Nhận diện “nhóm lợi ích” trong trường học

25/12/2019 06:00
TRẦN TRUNG TRỰC
(GDVN) - Các “nhóm lợi ích” này luôn tạo vây cánh, luôn tìm những “lợi lộc” về cho mình, nhiều khi bất chấp cả quy định, bao gồm hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ.

Trong môi trường giáo dục, tưởng chừng đó là một môi trường “tinh khiết” nhưng một khi có chút quyền lợi vật chất đều xuất hiện những “nhóm lợi ích”.

Các “nhóm lợi ích” này luôn tạo vây cánh, luôn tìm những “lợi lộc” về cho mình, nhiều khi bất chấp cả quy định. Đó là nhóm “quyền lực” gồm hiệu trưởng, kế toán và thủ quỹ.

Nhóm này một khi “làm việc” ăn rơ với nhau thì đố ai tìm ra “tổ con chuồn chuồn” ở đâu vì rất kín kẽ trong giấy tờ, hóa đơn quyết toán.

Thật bất hạnh cho ngôi trường nào có nhóm “liên minh ma quỷ” này vì họ thao túng tất cả việc thu chi. Các bộ phận chuyên môn, cơ sở vật chất nhiều khi muốn sửa chữa, mua sắm nhỏ cũng rất trầy trật, bị hành lên xuống mới có kinh phí…

“Nhóm lợi ích” trong trường học (Ảnh minh họa: baogiaothong.vn).
“Nhóm lợi ích” trong trường học (Ảnh minh họa: baogiaothong.vn).

Một chuyện tưởng chừng nhỏ nhưng không hề nhỏ như căng-tin trả tiền điện cho trường (theo số đồng hồ câu đuôi ghi ở căng-tin). Bên điện lực thu theo tiền ở đồng hồ tổng...

Nhà trường đã thanh toán xong và các căng-tin trả lại cho trường và số tiền ấy có được đưa vào sổ không? Nếu để ngoài cũng không ai biết vì tiền điện hàng tháng đã thể hiện trong hóa đơn của điện lực.

Nếu hiệu trưởng công tâm, rạch ròi, đâu vào đấy thì sẽ có sự minh bạch trong tài chính và ngược lại nếu hiệu trưởng đã sẵn lòng gian thì việc biển thủ các loại tiền, các loại phí là điều quá dễ dàng.

Không phải đơn giản là cứ đưa dự trù sửa chữa nhỏ (nhỏ thôi, lớn thì phải do hiệu trưởng quyết) là hiệu trưởng duyệt ngay mà phải có chút gì “bôi trơn” (làm như ai cũng “ăn” như mình).

Nhóm tiếp theo là phe của hiệu phó phụ trách chuyên môn nhà trường. Vì sao vị này lại được nhiều giáo viên “hâm mộ” (quà cáp Tết, ngày lễ thường “đậm đà” hơn so với hiệu phó phụ trách cơ sở vật chất)?

Trước hết, các “thành viên” được “ưu tiên” từ khâu sắp xếp thời khóa biểu. Nếu không là “thành viên” thì việc phải dạy tiết cuối (tiết 4, 5 buổi sáng và tiết 3, 4 buổi chiều) là bình thường. Họ luôn được xếp dạy tiết đầu, tiết thứ hai trong buổi học.

Hiệu trưởng “lạm thu” vẫn được làm Hiệu trưởng!

Ngoài ra, nếu có dạy thêm thì cũng được “du di”, không siết chặt mà để cho các “thành viên” ấy luôn “yên tâm” vì đã được “che chở”.

Các “thành viên” của nhóm có nhiệm vụ (dù không ai phân ông) là theo dõi các việc làm, hành vi của các vị hiệu trưởng và các vị hiệu phó khác.

Nếu phát hiện những gì chưa rõ, khuất tất trong mua sắm, quyết toán, thu chi của hiệu trưởng, hiệu phó khác thì sẽ báo lại cho hiệu phó chuyên môn “tham khảo” ghi vào sổ để “nhớ” (người nào báo nhiều sẽ có “điểm” nhiều).  

Nếu chưa kể “nhóm dạy thêm” thì thật thiếu sót vì nhóm này cũng vì lợi ích của nhóm mà “hoạt động”.

Nhóm “dạy thêm” Toán, Lý, Hóa chẳng hạn, họ luôn giới thiệu thầy A, cô B, thuộc nhóm mình để san sẻ, thu nhận thêm học sinh hoặc mở “cua” mới…

Thể hiện các nhóm rõ nhất là họ thường đi chơi, đi nhậu chung, đi tập huấn, hội họp cũng chung nhau… Thậm chí ở cấp phòng, cấp sở cũng tạo “nhóm” là các thành viên ở các trường.

Đi làm công tác thi, nhất là thi học sinh giỏi ở tỉnh bạn, họ thường được sở triệu tập… Các “thành viên” này phải có “nghĩa vụ” bao ăn nhậu các sếp ở trên trong quá trình công tác…

TRẦN TRUNG TRỰC