Những ngày xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Hà Giang vừa qua, chúng ta thấy trong số 5 bị cáo bị đem ra xét xử tại tòa thì chỉ có bị cáo Triệu Thị Chính là chối tội, phủ nhận việc mình đã nhờ ông Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho 12 thí sinh và xem điểm cho 1 thí sinh.
Song, cũng chính từ việc bị cáo Triệu Thị Chính khóc, thanh minh, kêu oan nên Viện Kiểm sát Hà Giang đã công bố tin nhắn của một số người nhờ bà Chính nâng điểm cho con cháu mình.
Trong số đó, có tin nhắn của bà Nguyễn Thị Nga hiện đang công tác tại Sở Tài Chính là vợ của ông Nguyễn Văn Sơn- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang.
Bà Nguyễn Thị Nga chỉ bị xử lý kỷ luật ở mức khiển trách (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet) |
Chính từ việc công bố tin nhắn của Viện Kiểm sát mà dư luận mới biết thêm một "bí mật" ở Hà Giang nữa. Bởi, ngay từ khi xảy ra vụ án gian lận điểm thi vào tháng 7 năm 2018 thì dư luận chưa một lần nghe đến chuyện người thân của Chủ tịch Nguyễn Văn Sơn có liên quan đến việc nâng điểm ở Hà Giang.
Vậy nên, ông Sơn cũng đã tuyên bố sẽ xử nghiêm, không có vùng cấm trong việc xử lý cán bộ, đảng viên, phụ huynh có liên quan đến việc nâng điểm thi năm 2018. Bản thân ông Nguyễn Văn Sơn còn là Trưởng ban chỉ đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 vừa qua ở Hà Giang.
Và có lẽ, dư luận cũng mong bản thân và gia đình ông Chủ tịch tỉnh không dính líu đến tiêu cực để vớt vát danh dự cho kỳ thi năm 2018 ở Hà Giang. Bởi, trong thời gian qua thì báo chí đã nói quá nhiều về chuyện con gái của Bí thư tỉnh ủy Triệu Tài Vinh rồi.
Bí mật ấy được giữ kín cho đến khi kỳ thi năm 2019 đi qua. Thậm chí là khi Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang công bố danh sách những cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật, kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm vì liên quan đến vụ án gian lận điểm thi năm 2018 thì cái tên bà Nguyễn Thị Nga vẫn không hề được nhắc tới.
Thế nhưng, sự đời không ai đoán được chữ ngờ, mãi đến ngày xét xử cuối cùng của vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà giang thì góc khuất này mới lộ diện.
Bị cáo Hoài, Lương nâng điểm là do nể nang, không chứng minh được nhận hối lộ |
Viện Kiểm sát đã công bố những tin nhắn của bà Nguyễn Thị Nga với bị cáo Triệu Thị Chính- cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang thì mọi người mới ngã ngửa.
Thì ra, vợ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã nhắn tin nhờ “nâng điểm” cho cháu rõ ràng chứ không phải “xem điểm” thông thường như một số phụ huynh khác!
Bởi, những tin nhắn của bà Nguyễn Thị Nga, hiện đang công tác tại Sở Tài chính Hà Giang đã thể hiện rất rõ điều này. Trong tin nhắn bà Nga đã giới thiệu tên mình, nơi công tác, nội dung nhờ vả, gửi tên, số báo danh, phòng thi, môn thi, số chứng minh thư của thí sinh đầy đủ.
Chính vì thế, cơ quan công tố tỉnh Hà Giang khẳng định, các tin nhắn đến và đi nêu trên được cung cấp bởi Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) và được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, thể hiện rõ là “nhờ nâng điểm chứ không phải xem điểm”.
Vậy nhưng, theo báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang thì để tiến hành kiểm tra, xem xét, xử lý những người liên quan đến vụ án gian lận điểm thi năm 2018 thì tỉnh Hà Giang đã thành lập tới 36 đoàn kiểm tra.
Trong đó: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thành lập 15 đoàn; các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy thành lập 21 đoàn.
Vậy mà bà Nga đã "lọt lưới" một cách ngoạn mục cho đến ngày xét xử cuối cùng tại phiên sơ thẩm của Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang thì danh tính của bà Nga mới được công khai tường tận! Dư luận cả nước mới biết được một bí mật đã được giữ kín suốt hơn 1 năm qua.
Bà Nga bị xử lý kỷ luật bằng hình thức “khiển trách” liệu có tương xứng?
Trong số 107 thí sinh được nâng khống điểm ở Hà Giang, chúng ta thấy chỉ có ông Phạm Văn Khuông đã khai nhận với cơ quan điều tra và khai trước tòa là đã nhờ cấp dưới của mình là ông Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con trai của mình.
Ba đề nghị có căn cứ để mở rộng điều tra gian lận thi cử tại Hà Giang |
Vì thế, sáng ngày 25/10/2019 thì Tòa án Nhân dân tỉnh Hà Giang đã tuyên phạt bị cáo Phạm Văn Khuông 1 năm tù treo và 2 năm thử thách.
Tòa cũng đã giao bị cáo Khuông cho Ủy ban nhân dân phường Quang Trung, (thành phố Hà Giang)- nơi ông Khuông đang cư trú giám sát.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nga cũng đã được xác định là đã nhờ bà Triệu Thị Chính, cựu Phó Giám đốc Sở Giáo dục nâng điểm cho cháu mình- những tin nhắn bà Nga gửi cho bà Chính đã được giám định bởi Viện Khoa học hình sự Bộ Công an.
Vậy nhưng, sau khi Viện Kiểm sát công bố tin nhắn của bà Nga trước tòa thì Đảng ủy Khối cơ quan doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đã ra quyết định kỷ luật “khiển trách” đối với bà Nguyễn Thị Nga - chuyên viên Sở Tài chính vì nhắn tin "nhờ vả" nâng điểm cho cháu của mình.
Mức kỷ luật dành cho bà Nga đã thực sự đủ sức răn đe cho hành vi nhờ người nâng điểm cho cháu hay chưa?
Vì sao bà Nguyễn Thị Nga lại qua được cửa ải của nhiều đoàn kiểm tra? Vì sao Viện Kiểm sát có những tin nhắn này mà các cơ quan chức năng lại “bỏ sót” bà Nga trong danh sách kỷ luật được Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang công bố trong ngày 01/10 vừa qua?
Hành động nhờ nâng điểm cho cháu của bà Nga cũng giống với ông Khuông nhờ nâng điểm cho con trai của mình thì lẽ nào lại xử lý khác nhau? Một người bị truy tố, bị nhận án tù treo, bị thử thách tổng cộng là 3 năm, còn một người thì chỉ bị khiển trách thôi sao?
Cùng một tội danh, cùng một vụ án, cùng một địa phương sao xử lý cán bộ, đảng viên của mình lại có khác biệt nhiều đến vậy? Xem chừng, Hà Giang vẫn còn nhiều điều bí mật lắm!
Tài liệu tham khảo:
//tuoitre.vn/khien-trach-vo-chu-tich-ubnd-tinh-ha-giang-vi-nhan-tin-nho-va-cho-chau-20191025103921087.htm