số tầng với các trường phổ thông ở các đô thị lớn đang được các chuyên gia bàn thảo sôi nổi khi Bộ Xây dựng tổ chức lấy ý kiến xây dựng Dự thảo QCVN 06: 2019/BXD quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình.
Hiện nay, theo tiêu chuẩn Việt Nam, trường tiểu học không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 3 tầng và trường trung học không nên thiết kế, xây dựng lớn hơn 4 tầng.
Trong điều kiện các quân trung tâm của Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu đất, áp lực sĩ số học sinh 50 đến 60 em/lớp, có nơi gần 70 em/lớp thì cho phép các trường nâng tầng là một biện pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán áp lực sĩ số.
Thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô, Hà Nội. ảnh: Trinh Phúc |
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Võ Thế Quân - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Hà Nội) cho rằng, có lẽ Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hà Nội cần làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Xây dựng để điều chỉnh lại tiêu chuẩn tầng học đối với các trường ở nội đô.
Bởi theo thầy Quân, nếu mức cho phép xây 4 tầng trở xuống thì Hà Nội gay lắm vì không đủ chỗ học cho học sinh. Cần thiết cho phép nâng tầng lên 5 đến 6 tầng. Các tầng cao dành cho giáo viên làm việc, còn tầng thấp để dùng giảng dạy, học tập.
“Chắc chắn phải nâng tầng vì đất trống tại Hà Nội ngày càng ít đi” – thầy Quân nhấn mạnh.
Ngoài ra, để giải quyết bài toán chỗ học cho học sinh, Hà Nội cần quy hoạch và xác định sớm các vị trí đất để xây dựng trường, ưu tiên đất cho trường học.
Việc ưu tiên đất, dành đất cho các nhà trường phải làm ngay, bởi vì tốc độ đô thị hóa nhanh, nếu không làm ngay thì không có đất để xây dựng trường nữa.
Thầy Quân nêu ý kiến: “Trong quy hoạch xây dựng Thủ đô, Hà Nội phải ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng trường học và giáo dục, phải làm ngay bây giờ. Phải làm mạnh như thế thì sau này Hà Nội mới có trường đàng hoàng cho học sinh học.
Còn như hiện nay là chắp vá. Về lâu dài phải dành đất cho phát triển giáo dục và thay đổi lại tiêu chuẩn trường học”.
Quy định lạc hậu gây nguy hại cho chất lượng giáo dục |
Đồng quan điểm, thầy Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch hội đồng quản trị Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp (Hà Nội) cho biết: “Bây giờ trong nội thành sĩ số học sinh cao, nếu không nới tầng lên trong khi đất không có vậy thì lấy đâu ra phòng học cho học sinh.
Tôi cho rằng cần cho xây cao tầng lên để giải quyết bài toán sĩ số quá đông. Hiện nhiều trường học đang có nhu cầu xây cao tầng. Nhưng muốn làm cao tầng phải giải quyết được bài toán thoát hiểm cho trẻ em. Phải đảm bảo phòng cháy chữa cháy”.
Thầy Cường nêu quan điểm: “Xây cao tầng gỡ được bài toán sĩ số, nhưng nên làm ở bậc trung học phổ thông còn bậc tiểu học, mầm non thì không nên.
Do các bé còn ít tuổi, thoát hiểm không lại được vì đó là sinh mạng con người. Trường chúng tôi được xây 6 tầng rồi, nhưng tôi làm trung học và hành lang thì rộng, các lối thoát và hệ thống phòng cháy chữa cháy rất chuyên nghiệp”.
Thực tế, hiện nay không chỉ trường Lômônôxôp mà các hệ thống các trường học như Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường Marie Curie đều đã xây cao tầng.
Hiện các nhà trường này đang là những điển hình cho mô hình giáo dục hiện đại, chất lượng cao. Chính vì lẽ đó, thực tiễn không chỉ đòi hỏi nâng tầng mà việc nâng tầng trên thực tế đã tồn tại và phát huy được nhiều ưu điểm.
Các trường tại đô thị cần được tạo điều kiện cải thiện cơ sở vật chất phục vụ việc học tập, giảng dạy tốt hơn nữa (ảnh minh họa - nguồn: Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm). |
Trước đó, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Hữu Niềm - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tây Đô (Hà Nội) cho rằng, cần thiết phải có quy định cho phép các trường học nâng tầng để đáp ứng nhu cầu về số phòng học.
Theo thầy Niềm, chính sách phải phục vụ tốt cho sự phát triển của xã hội, trong đó có giáo dục chứ không phải theo kiểu khuôn cứng cho dễ quản lý và tự đặt câu hỏi: “Giữa tình trạng một trường cho xây cao tầng nhưng đảm bảo các chuẩn theo yêu cầu về phòng cháy chữa cháy và trường thấp tầng, sĩ số học sinh gần 70 em/lớp học thì cái nào hơn”.
Bộ Xây dựng đang soát xét quy chuẩn kỹ thuật liên quan chiều cao trường học |
Vị này cho rằng, điều quan trọng là cần có quy chuẩn rõ ràng về phòng cháy, chữa cháy để đảm bảo an toàn cho việc tổ chức dạy học ở những tầng cao.
Ngoài ra, ở các tầng cao chỉ nên bố trí các phòng làm việc cho giáo viên, thư viện hoặc các phòng chuyên dụng còn ưu tiên bố trí các tầng dưới để học.
“Cứ khống chế tầng thấp mà nhét 70 học sinh tiểu học vào một lớp là bất cập. Chính sách phải mở, sáng tạo miễn rằng đảm bảo được chuẩn an toàn” - thầy Niềm quan niệm.
Qua trao đổi với thầy Niềm có thể thấy, việc nâng tầng là tất yếu vì quỹ đất ngày càng khó nhất là khu vực nội thành Hà Nội.
Nếu các quy định không chịu thay đổi để phù hợp với thực tế thì dẫn đến tình trạng nhồi nhét học sinh vào những lớp học đông đúc.
Một lần nữa thầy Niềm cho rằng: “Việc nâng tầng hoàn toàn được. Chỉ mong có hành lang pháp lý cho rõ ràng để đảm bảo quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy và các quy chuẩn khác đảm bảo việc tổ chức dạy và học an toàn”.
Có thể thấy việc nâng tầng là yêu cầu khách quan. Tuy nhiên, với các quy định pháp lý như hiện nay đang làm khó nhiều cơ sở giáo dục. Trong khi nhiều trường được xây lên 9 tầng thì có những trường học nâng tầng lại bị buộc tháo gỡ, đập bỏ. Bức tranh nhốn nháo của giáo dục như vậy có phần nguyên nhân đến từ các quy định mập mờ, lạc hậu.