Giáo dục gần như là con đường duy nhất để thoát nghèo
Vừ A Sinh thất thểu ôm cặp sách theo bố trở về nhà. Nó vừa đi vừa chực khóc vì về nhà giờ thì buồn lắm. Ở trường còn có bạn, có thầy cô. Về nhà thì thui thủi trông em hay lên nương rẫy phụ mẹ.
Ở cổng trời Lũng Luông, thầy và trò vo cái rét đến trường |
Anh Vừ A Dong, thấy con trai tiu nghỉu bèn động viên: “Về nhà hết hè rồi lại lên”.
Sinh vùng vằng: “ Con thích ở lại trường, con không thích về nhà”. Thầy cô nhìn hai cha con đang đôi co, bật cười.
Cũng rất lâu rồi, phụ huynh người Mông không còn cho con nghỉ học để ở nhà chăm em hay đi nương rẫy nữa. Những đứa trẻ người Mông, người Thái được cha mẹ cho đi học.
Trong những bản làng xa xôi nhất của huyện Trạm Tấu (huyện nghèo nhất của tỉnh Yên Bái) những ngôi trường mọc lên giữa lưng chừng đồi ngày càng khang trang và to đẹp hơn.
Tại những ngôi trường này, học sinh được thầy cô dạy văn hóa, được ăn ở, sinh hoạt với sự đầu tư rất lớn của nhà nước.
Điều chúng tôi cảm thấy phấn khởi nhất đó chính là tư tưởng của phụ huynh đã thay đổi nhiều.
Nếu như trước đây phụ huynh người Mông rất “lười” cho con đi học. Những đứa trẻ sống một cách bản năng thích thì đi học, không thích thì nghỉ. Cha mẹ thích con ở nhà để phụ giúp việc nương rẫy hơn là cho con đi học.
Thế nhưng trong nhiều năm trở lại đây phụ huynh đã bắt đầu quan tâm hơn đến việc học hành của con.
Bởi họ nhận ra rằng: Những tấm gương thành công, có địa vị tại quê hương đều chăm chỉ học và học thành tài.
Bữa ăn của học sinh trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Bản Công, Trạm Tấu (Ảnh: N.D) |
Chẳng hạn có đến ¾ cán bộ huyện Trạm Tấu đều thành đạt nhờ việc theo đuổi con đường học hành: Bác sĩ Sùng A Vang – Phó giám đốc trung tâm y tế huyện, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu Sùng A Thào... cũng thành đạt nhờ theo đuổi con đường học hành.
Những tấm gương đó ngày nào cũng được cô hiệu trưởng Huệ và các giáo viên tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Bản Mù đưa vào các bài giảng.
Đôi mắt các em long lanh khi nói về hai từ ước mơ. Để trở thành bác sĩ như bác Sùng A Vang, cô giáo như cô Huệ...các em hiểu rằng mình cần phải học. Học gần như là con đường duy nhất để thoát nghèo đối với học sinh nơi đây.
Tại trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Bản Mù – ngôi trường nằm giữa lưng chừng đồi.
Người ta đã từng phải đánh nửa quả đồi để lấy mặt bằng xây trường học. Thế mới thấy sức người và sự đầu tư của Nhà nước dành cho giáo dục vùng cao là lớn như thế nào.
Cô Huệ hồ hởi khoe năm vừa rồi các em học sinh trồng và thu hoạch 4 tấn rau. Số rau này được bếp ăn của trường thu mua lại. Các em sẽ có tiền để đóng vào quỹ lớp.
Nhiều hoạt động được thầy cô tổ chức giúp học sinh gắn bó với trường lớp (Ảnh: N.D) |
Cô Huệ tâm sự: “Điều tôi thấy đáng mừng nhất đó là nhận thức của phụ huynh đã có nhiều sự thay đổi và tiến bộ một cách rõ rệt.
Phụ huynh người dân tộc đặc biệt là người Mông họ quan tâm hơn và đầu tư nhiều hơn cho việc học của con cái. Có thể nói hiện nay tình trạng phụ huynh cho con nghỉ học gần như là không có.
Nếu muốn nghỉ thì các em cũng xin phép thầy cô. Thầy cô đồng ý cho nghỉ thì mời nghỉ chứ không nghỉ vô tội vạ như trước”.
Có đi mới thấy, chân bước thung thăng trên sân trường lộng gió, tận mắt chứng kiến sự thay da đổi thịt trong giáo dục vùng cao. Mới thấy được hết nỗ lực của Đảng, Nhà nước, chính quyền, ngành giáo dục và các thầy cô.
Đâu đó người ta vẫn kể những câu chuyện về “người Mông xuống phố”. Thế nhưng đó là câu chuyện của những năm trước.
Hôm nay những đứa trẻ người Mông huyện Trạm Tấu xuống phố đã được trang bị hành trang đó chính là tri thức đến từ các trường học.
Trên con đường đổi đời, giáo dục chính là tác nhân quan trọng nhất thay đổi nhận thức và thay đổi cuộc đời của một đứa trẻ vùng cao.
Ở miền xuôi người ta có thể nói: Học không phải là con đường duy nhất để thành công. Nhưng ở miền ngược học gần như là con đường duy nhất và khả thi nhất.
Muốn học sinh đến trường phải yêu thương học sinh như con
Hè về, trong nỗi buồn của học sinh trường Bản Mù không thể thiếu đi nỗi nhớ thầy cô, nhớ từng luống rau tự tay vun trồng.
Rơi nước mắt Học kỳ mưu sinh của trẻ nghèo miền núi |
Đằng đẵng 9 tháng ở trường. Được thầy cô chăm nom từng bữa ăn, giấc ngủ.
Học sinh không nhớ sao được. Và cũng có như thế học sinh mới yêu trường và gắn bó với trường hơn.
Gần 33 năm công tác, thầy Nguyễn Duy Tiến vẫn không thể quên những ngày dài vất vả của học sinh bán trú.
Đó là một mùa mưa những năm 90. Khi tận mắt chứng kiến học sinh phải tự đắp bếp, nấu từng bát cơm ăn với măng cay. Thầy rưng rưng nước mắt.
Năm 1996, thầy Tiến tổ chức gom gạo rồi hướng dẫn các em trồng rau và nấu ăn. Đây chính là những đốm lửa nhỏ nhen nhóm mô hình trường bán trú sau này/
Nhưng phải mãi đến năm 2011, khi được Nhà nước đầu tư và nguồn xã hội hóa, thấy cô mới tính chuyện tổ chức các bữa ăn, phòng ốc cho học sinh ăn ở ngay tại trường.
Học sinh đến trường được ăn ngon hơn ở nhà, được ở trong những căn phòng sạch sẽ, khang trang.
Đây là lý do chính kéo các em đến trường và cũng là lý do khiến phụ huynh yên tâm giao phó con em họ cho nhà trường.
Nhiều đêm thầy Tiến thức trắng, cứ nghe tiếng điện thoại từ trường là giật bắn, khoác tạm cái áo lên trường ngay.
Thầy kể: “Tuổi 19 của tôi ra trường, đi làm. Lãnh đạo tín nhiệm cử vào huyện Trạm Tấu.
Sáng dậy đẹp xe đạp cơm nắm đi hơn 17 km từ Nghĩa Lộ và Trạm Tấu mà cũng phải mất nguyên ngày”.
“Làm nghề giáo viên quan trọng nhất là chữ Tâm” – thầy Tiến nói vậy.
Học sinh được học văn hóa kết hợp các hoạt động văn thể mỹ (Ảnh: N.D) |
Thầy xuề xòa bảo: “Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là chăm các em lớp 1. Các cháu lớp 1 ở đây còi lắm, bé nhỏ hơn các bạn đồng trang lứa ở dưới thành phố.
Các cháu lên đây mình chăm có khi còn hơn cả con mình. Con cái đôi khi ốm đau còn để ông bà ở nhà chăm.
Có cháu lên đây do tập quán tiện đâu là nó bận đấy. Thầy cô rất vất vả. Tuy nhiên chúng tôi cũng nghĩ rằng làm nghề giáo viên vùng cao phải có chữ Tâm’.
Thầy Tiến thật thà kể: Câu chuyện về một sinh viên mới ra trường xin lên vùng cao. Chiều hôm đó lên đến Trạm Tấu. Đêm, 3-4 giờ sáng khăn gói quả mướp lặng lẽ đi thẳng về xuôi không nói một tiếng nào.
Câu chuyện vui như vậy để thấy rằng các thầy cô công tác trên vùng cao ngoài chuyên môn còn phải có nghị lực và một trái tim yêu thương học sinh hết mực.
Các thầy cô vừa là giáo viên vừa là cha là mẹ. Nhưng chỉ tình thương yêu thôi cũng là không đủ.
Để có thể giữ chân các em ở trường thầy cô phải tìm tòi tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa như các giải thể thao, cuộc thi nấu ăn...Tạo một môi trường học tập lành mạnh, gắn kết và yêu thương lẫn nhau.
Môi trường học tập và tình yêu thương của thầy cô là những lý do khiến cho học sinh gắn bó với trường lớp (Ảnh: N.D) |
Nhìn lại thành quả gần 33 năm công tác, thầy Tiến đúc rút được một điều:
“Con đường thoát nghèo của học sinh nơi đây gần như chỉ có thể thay đổi bằng giáo dục. Nhưng làm sao để học sinh muốn đi học và thích đi học.
Điều này thực sự cần đến sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và đặc biệt là tình yêu thương, chữ Tâm của người thầy, người cô”.
Tháng 8 này, từ những bản làng xa xôi còn đượm mùi khói bếp. Học sinh cơm nắm măng đến ngôi nhà thứ 2 của mình – trường học. Quả thật có đến đây mới thấy hết ý nghĩa và giá trị của 2 từ giáo dục.
Biết đâu những đứa trẻ trường thành từ những ngôi trường lưng đồi sau này sẽ trở thành Sùng A Thào, Sùng A Vang, Nguyễn Duy Tiến...lại tiếp tục hành trình mang con chữ thắp sáng Tây Bắc.