Ngày 25/10/2019, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tuyên án đối với 5 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi năm 2018. Người được xác định là chủ mưu là bị cáo Nguyễn Thanh Hoài vị tuyên phạt 8 năm tù, người nhẹ nhất là bị cáo Phạm Văn Khuông- người nhờ nâng điểm cho con bị phạt 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo.
Nhìn chung, dư luận người dân chưa đồng tình với bản án này. Nhiều góc khuất của vụ án vẫn chưa được làm rõ. Nhiều quan chức của địa phương vẫn chưa bị xử lý, né tránh trách nhiệm. Ngay cả đối với một số bị cáo của vụ án vẫn quanh co chối tội.
Vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang chưa nhận được sự đồng tình của mọi người (Ảnh minh họa: Trinh Phúc) |
Không ai lại có thể tin được một mình ông Nguyễn Thanh Hoài có thể chủ mưu lập nên danh sách 93 thí sinh để nâng điểm. Trong số đó, có cả con của nguyên Bí thư tỉnh ủy, cháu vợ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và rất nhiều thí sinh là con của những cán bộ chủ các ban ngành ở Hà Giang.
Nếu chỉ vì "tình cảm" mà nâng điểm như lời bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương khẳng định tại tòa thì làm sao những bị cáo này lại có thể nâng điểm cho cả những thí sinh ở Thanh Hóa, Tuyên Quang…
Làm sao ông Nguyễn Thanh Hoài, ông Vũ Trọng Lương chỉ quen vu vơ với bị cáo Lê Thị Dung mà lại "dại dột" đi làm cái việc động trời đến thế?
Sự nghiệp, công danh phấn đấu hàng chục năm trời mới ngồi vào ghế Trưởng phòng, Phó phòng của Sở Giáo dục. Rồi danh dự, uy tín của một nhà giáo, danh dự của bản thân và gia đình của họ lẽ nào chỉ đánh đổi với những điều viển vông, không có lợi ích gì?
Nhưng, nếu như có yếu tố đưa và nhận hối lộ thì đương nhiên là bị cáo Hoài, bị cáo Lương và cũng như các bị cáo còn lại không chỉ là mức mấy năm tù như vậy mà chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa.
Nếu như làm rõ được việc đưa và nhận hối lộ, chạy điểm cho thí sinh thì các bị cáo Hoài, bị cáo Lương hay bị cáo Chính, bị cáo Dung sẽ vướng vào tội "nhận hối lộ" và các phụ huynh, người trung gian cũng bị xử vì tội "đưa hối lộ".
|
Thành ra, "nhờ xem điểm" và nâng điểm "vì tình cảm" là kế sách khả quan nhất mà mọi người liên quan đến vụ án này vận dụng một cách linh hoạt.
Cho nên tội trạng của các bị cáo cũng được giảm xuống mà những phụ huynh, người trung gian cũng không hề có tội. Những phụ huynh, những người liên quan đến vụ án này cũng chỉ bị kỷ luật ở mức khiển trách hoặc bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm mà thôi.
Một vụ án bị phát hiện ngay vào thời điểm xảy ra sự việc, 2 bị cáo chủ yếu của vụ án đã bị bắt tạm giam tức thì nhưng xem chừng vụ án này vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ ràng. Yếu tố "tình cảm" vẫn là gam màu chủ đạo cho việc nâng điểm giữa thời buổi kinh tế thị trường liệu có thuyết phục được dư luận hay không?
Vai trò, trách nhiệm của ông Trần Đức Qúy và ông Vũ Văn Sử đang ở đâu?
Ông Trần Đức Qúy là Trưởng ban chỉ đạo, ông Vũ Văn Sử là Chủ tịch Hội đồng thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang.
Họ là người biết rõ tiêu cực ngay từ đầu, biết được ông Vũ Trọng Lương phá khóa, giật niêm phong phòng đựng bài thi nhưng sau kỳ thi thì họ vẫn lên tiếng là không biết sự việc, vẫn khẳng định kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc!
Thậm chí ông Qúy còn nhờ nâng điểm cho cháu mình, ông Sử thì gợi ý để cấp dưới lưu ý một số thí sinh là con lãnh đạo.
Trong quá trình nâng điểm thi cho các thí sinh, ông Nguyễn Thanh Hoài còn nhắn tin cho ông Trần Đức Qúy để nhờ can thiệp. Vì thế, ông Qúy còn nhắn lại cho ông Hoài rằng: “OK, để anh bàn với anh Sử”.
Tin nhắn này được đưa ra phân tích tại tòa, được bị cáo Hoài xác nhận đó là tin của ông Trần Đức Qúy- Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang. Vậy nhưng, Hội đồng xét xử không đả động gì đến việc làm của ông Qúy và ông Sử! Phải chăng, đây chính là vùng cấm?
Có cần thiết điều tra lại kỳ thi năm 2017?
Bị cáo Hoài, Lương nâng điểm là do nể nang, không chứng minh được nhận hối lộ |
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang cũng đã kiến nghị Cơ quan an ninh điều tra làm rõ 2 thí sinh S.V.Đ. và N.V.T. ở huyện Xín Mần trong kỳ thi năm 2017 đã đậu vào trường công an với số điểm rất cao bởi 2 thí sinh này đã "chạy điểm" với số tiền 500 triệu đồng đối với mỗi trường hợp.
Đồng thời, Hội đồng xét xử đã chấp nhận kiến nghị của các luật sư về việc giữ lại toàn bộ bài thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh Hà Giang để phục vụ cho công tác điều tra.
Thế nhưng, nhìn lại vụ án năm 2018 do các cơ quan chức năng ở Hà Giang điều tra, xét xử thì chúng ta có thể thấy được việc điều tra lại 2 trường hợp trong kỳ thi năm 2017 chỉ cần thiết khi làm rõ được sự việc đến cùng.
Bởi, kỳ thi năm 2018, đã “bắt tận tay, day tận mặt” các bị can, đã có số liệu rõ ràng là 107 thí sinh mà điều tra, xét xử thì cũng chỉ có mình ông Phạm Văn Khuông nhận việc mình nhờ nâng điểm cho con.
Phụ huynh của 106 thí sinh còn lại, người thì chỉ nhận “nhờ xem điểm” người thì phủ nhận hoàn toàn sự việc. Vì vậy, điều tra lại kỳ thi năm 2017 xem chừng cần thiết mà lại... cũng chẳng cần thiết.
Đến thời điểm này, vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang tạm thời đã khép lại sau án sơ thẩm với 5 bị cáo bị tuyên án tù như vẫn còn nhiều băn khoăn cho nhiều người.
Dù vụ án này đã có tới 151 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật hoặc bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm nhưng vẫn còn nhiều phụ huynh có con được nâng khống điểm đứng ngoài danh sách này.
Hơn nữa, 39 thí sinh sau khi chấm thẩm định vẫn đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước. Những phụ huynh có con được nâng điểm (trừ ông Khuông) đang là lãnh đạo thì không ai xin từ chức, không ai bị cách chức nên họ vẫn đang tại vị bình thường.
Nhìn sang vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La và Hòa Bình, chúng ta thấy vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang vẫn còn nhiều điều băn khoăn, khó lý giải vô cùng!