Không thể nói: Dạy thêm, học thêm là hoàn toàn xấu
Như thông lệ thời gian đầu năm học là thời điểm nóng của những câu chuyện dạy thêm, học thêm, lạm thu.
Hiện nay, với những biến tướng của tình trạng dạy thêm khiến cho xã hội có một cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những người giáo viên đứng lớp dạy thêm.
Quy định về định mức, giảm định mức tiết dạy của giáo viên |
Tuy nhiên cũng cần phải nói: Việc dạy thêm cũng có những mặt lợi, những mặt tích cực mà chúng ta không thể phủ nhận.
Dưới góc nhìn của chuyên gia, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Phải đánh giá việc dạy thêm, học thêm ở 2 mặt tích cực và tiêu cực.
“Chuyện dạy thêm mặt tiêu cực ai cũng biết rõ rồi. Tuy nhiên theo chiều hướng tích cực dạy thêm là nhu cầu tự nhiên của xã hội.
Người giáo viên cần tăng thu nhập, học sinh cần bổ trợ kiến thức. Cho nên phải đánh giá toàn diện việc dạy thêm không nên phiến diện và cảm tính”.
Trên các diễn đàn giáo dục, giáo viên, phụ huynh cũng chia thành 2 phe: Người ủng hộ dạy thêm, người phản đối chuyện dạy thêm.
Ý kiến phản đối cho rằng: Việc dạy thêm sẽ nảy sinh nhiều hiện tượng tiêu cực như giáo viên ép học sinh phải đi học thêm, trù dập học sinh không đi học thêm…
Bên đồng tình thì cho rằng: Chuyện dạy thêm xuất phát từ nhu cầu của việc học. Người giáo viên mở lớp, học sinh đi học hoàn toàn theo quy luật có cung, có cầu.
Việc dạy thêm vẫn còn tồn tại chứng tỏ xã hội vẫn chưa phủ định chuyện này (Ảnh minh họa: GDVN) |
Ngoài ra với mức thu nhập tại một số địa phương còn thấp, giáo viên bắt buộc phải làm những công việc bên ngoài, đặc biệt là dạy thêm.
Lấy ví dụ với mức lương của một giáo viên hợp đồng mới ra trường chỉ khoảng trên dưới 1 triệu đồng, họ phải dạy thêm thì mới có thu nhập.
Cùng với đó bản thân nhiều gia đình cũng có nguyện vọng cho con cái đi học thêm đặc biệt là những môn khối tự nhiên và ngoại ngữ.
Tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển cũng không phủ nhận việc dạy thêm, học thêm.
Phóng viên đã có cuộc trò chuyện ngắn với chị Vương Thị Tuyết, hiện đang sinh sống và làm việc tại Cộng Hòa Liên Bang Đức. Chị Tuyết có 2 người con hiện đang thụ hưởng nền giáo dục của nước Đức.
Dưới góc nhìn của một phụ huynh chị Tuyết cho rằng: Việc học thêm cũng cần thiết nhưng phải đảm bảo khách quan, công bằng, đặc biệt là theo sự tự nguyện và ý thích của học sinh.
Biến tướng của chuyện dạy thêm nằm ở chỗ: giáo viên vừa đá bóng vừa thổi còi (ảnh minh họa:vtv.vn) |
Chị Tuyết nói: “Giáo viên ở Đức cũng được phép dạy thêm. Nhưng khác ở Việt Nam, giáo viên không theo cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi. Tức là anh vừa dạy trên lớp lại mở lớp học thêm dạy học sinh của lớp mình.
Học sinh có quyền tự lựa chọn xem có học thêm hay không và học thêm những môn gì?
Chẳng hạn các con tôi nghỉ hè thường đăng ký vào các câu lạc bộ năng khiếu, văn thể mỹ. Phụ huynh hay giáo viên không thể ép con đi học Toán, Lý, Hóa được.
Điểm khác biệt thứ 2, giáo viên muốn dạy thêm phải đăng ký vào các trung tâm dạy thêm, là những đơn vị đào tạo độc lập. Các giáo viên muốn vào đó phải được kiểm tra trình độ bài bản.
Không cần phải là giáo viên ở các trường thì vẫn có thể dạy học ở các trung tâm dạy thêm được, hay còn gọi là giáo viên tự do”.
Không có giải pháp cụ thể thì việc cấm dạy thêm chỉ là cấm cho có (Ảnh:kinhtedothi.vn) |
Trông người mà ngẫm đến ta, lỗ hổng hiện nay trong việc dạy thêm, học thêm nằm ở cơ chế: “Vừa đá bóng, vừa thổi còi” và học sinh không có được tự nguyện mà bị ép buộc. Thậm chí phải đi học cả những môn mà các em không thích.
Điều này dẫn đến tình trạng giáo viên trù úm học sinh; bắt ép học sinh đi học thêm lớp mình dạy cùng nhiều tiêu cực khác mà báo chí đã nhiều lần phản ánh.
Bên cạnh đó cũng cần nói đến việc quản lý dạy thêm, học thêm còn lỏng lẻo, thiếu chế tài xử phạt, thiếu những quy định làm rõ những đối tượng giáo viên nào được dạy thêm, dạy trong thời gian bao lâu, khối lượng kiến thức như thế nào. Chính những điều này đã dẫn đến tình trạng dạy chui.
Thậm chí một số nhà trường liên kết với các trung tâm gia sư mang giáo viên và học sinh ra đó để dạy thêm, kiếm lợi.
Từ một chuyện đáng lẽ cần thiết và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn lại bị bóp méo gây cái nhìn thiếu thiện cảm đến ngành giáo dục.
Cấm triệt để dạy thêm có phải là giải pháp hay?
Năm 2012, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư Số: 17/2012/TT-BGDĐT: Quy định về dạy thêm, học thêm.
Từ đó đến nay đã trải qua 8 năm nhưng câu chuyện: dạy thêm, học thêm vẫn chưa ngã ngũ.
Lý do chuyện dạy thêm, học thêm chưa thể giải quyết dứt điểm, cũng chưa thể bàn luận ngã ngũ là bởi xung quanh câu chuyện này tồn tại 2 mặt: mặt tốt và mặt xấu.
Học thêm và lạm thu vẫn nóng là do chế tài chưa đủ mạnh |
Hiện nay, việc dạy thêm, học thêm vẫn tồn tại điều đó chứng tỏ xã hội vẫn chấp nhận chuyện này.
Phóng viên đã có cuộc nói chuyện với nhiều phụ huynh, đều là những người có chức tước, địa vị trong xã hội.
Ngay bản thân các vị phụ huynh đó cũng không nghĩ rằng: Việc không cho con cái đi học thêm là tốt.
Bởi một số môn như ngoại ngữ, tin học…rất cần bổ túc ngoài thời gian. Bên cạnh đó vẫn còn đối tượng học sinh cần ôn thi trường chuyên, lớp chọn, thi đầu cấp thì việc học thêm gần như là hiển nhiên.
Vấn đề ở đây là làm sao phát huy được điểm mạnh của việc dạy thêm, học thêm; đẩy lùi những mặt trái, mặt tiêu cực, biến tướng của dạy thêm.
Cấm việc dạy thêm đồng nghĩa với việc ta thừa nhận không quản lý được chuyện này. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận giáo viên và học sinh.
Như đã phân tích ở trên: Mấu chốt ở đây là cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi; học sinh không được tự nguyện lựa chọn học thêm hay không học thêm và thiếu cơ chế xử phạt, răn đe đối với những giáo viên, cơ sở dạy thêm trái quy định theo thông tư 17/2012.
Chuyện dạy thêm, học thêm chưa có hồi kết (Ảnh minh họa:congly.vn) |
Dưới lăng kính của một nhà giáo đã về hưu, thầy Nguyễn Văn Minh (Hà Nội) so sánh:
“Trước đây chuyện dạy thêm không nhức nhối như bây giờ bởi thứ nhất thời điểm đó mức lương của giáo viên cao hơn mặt bằng xã hội.
Thứ hai việc học tập của học sinh không áp lực và chạy đua như bây giờ.
Thứ ba người giáo viên họ không coi nghề dạy học là nghề có thể làm giàu. Thực tế đã chứng minh nghề dạy học chưa bao giờ là nghề kiếm tiền kiểu thượng lưu cả”.
Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cũng đồng tình với ý kiến này: “Nâng cao được vấn đề tiền lương cho giáo viên làm cho họ yên tâm và sống được với nghề thì sẽ hạn chế được chuyện dạy thêm”.
Ngoài ra theo ý kiến của nhiều phụ huynh: Giáo viên có quyền được dạy thêm nếu đã đăng ký và qua bài kiểm tra năng lực chuyên môn.
Bên cạnh đó giáo viên không được bắt ép học sinh đi học thêm, không được vừa đá bóng, vừa thổi còi. Việc lựa chọn học thêm hay không? Và học thêm thầy cô nào, môn học gì phải là quyền của học sinh và phụ huynh.
Thông tư 17/2012:Quy định về dạy thêm, học thêm (Ảnh:V.N) |
Như vậy có thể thấy rõ được bản chất của câu chuyện dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên để tháo gỡ tình trạng này thì giải pháp cấm triệt để giáo viên dạy thêm liệu có phải là một giải pháp hay?
Trong câu chuyện này có sự liên quan của giáo viên, nhà trường, cơ quan quản lý, trung tâm dạy thêm, phụ huynh, học sinh. Vì thế không thể đổ hết tội lỗi lên đầu giáo viên được.
Nhà trường quản lý giáo viên, cơ quan quản lý ban hành quy định, hướng dẫn việc dạy thêm, học thêm.
Giáo viên tuân thủ đúng theo quy định pháp luật, thường xuyên trau dồi chuyên môn, phẩm chất. Phụ huynh, học sinh cũng cần phải lên tiếng trước những hành vi sai trái.
Một sự vào cuộc đồng bộ như vậy mới có thể đẩy lùi biến tướng của tình trạng học thêm.
Nếu như không quản lý được thì cấm triệt để như hiện nay chẳng khác nào ném một hòn đá vào mặt hồ tĩnh lặng, mặt hồ dậy sóng một lúc rồi lại thôi!