Tại lễ tổng kết và trao giải thưởng sinh viên Nghiên cứu khoa học – Euréka 2017 đã vinh danh nữ sinh Nguyễn Hoàng Thương (lớp 39K16.CLC, khoa Tài chính, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng) với đề tài độc đáo “Quản trị lợi nhuận và biến động đồng bộ giá cổ phiếu: Nghiên cứu thực nghiệm tại thị trường chứng khoán Việt Nam”.
Ấp ủ niềm đam mê
Vừa trở về sau lễ trao giải, Thương chia sẻ: “Trong đầu mình vẫn còn cảm giác lâng lâng hạnh phúc và một chút bất ngờ.
Để đạt được kết quả này, mình đã nhận được sự hỗ trợ, góp ý từ các thầy cô, qua các cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp Khoa, cấp Trường.
Đặc biệt là sự hướng dẫn cực kỳ tận tình của thầy Đặng Tùng Lâm. Đây là sẽ là bước đầu để mình tích luỹ kinh nghiệm, bởi lẽ sau mỗi lần nhìn lại, mình sẽ khắc phục được những thiếu sót trong từng đề tài”.
Nữ sinh trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng với niềm đam mê nghiên cứu khoa học được vinh danh. Ảnh: TH |
Để hoàn thiện đề tài nghiên cứu này, Thương đã phải nổ lực suốt một thời gian dài, vật lộn với những phép tính toán và từng tập tài liệu dày cộm.
“Đề tài này mình đã thực hiện trong vòng một năm, tuy nhiên ý tưởng thì mình đã ấp ủ được từ lúc còn là sinh viên năm thứ 3”, Thương cho hay.
Giáo dục đại học của Việt Nam đang ở trạng thái “1 khóa, 2 chìa và 4 nấc” |
Về ý nghĩa của đề tài này, Thương nói: “Đây là đề tài nhằm nghiên cứu về Thị trường chứng khoán Việt Nam cùng những rủi ro khi giá cổ phiếu toàn thị trường cùng tăng hoặc cùng giảm mạnh.
Thông qua đề tài, mình đã đặt ra những giải pháp nhằm minh bạch thông tin trong thị trường chứng khoán, góp phần vào sự phát triển bền vững của thị trường trong xu thế bùng nổ thông tin và đón đầu làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay”.
Vượt qua hơn 191 đề tài nghiên cứu khoa học về kinh tế, đề tài của Thương được ban giám khảo đánh giá cao bởi tính ứng dụng thực tiễn.
Tham dự vòng chung kết Euréka 2017, Thương có cơ hội đi thăm các công trình trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh.
Như các khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, được giao lưu với sinh viên các Trường thuộc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh để khơi nguồn đam mê nghiên cứu.
“Mình cũng học được rất nhiều điều hay từ các bạn trường khác. Đó là cách tư duy rõ ràng, mạch lạc. Từ lối tư duy đó, những ý tưởng và lý do mà các bạn ấy đề ra rất thuyết phục.
Các ý tưởng hay đề tài nghiên cứu khoa học của các bạn đều bắt nguồn từ những vấn đề rất thiết thực và có giá trị thực tiễn cao”, Thương nói.
“Nên trải nghiệm nghiên cứu khoa học ít nhất một lần trong quãng đời sinh viên”
Để chinh phục con đường nghiên cứu khoa học vốn khô khan và nhiều khó khăn, Thương chia sẻ:
Cách mạng 4.0 diễn biến khó lường, Việt Nam-Úc tuyên bố đối tác đổi mới sáng tạo |
“Ngoài những yếu tố về kĩ thuật nghiên cứu, cách sử dụng các phần mềm thống kê hay cách viết các đề tài khoa học điều khó khăn nhất khi thực hiện một nghiên cứu là làm sao để có được ý tưởng và mạch lý thuyết nghiên cứu.
Để chinh phục nó, bạn cần phải đam mê, vạch ra và hiểu rõ được mạch lý thuyết, lý giải được vì sao đề tài đó cần phải nghiên cứu.
Thêm nữa, đó là sự không ngại khó và sự kiên trì, trau chuốt và tinh thần không bỏ cuộc.
Theo mình, nghiên cứu là quá trình mà tất cả các bạn trẻ đều nên trải nghiệm ít nhất một lần trong quãng đời sinh viên của mình.
Nghiên cứu không phải là điều dễ dàng, nhưng đó hẳn là niềm tự hào nếu bạn nhìn lại một quãng đường dài với đầy những khó khăn mà bạn đã chinh phục hết”.
Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka là giải thưởng cao quý dành cho sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học trên toàn quốc.
Mục đích góp phần đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên các trường do Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh tổ chức.
Vòng chung kết Euréka 2017 thu hút sự tranh tài của 295 tác giả, là sinh viên của 64 trường với 123 công trình nghiên cứu khoa học ở 12 lĩnh vực:
Công nghệ hóa dược, Công nghệ sinh – y sinh, Công nghệ thông tin, Công nghệ thực phẩm, Giáo dục, Hành chính – pháp lý, Kinh tế, Kỹ thuật - Công nghệ...
Nhiều đề tài nghiên cứu năm nay đáp ứng các vấn đề thời sự nổi bật trong nước, gắn với xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ nhằm phát triển nông nghiệp chất lượng cao...