Nói đến thói nịnh bợ, chúng ta thường liên tưởng thói xấu này chỉ xuất hiện ở những cơ quan lắm “màu mỡ” để có dịp tiến thân bằng “nước bọt” và đi bằng đầu gối nhằm trục lợi về sau.
Trong trường học, một môi trường thường được xem là “mô phạm”, chuẩn mực về mọi mặt nhưng thói xấu nịnh nọt này vẫn “chen chân” vào từ hồi nào.
Sẽ không có chuyện hiệu trưởng, hiệu phó đi nịnh, lấy lòng giáo viên, nhân viên mà là ngược lại. Thói nịnh tồn tại càng lâu, nội bộ nhà trường càng mất sự đoàn kết, gắn kết, mất sự trong sáng, sự trung thực của nghề dạy học.
Nguy hại hơn là thói nịnh làm vẩn đục bầu không khí sư phạm vốn được coi là cao quý, thiêng liêng.
Thói nịnh bợ làm vẩn đục môi trường sư phạm (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn). |
Thói đời có người ưa được nịnh, thích nịnh thì có người “tự giác” nịnh bợ. Hiệu trưởng ưa nịnh là những người luôn tạo ra “nhóm lợi ích” xung quanh mình, sẵn sàng “bảo vệ” mình khi có sự cố.
Đó là những hiệu trưởng thích nghe lời ngọt, thích nghe được ca tụng, tung hô mặc dù thực chất không có. Thế là những kẻ nịnh hót bu quanh nói thầy này thế này, cô kia thế kia gây ra sự nghi kỵ lẫn nhau…
Những lời nói thẳng, nói thật, góp ý chân thành thường bị hiệu trưởng bỏ ngoài tai vì đó không phải lời nịnh. Thói ưa nịnh đã làm cho nhiều người không còn tỉnh táo, không còn phân biệt đâu là lời giả dối, đâu là lời chân thành.
Tôi chứng kiến một lần cháu ngoại hiệu trưởng vào trường chơi. Cháu trai chừng bốn, năm tuổi khá hiếu động. Tường mới sơn còn đẹp nhưng cháu vẫn được mọi người xung quanh “cổ vũ” sút bóng mạnh vào, làm cho bức tường lem luốc…
Mọi người còn ca tụng: “Sau này cháu sẽ thành Hồng Sơn, Huỳnh Đức” hoặc “Cháu có khiếu đá bóng đó. Tài năng tương lai!”…
Hôm sau, con chị tạp vụ vào trường (cũng trạc tuổi cháu hiệu trưởng) chơi và đá bóng lên tường chơi…. Mấy thầy cô đứng gần đó ngăn lại: “Này, đi ra chỗ khác chơi nhé. Đá bóng làm dơ tường rồi kìa!”…. Nghe xong mà chua xót!
Trong giáo dục liệu có chuyện nịnh bợ cấp trên không? |
Những kẻ nịnh bợ thường được “ưu tiên” khi nhận lớp chủ nhiệm hoặc được cử đi học, tập huấn nâng cao tay nghề. Họ còn được hiệu trưởng bao che cho việc dạy thêm ở ngoài.
Thậm chí còn được cất nhắc làm tổ trưởng, tổ phó vì đó là quyền của hiệu trưởng, không ai dám cãi lại vì ngại đụng chạm…
Thói nịnh còn tác động trong cả những cuộc họp hàng tháng, họp bình chọn, bình bầu các danh hiệu thi đua cuối năm. Mặc dù hiệu trưởng có nhiều vi phạm nhưng vẫn được ca tụng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Phe nịnh thì bầu chọn cho hiệu trưởng, cho phe nhóm mình còn những giáo viên trung thực, sống ngay thẳng thường bị gạch bỏ không thương tiếc.
Nhiều khi nghe những lời nịnh thối, nhiều người không chịu nổi nhưng đành bất lực vì hiệu trưởng có “gốc bự”, có “thân thế”.
Thành ra, mọi người chọn cách im lặng cho nó “lành” nhưng thâm tâm họ ghét cay ghét đắng những kẻ nịnh này.