Hợp đồng vẫn phải “đút lót”
Thực trạng khủng hoảng thừa giáo viên và câu chuyện cùng một lúc hàng trăm giáo viên ở huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa) bị chấm dứt hợp đồng khiến không ít giáo viên hợp đồng khác cảm thấy hoang mang.
Theo tâm sự của nhiều giáo viên, để xin được vào làm hợp đồng, họ phải “chạy chọt”, “đút lót” đủ bề.
Dù tiền lương ít ỏi không đủ trang trại cuộc sống, mỗi lần hết thời hạn hợp đồng họ lại phải mất thêm một khoản tiền nữa để gia hạn, thế nhưng nhiều giáo viên vẫn cố bám trụ với hy vọng một ngày nào đó được biên chế.
Dù đã đứng lớp được gần 3 năm ở 2 ngôi trường, nhưng thầy Nguyễn Hoàng N. (SN 1990, ở Bố Trạch, Quảng Bình) vẫn hợp đồng từng năm một.
Thầy N. kể, hồi mới ra trường thầy xin vào dạy cho một trường Tiểu học ở huyện Bố Trạch. Để vào được đó, gia đình thầy phải vay mượn một số tiền “không nhỏ” để đút lót lãnh đạo.
Hợp đồng được một năm, lương khởi điểm thì thấp nhưng thầy vẫn cố bám trụ với hy vọng không lâu nữa sẽ được biên chế. Khi hết thời hạn hợp đồng, thầy lại mượn của bố mẹ một khoản tiền nữa để gia hạn chờ thời cơ.
Nhiều giáo viên đứng lớp rất nhiều năm, nhưng vẫn bị chấm dứt hợp đồng (Ảnh minh họa) |
Thế nhưng đến khi có đợt thi vào biên chế thì thầy bị trượt và bị cắt hợp đồng, thầy đành ngậm ngùi chia tay ngôi trường mình gắn bó gần 2 năm với biết bao khó khăn, trở ngại.
“Lúc đó tôi mới chân ướt chân ráo bước vào nghề, tôi đã nuôi hy vọng rất nhiều, nhưng cuối cùng lại không được gắn bó với ngôi trường đó. Tôi thấy đợt đó tôi làm bài thi cũng tương đối ổn, nhưng không hiểu sao lại bị trượt.
Để vào đó dạy, gần 2 năm tôi tiêu tốn của bố mẹ biết bao nhiêu tiền. Có thể so với nhiều người, số tiền đó không là gì, nhưng với nghề giáo viên chúng tôi thì đó là một số tiền khá lớn, bằng 2/3 số lương cả 2 năm đi dạy của tôi”, thầy N. chia sẻ.
Còn với cô Thành (ở Quảng Bình), so với nhiều người khác, cô Thành may mắn hơn vì tự xin được vào một trường Tiểu học ở huyện Quảng Ninh.
Nói là tự xin, nhưng để vào được thì cô cũng đã phải tiêu tốn của bố mẹ một khoản tiền kha khá.
Mất tiền mới xin vào được, nhưng chỉ dạy hợp đồng theo từng năm. Hết năm nay lại quay lại giống như năm đầu, xin lại từ đầu và lại tốn thêm một khoản tiền nữa.
Cô Thành tâm sự: “Tôi là giáo viên dạy nhạc, liên quan đến phong trào nên thời gian làm việc thường vượt quá 8 giờ mỗi ngày. Để đảm bảo chất lượng dạy học, lại thêm công tác xã hội, ở trường hầu như lúc nào tay chân tôi cũng hoạt động.
Lãnh đạo họ thích người giỏi, nhưng họ lại muốn bỏ ra ít tiền. Vì thế, dù mình luôn làm việc hết sức nhưng vẫn nơm nớp lo sợ, nhỡ có sơ sẩy gì thì bị mất việc như chơi.
Đấy là ở trường, còn ra ngoài thì vì mình là giáo viên mà, hầu như mọi thứ đều phải chuẩn mực. Tôi nghĩ điều này làm cho mình ít đi sự sáng tạo”, cô Thành nói.
Với hy vọng nay mai sẽ vào được biên chế, cô Thành cũng chạy chọt để được đóng bảo hiểm.
“Cái này nó liên quan đến hệ số nâng lương sau này nếu như mình vào được biên chế, nên bây giờ tôi phải mất một khoản nữa để được đóng bảo hiểm. Nói chung là khoản này thì không nhiều, nhưng so với lương của mình thì là quá nhiều”, cô Thành hài hước nói.
Làm đủ nghề để trang trại cuộc sống
Theo chia sẻ của cô Thành, tiền lương mỗi tháng của cô nếu tính ra thì không đủ để cuối tuần đi uống cà phê với bạn.
Xót xa thân phận giáo viên hợp đồng!(GDVN) - Biết bao nhiêu giáo viên phải lo “lót” mới được dạy hợp đồng, biết bao người đã nhận được những lời hứa của lãnh đạo để bây giờ dở dang sự nghiệp của mình. |
Lương cô tính theo hệ 2,34 nhưng cô chỉ được hưởng 75%. Vì thế, dù công việc rất vất vả nhưng cô vẫn tranh thủ thời gian rảnh làm thêm (như đi múa, bán hàng trên mạng…) để kiếm thêm thu nhập.
“Có người nói làm giáo viên thì ổn định, nhưng với giáo viên hợp đồng như tôi, tôi thấy bấp bênh lắm, không biết bị mất việc lúc nào. Hơn nữa, lương thì ba cọc ba đồng, đi ra ngoài với bạn bè đôi khi thấy tự ti lắm.
Bây giờ tôi chỉ mong sao giáo viên được nâng lương, được tạo điều kiện làm thêm giờ ở ngoài để họ có thể trang trại được cuộc sống.
Thi vào biên chế thì thi một cách công bằng, thi trực tiếp vào luôn chứ cứ hợp đồng dai dẳng mệt mỏi lắm, mà tương lai thì không biết thế nào, nhỡ không được thì phí thời gian tuổi trẻ và năng lực của họ quá”, cô Thành bày tỏ.
Quay lại với thầy Nguyễn Hoàng N., sau khi bị chấm dứt hợp đồng ở trường Tiểu học, thầy tiếp tục xin vào dạy hợp đồng ở một trường THCS.
Hiện thầy đã lập gia đình, nhưng số tiền lương ít ỏi của một giáo viên hợp đồng không đủ để thầy trang trại cuộc sống. Vì vậy, ngoài thời gian đi dạy, lúc nào rảnh thì thầy lại làm thêm. Thầy mở quán nước, quán tạp hóa để có tiền trang trải cuộc sống, mua sữa cho con…
“Tiền lương hiện tại một mình tôi tiêu còn không đủ, huống chi là nuôi vợ con. Lấy vợ rồi, nhưng nhiều khi tôi vẫn phải xin tiền bố mẹ. Bây giờ thì tôi có mở quán nước, quán tạp hóa tranh thủ làm thời gian rảnh để kiếm thêm thu nhập còn trang trại cuộc sống.
Đi dạy đã 3 năm ở 2 ngôi trường nhưng vẫn hợp đồng, vừa rồi nghe thông tin dư thừa giáo viên, rồi hàng trăm giáo viên bị chấm dứt hợp đồng tôi thấy hoang mang lắm. Nếu sắp tới tôi bị chấm dứt hợp đồng nữa thì có lẽ là tôi sẽ tính hướng khác”, thầy N. chia sẻ.