Ở An Giang, Ban giám hiệu và Tổ trưởng chuyên đều dạy đủ số tiết quy định

11/05/2020 06:34
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Sự so bì về công việc giữa giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ và giáo viên kiêm nhiệm chức vụ không xảy ra như một số địa phương đã được phản ánh trên báo chí.

Trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều bài viết đề cập đến chuyện các thành viên Ban giám hiệu nhà trường không đứng lớp nhưng vẫn nhận phụ cấp ưu đãi khiến cho nhiều giáo viên bất bình.

Tuy nhiên, ở tỉnh An Giang lại hoàn toàn khác, các thầy cô trong Ban giám hiệu luôn dạy đúng số tiết quy định và không được quy đổi số tiết. Thậm chí các thầy cô là tổ trưởng chuyên môn cũng dạy đủ số tiết- cho dù các thành viên trong tổ đang thiếu tiết theo quy định.

Ban giám hiệu và Tổ trưởng chuyên môn ở An giang luôn dạy đủ số tiết quy định. (Ảnh minh họa:Haiphong.edu.vn)

Ban giám hiệu và Tổ trưởng chuyên môn ở An giang luôn dạy đủ số tiết quy định. (Ảnh minh họa:Haiphong.edu.vn)

Tất cả các thầy cô là Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng nhà trường đều phải dạy đủ số tiết quy định.

Nếu như trước đây, các thầy cô làm Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng được quy đổi số tiết nếu kiêm nhiệm các chức vụ khác. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay thì chuyện này đã không còn nữa.

Chẳng hạn, Bí thư chi bộ nhà trường được tính 2 tiết /tuần và chức danh này thường do Hiệu trưởng nhà trường đảm nhận.

Theo quy định thì Hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/ tuần nên trước đây thì được quy đổi sang ngang và Hiệu trưởng không phải dạy số tiết này. Nhưng, từ nhiều năm nay đã không được quy đổi như vậy nữa mà tất cả Hiệu trưởng nhà trường phải đứng lớp dạy hàng tuần.

Đối với Phó Hiệu trưởng nhà trường có nhiều người kiêm nhiệm Chủ tịch Công đoàn. Trong khi quy định chức danh Phó Hiệu trưởng dạy 4 tiết/tuần, Chủ tịch Công đoàn được giảm 3 tiết/ tuần.

Đáng lẽ ra, nếu tính như vậy thì Phó Hiệu trưởng chỉ phải dạy 1 tiết còn lại nhưng trên thực tế không được quy đổi mà Phó Hiệu trưởng vẫn dạy 4 tiết theo quy định hiện hành.

Vì vậy, tất cả các thầy cô trong Ban giám hiệu nhà trường đều phải đứng lớp theo quy định: Hiệu trưởng 2 tiết, Phó Hiệu trưởng 4 tiết/ tuần. Và, từ nhiều năm nay họ đã và đang dạy bình thường.

Các thầy cô cấp Tiểu học thì dạy một số môn phụ, các thầy cô từ cấp Trung học cơ sở trở lên dạy môn mình được đào tạo. Môn nào nhiều tiết thì Hiệu trưởng chỉ dạy 1 học kỳ là đủ và họ dạy đều rất nghiêm túc, tham gia đầy đủ các cuộc họp chuyên môn của tổ.

Chính vì họ trực tiếp giảng dạy nên họ gắn liền với công việc hàng ngày của tổ chuyên môn và những chỉ đạo cũng sát sao, nhất là nắm được tình hình thực tế của học sinh như thế nào để có những giải pháp khi cần thiết.

Tổ trưởng chuyên môn bắt buộc phải dạy đủ tiết- dù tổ thừa giáo viên

Bắt đầu từ năm học 2019-2020 thì Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã có công văn số 511 /SGDĐT-TCCB yêu cầu các thủ trưởng đơn vị phân công đủ số tiết quy định đối với các tổ trưởng chuyên môn.

Tại công văn này nếu rõ:

Hằng năm, căn cứ vào quy mô phát triển, số người làm việc hiện có tại các vị trí việc làm,việc đánh giá phẩm chất, năng lực viên chức của đơn vị để phân công nhiệm vụ và bổ nhiệm chức vụ Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn cho phù hợp đúng quy định của Điều lệ nhà trường.

Việc thực hiện chế độ phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức quản lý tại đơn vị (Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, Tổ trưởng tổ phó chuyên môn) cần thực hiện nghiêm túc theo quy định tại điểm c, khoản 1 Điều I của Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 23 tháng 01 năm 2006”.

Chính vì thế, tất cả các tổ trưởng chuyên môn đều được phân công dạy đủ số tiết theo quy định hiện hành. Đối với cấp Tiểu học là 23 tiết, cấp Trung học cơ sở 19 tiết và Trung học phổ thông 17 tiết/ tuần.

Khi thực hiện công văn này, đối với cấp Tiểu học thì dễ nhưng đối với cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông lúc đầu cũng có những điều tiếng bình phẩm vì thực tế nhiều trường, nhiều môn học dư giáo viên.

Thậm chí, có những giáo viên chỉ dạy một nửa định mức quy định nhưng bắt buộc tổ trưởng phải dạy đủ số tiết. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn thì không còn ý kiến gì nữa bởi tất cả đã được quán triệt và ai cũng hiểu mình cần phải là những người tiên phong nhất trong nhà trường.

Không có sự so bì trong các nhà trường

Ở An Giang, Ban giám hiệu và Tổ trưởng chuyên đều dạy đủ số tiết quy định ảnh 3
Ban giám hiệu sinh hoạt chuyên môn ở đâu?

Thực tế chứng minh, một khi những người đứng đầu đơn vị, đứng đầu tổ chuyên môn mà không thực hiện đúng quy định, không dạy đủ số tiết, thậm chí không dạy nhưng vẫn nhận đầy đủ tiền đứng lớp thì không bao giờ nhận được sự đồng tình của cấp dưới.

Vì thế, chúng ta vẫn thường thấy nhiều trường học trên cả nước đã có đơn thư tố cáo về sự việc này. Nhiều thầy cô trong Ban giám hiệu phải trả lại tiền đứng lớp và đương nhiên uy tín trước đồng nghiệp sẽ mai một dần.

Trong trường học, việc mất đoàn kết nội bộ bao giờ cũng liên quan đến quyền lợi của người thầy, sự bất minh trong chi tiêu tài chính.

Vì thế, chúng tôi thấy rằng ngành giáo dục An Giang đã và đang làm tốt công tác phân công định mức giảng dạy. Lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng chuyên môn đã gương mẫu trong việc thực hiên phân công, ai cũng dạy đủ số tiết quy định.

Chính vì thế, sự so bì về công việc giữa các giáo viên không kiêm nhiệm chức vụ và những giáo viên kiêm nhiệm chức vụ cũng không xảy ra như một số địa phương đã được phản ánh trên báo chí.

KIM OANH