Cứ sau mỗi vụ học sinh đánh bạn người đầu tiên chịu trách nhiệm chính là những thầy cô giáo chủ nhiệm lớp.
Nhẹ thì bị nhà trường nhắc nhở, kiểm điểm, bị hội đồng kỉ luật khiển trách, cảnh cáo.
Nặng thì bị buộc thôi việc, ghi hồ sơ và vĩnh viễn rời bục giảng.
Có giáo viên chủ nhiệm giỏi thật sự sẽ giảm bạo lực học đường (Ản minh họa, nguồn baobacninh.com.vn). |
Có thể điểm sơ qua vài vụ việc học sinh đánh nhau vừa qua mà báo chí đã đưa tin.
Học sinh lớp 7 Trường Trung học cơ sở Cẩm Bình thành phố Cẩm Phả tỉnh Quảng Ninh đánh bạn, cô giáo chủ nhiệm bị đình chỉ công tác.
Học sinh lớp 9 ở Hưng Yên đánh và lột truồng bạn tại lớp học, cô giáo chủ nhiệm bị đuổi dạy.
Và hằng ngày, trong môi trường giáo dục cả nước có hàng chục, hàng trăm trường hợp giáo viên chủ nhiệm bị nhà trường nhắc nhở hoặc đứng trước nguy cơ bị kỉ luật khi chẳng may lớp chủ nhiệm xảy ra chuyện xích mích, va chạm, thậm chí đánh nhau trong trường.
Nhiều thầy cô giáo chủ nhiệm lo lắng, hoang mang vì sợ không biết lúc nào “tai bay vạ gió” sẽ đến với mình.
Vì thế, trong thực tế chẳng giáo viên nào muốn đảm nhận vai trò giáo viên chủ nhiệm lớp. Nguyên do lớn nhất, quyền lợi quá ít mà trách nhiệm lại quá nhiều.
Một nghịch lý đang xảy ra trong thực tế, quyền lợi giáo viên chủ nhiệm đã ít còn bị san sẻ cho giám thị nhà trường
Muốn xóa bạo lực học đường chớ đổ hết trách nhiệm lên các thầy cô giáo phổ thông |
Tại Khoản 1 Điều 6 Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông (Ban hành kèm theo Thông tư số: 28 /2009/TT-BGDĐT ngày 21/10/2009 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT) có nêu:
Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
Theo Khoản 1 Điều 8 Quy định trên thì giáo viên chủ nhiệm lớp ở cấp tiểu học được giảm 3 tiết/tuần, ở cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông được giảm 4 tiết/tuần.
Nếu theo quy định, một tuần giáo viên chủ nhiệm bậc trung học cơ sở được tính 4 tiết làm công tác chủ nhiệm.
Trong thực tế, thời gian giảm trừ như vậy là quá ít.
Bởi, để làm tốt công tác chủ nhiệm, giáo viên phải bỏ ra không biết bao nhiêu là thời gian, công sức của mình.
Chỉ tính riêng mỗi buổi học, giáo viên chủ nhiệm phải bỏ ra 15 phút sinh hoạt đầu giờ cùng học sinh. Một tuần (6 buổi) đã chiếm hết 90 phút.
Thời gian ấy đủ bằng 2 tiết giảng dạy. Vậy, thời gian còn lại 2 tiết dạy (theo quy định) giáo viên chủ nhiệm sẽ phải làm gì?
Nhưng có thầy cô giáo chủ nhiệm nào được hưởng đủ 4 tiết chủ nhiệm theo quy định?
Họ buộc phải san sẻ lại cho giáo viên giám thị của nhà trường từ 1-2 tiết/tuần.
Thế mà, khi học sinh có chuyện gì xảy ra (dù nhỏ hay lớn) lại chỉ mình giáo viên chủ nhiệm gánh chịu. Cách làm này, đã thật sự công bằng với giáo viên chủ nhiệm chưa?
Vai trò của giáo viên giám thị
Giáo viên giám thị trong nhà trường họ làm những gì? Vai trò của họ trong việc giáo dục học sinh ra sao?
Cùng với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên giám thị đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì nề nếp, kỷ luật của nhà trường, góp phần rèn luyện tính kỷ luật của học sinh.
Dưới sự theo dõi, giám sát của các giám thị, nhiều hiện tượng tiêu cực và tệ nạn xã hội cũng khó có cơ hội phát sinh trong nhà trường.
Hằng ngày, giáo viên làm công tác giám thị sẽ đi sớm hơn bình thường và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nề nếp của học sinh.
Đồng thời xử lý nhanh những vi phạm khi các em mắc phải (báo cáo nhà trường kịp thời khi sự việc không hay xảy ra).
Hàng tuần, giám thị sẽ tổng hợp sổ cờ đỏ, sổ ghi đầu bài của các lớp cùng với sổ trực ở phòng giám thị để nhận xét, đánh giá từng lớp và từng học sinh vi phạm.
Giám thị chính là “khắc tinh” của những học sinh chưa thực hiện đúng nội quy, thường xuyên vi phạm quậy phá trường, lớp...
Mỗi tuần, giáo viên chủ nhiệm phải chia sẻ ít nhất 1 tiết chủ nhiệm của mình cho giáo viên giám thị. Mỗi giám thị được nhà trường bố trí theo dõi từ ít nhất từ 3-4 lớp (tùy trường).
Mỗi lớp theo dõi, giáo viên giám thị được trừ 2 tiết dạy.
Bởi vậy, về nguyên tắc các thầy cô giáo làm công tác giám thị cũng phải có trách nhiệm nếu như học sinh trong lớp mình phụ trách xảy ra chuyện bạo lực với nhau.
Nhưng hiện nay, khi xử lý trách nhiệm liên quan, nhà trường và các cấp, các ngành đã quên mất vai trò, trách nhiệm của giáo viên giám thị.
Những gánh nặng về trách nhiệm chỉ đổ ụp lên đầu giáo viên chủ nhiệm.
Đòi hỏi xử lý trách nhiệm giáo viên giám thị không nằm ngoài việc để những thầy cô giáo làm công tác giám thị đề cao hơn vai trò trách nhiệm quản lý học sinh của mình cùng với thầy cô giáo chủ nhiệm.
Có thế, mới mong giảm thiểu những vụ bạo lực ngày một tiến triển trong nhà trường như hiện nay.