Những sai sót mà một số giám khảo hay mắc phải trong chấm thi tuyển sinh 10

12/06/2019 06:07
THANH AN
(GDVN) - Chỉ cần bài thi của thí sinh lệch nhau 0,25 điểm là nhiều em đủ điểm đậu, nhiều em sẽ rớt nguyện vọng 1 vào những trường mà các em yêu thích.

Kỳ thi tuyển sinh 10 hiện nay của nhiều tỉnh thành đang rất khốc liệt bởi tỉ lệ chọi của nhiều trường rất cao.

Dù là các tỉnh lẻ thì những trường chuyên, trường lớn ở khu vực đô thị luôn có số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển nguyện vọng 1 cao hơn rất nhiều so với mặt bằng chung của các trường trong tỉnh.

Chính vì vậy, chỉ cần bài thi của thí sinh lệch nhau 0,25 điểm là nhiều em đủ điểm đậu, nhiều em sẽ rớt nguyện vọng 1vào trường mà thí sinh đó yêu thích.

Tuy nhiên, vì áp lực chấm thi cho kịp tiến độ và cả những sai sót trong phần cộng điểm tổng nên nhiều bài thi vẫn xảy ra tình trạng nhầm điểm của các thí sinh.

Việc chấm thi tuyển sinh 10 thường rất căng thẳng bởi chỉ một lơ là của giám khảo là ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Việc chấm thi tuyển sinh 10 thường rất căng thẳng bởi chỉ một lơ là của giám khảo

là ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh (Ảnh minh họa: Báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh)

Theo quy định chấm thi mà ngành giáo dục đang áp dụng cho các kỳ thi như tuyển sinh 10 và thi Trung học phổ thông quốc gia thì mỗi môn thi thường được chấm kiểm tra 5% số lượng bài thi.

Điều này có nghĩa là còn lại 95% số lượng bài thi vẫn có thể còn có những sai sót và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các thí sinh.

Việc chấm kiểm tra không chỉ đơn thuần là kiểm tra lại tổng điểm toàn bài của thí sinh mà những sai sót trong quá trình chấm lần đầu sẽ được những giám khảo chấm kiểm tra cân nhắc để có thể nâng điểm đối với những câu, những ý trong bài thi còn sót và cả những câu, những ý mà giám khảo chấm lần đầu chấm chưa chính xác.

Đối với các môn tự nhiên, môn tiếng Anh thì việc chấm lần 1 đã tương đối sát vì đó là những môn học có đáp án rõ ràng, chính xác. Việc khẳng định đúng hay sai trên bài làm của học sinh đơn giản hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, đối với môn Ngữ văn thì việc chấm thi thường khó khăn hơn rất nhiều.

Bởi, cùng một câu hỏi nhưng thí sinh có thể làm nhiều cách khác nhau, lý giải khác nhau nên dẫn đến cách cho điểm của giám khảo cũng khác nhau. Nhất là một số giám khảo bám chặt vào đáp án chấm để đếm ý cho điểm.

Vì thế, nhiều thí sinh viết chữ rất xấu, gạch xóa trong bài nhiều thì đòi hỏi những giám khảo chấm phải thật cẩn thận mới có những con điểm chính xác.

Chấm thi môn Văn đã khó, 10 bài chấm chung còn khó hơn

Nói thì dễ vậy, nhưng thực tế trong chấm bài thì cảm xúc, cách thẩm định đúng -sai của giám khảo nhiều cặp chấm cũng không đều nhau.

Có những xấp bài được giám khảo chấm rất nhẹ nhàng, thí sinh được điểm tương đối cao nhưng cũng có những cặp chấm cho điểm rất chặt.

Mỗi môn thi, có cả nghìn giám khảo, nhiều tỉnh đến mấy nghìn giám khảo nên việc chấm thi đôi lúc không đồng nhất trong cách cho điểm. Chính vì vậy, khi chấm kiểm tra thường phát hiện ra một số sai sót nhất định.

Thứ nhất là giám khảo cộng nhầm điểm cho thí sinh- đây cũng là lỗi phổ biến nhất. Bởi, trong một bài thi thường có nhiều câu, mỗi câu lại có nhiều ý nhỏ, có nhiều ý chỉ có thang điểm là 0,25.

Chính vì vậy, khi giám khảo chấm xong và cộng điểm tổng thì có một số bài không khớp với số điểm con đã chấm. Có những bài lệch đến 1,0 điểm, những bài lệch 0,25 hay 0,5 thì cũng vẫn thường gặp.

Có những xấp bài thí (24 bài) nhưng khi chấm kiểm tra phát hiện đến 5 bài bị cộng nhầm điểm. Có những em được cộng lên nhưng cũng có em bị cộng thấp hơn điểm chấm.

Thực tế, 0,25 điểm không phải là nhiều nhưng đối với môn Toán và Văn điểm nhân hệ số 2. Nếu cộng thiếu 0,25 điểm của thí sinh cũng đồng nghĩa thí sinh ấy mất đi 0,5 điểm. Nhưng, nếu cộng nhầm lên cho thí sinh 1,0 điểm thì thí sinh đó được thêm 2,0 điểm.

Tất nhiên, một số thí sinh được nâng điểm do sơ suất của giám khảo thì sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của thí sinh khác.

Chấm thi vào lớp 10, không để tuỳ tiện và sai sót

Thứ hai là khi lên điểm tổng thì một số giám khảo cộng sót những điểm con mà mình đã chấm.

Khi chấm thì mỗi câu được giám khảo cho điểm ở bên lề phần làm bài của thí sinh. Nhưng, khi lên điểm thì do sơ suất mà bỏ quên điểm nhỏ trong những câu có 2 ý. Thành ra một số bài còn thiếu điểm của học trò.

Thứ ba là bên cạnh những giám khảo chấm cẩn thận, nhiều xấp bài chấm kiểm tra không phát hiện ra lỗi nào thì vẫn có những cặp giám khảo chấm chưa sát với nội dung bài làm của thí sinh.

Chẳng hạn như môn Ngữ văn, nhiều thí sinh làm đến 11-12 trang giấy nhưng vì giám khảo đọc không cẩn thận dẫn đến cho điểm theo cảm tính. Nhiều người quan niệm chấm Văn là cảm nhận của mỗi người nên cho điểm chưa khách quan, thiếu công tâm và không đều tay.

Những bài của thí sinh viết chữ xấu, viết mờ thường không được đọc và chấm cẩn thận bằng những bài chữ đẹp, viết nét đậm, rõ.

Thứ tư là trong ngày chấm cuối cùng thì một số giám khảo thường có tâm lý chấm cho nhanh để kết thúc bởi mỗi đợt chấm thi tuyển sinh 10 thì thường kéo dài đến hàng tuần, thậm chí còn nhiều hơn.

Một số giáo viên từ các huyện xa được điều động về chấm nên tâm lý buổi cuối cùng thường xảy ra nôn nóng. Vì thế, dẫn đến những sai sót trong việc thẩm định nội dung bài thi để cho điểm chính xác.

Chính vì chỉ có 5% tổng số bài được chấm kiểm tra lại cho nên vẫn còn phần lớn bài thi của thí sinh chưa được kiểm tra kỹ lưỡng. Tất nhiên, những sai sót chắc chắn sẽ còn nhưng không thể kiểm tra hết được.

Hy vọng, những giáo viên khi được điều động đi chấm thi, dù là chấm kỳ thi nào cũng cần phải thật cẩn thận để đảm bảo quyền lợi cho các thí sinh đã tham dự kỳ thi. Bởi, chỉ cần có một chút lơ lờ, cẩu thả trong một thời điểm nào đó của người thầy là ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh.

THANH AN